(BVPL) - Theo điểm c, Điều 19, Nghị định 12/2009/NĐ-CP; Khoản 1, Điều 27 Nghị định 64/2012; và Điểm e, Khoản 2, Điều 3, Quyết định 79/2007/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội thì công trình 8B Lê Trực không thuộc trường hợp phải xin phép, vậy tại sao vẫn bị yêu cầu lập hồ sơ xin phép? Tại sao Quyết định phê duyệt quy hoạch chi tiết vẫn còn nguyên giá trị pháp lý nhưng Hà Nội chỉ căn cứ vào Giấy phép xây dựng chưa rõ đúng – sai để “cắt ngọn” công trình? Đây là những vấn đề rất nghiêm trọng trong vụ cưỡng chế phá dỡ công trình 8B Lê Trực nhưng đến nay vẫn chưa được giải đáp thấu đáo.

 


Tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước sai thì phải bồi thường..?


Sau hàng  loạt câu hỏi từ dư luận, ngày 30/9/2015, UBND TP Hà Nội có Báo cáo dài 12 trang về công tác quản lý quy hoạch kiến trúc và đầu tư xây dựng Dự án này gửi Thủ tướng Chính phủ để Thủ tướng có căn cứ đưa ra những chỉ đạo về vụ việc. Tuy nhiên, dường như còn nhiều nội dung quan trọng cần báo cáo Thủ tướng nhưng Hà Nội lại “bỏ quên” khiến dư luận hoài nghi về tính khách quan của Báo cáo.


Tại trang số 3 Báo cáo của Hà Nội gửi Thủ tướng có nêu: “... ô đất L30 (8B Lê Trực) có chức năng: Trung tâm Thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê; Mật độ xây dựng 64%; cao 4-17 tầng...”


Tuy nhiên, xét lại Quyết định 2452/QĐ-UBND ngày 05/12/2008, văn bản này cho phép 8B Lê Trực xây dựng: cụm công trình nhà ở 4 tầng, và cụm hỗn hợp cao 17 tầng, khối đế 05 tầng, chiều cao tối đa công trình tuân thủ ý kiến của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam (tối đa không quá 70m). Vậy rõ ràng, Báo cáo của Hà Nội với Thủ tướng đã “khuyết” mất thông tin chiều cao tối đa của công trình được phép xây dựng là 70m. Mà đây lại là thông tin quan trọng nhất của Dự án! Bởi trong kỹ thuật xây dựng cũng như hình học thì chiều cao của công trình mới là vấn đề quyết định số tầng.


Dư luận tiếp tục hoài nghi khi UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng rằng: Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội có công văn 499/QHKT-P3 ngày 16/3/2009 chấp thuận Tổng mặt bằng và phương án kiến trúc dự án với chỉ tiêu mật độ xây dựng 64% gồm: Khu nhà thấp tầng (4 tầng, không tính tầng bán hầm và áp mái) và khối công trình hỗn hợp Trung tâm Thương mại, văn phòng, nhà ở để bán và cho thuê (cao 17 tầng, giật cấp từ phía Lê Trực đến phía Kim Mã).


Trong khi đó, chủ đầu tư cho biết, thực tế văn bản số 499/QHKT-P3 của Sở Quy hoạch - Kiến Trúc Hà Nội đã chấp thuận Quy hoạch tổng mặt bằng và Phương án thiết kế kiến trúc với quy mô công trình bao gồm: 17 tầng và 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái (tổng cộng là 20 tầng), chiều cao không quá 70m, có thiết kế hẳn hoi và đã được phê duyệt.


Nếu vậy, tại sao Hà Nội không đưa cụ thể công trình 8B Lê Trực được phép xây dựng 17 tầng cộng thêm 2 tầng kỹ thuật, 1 tầng mái vào nội dung Báo cáo Thủ tướng mà chỉ đưa mỗi nội dung công trình được xây 17 tầng vào Báo cáo? Chủ đầu tư một mực kêu oan chính bởi điều này, họ cho rằng Báo cáo Hà Nội gửi Thủ tướng đã bớt đi 2 tầng kỹ thuật và 1 tầng mái của công trình, và “nhanh chóng” kết luận công trình sai phạm vượt số tầng, vượt chiều cao gây tổn thất hàng trăm tỷ đồng cho doanh nghiệp.


Tóm  lại, người dân và chủ đầu tư mong muốn có sự minh bạch, rõ rang. Ai sai thì người đó phải sửa. Tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước sai thì phải bồi thường theo Luật Trách nhiệm của nhà nước; còn chủ đầu tư sai thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.


Một câu hỏi lớn được đặt ra? Nếu chủ đầu tư thật sự bị “oan sai” thì hàng trăm tỷ đồng thiệt hại, tổ chức, cá nhân nào sẽ bồi thường…? Báo Bảo vệ pháp luật sẽ tiếp tục cập nhật và làm rõ trong những bài tiếp theo./.


PV

.