(BVPL) - Trong khi Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lo lắng về tính khả thi của dự án thì địa phương đang lên kế hoạch sang Thái Lan tìm hiểu kỹ hơn về năng lực chủ đầu tư với hy vọng đón được dòng vốn khổng lồ này.

 
 
Dự án tại Bình Định dự kiến đặt mục tiêu chính là xuất khẩu (sang Nhật Bản, Trung Quốc và các nước trong khu vực...), Việt Nam gần như chỉ là địa điểm chế biến trung gian. Vì vậy, Bộ Công Thương cho rằng cần đánh giá ảnh hưởng đến môi trường sinh thái khi triển khai dự án. Ngoài ra, việc xuất khẩu sang Trung Quốc, Nhật Bản, Indonesina, những quốc gia có thị trường sản xuất và tiêu thụ xăng dầu lớn nhất châu Á, Bộ cho rằng cần có luận cứ rõ ràng hơn.
 
Bộ Công Thương yêu cầu chủ đầu tư PTT giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến khả năng thu xếp vốn, tiến độ dự án, khả năng cân đối nguồn cung ứng dầu thô, phương án tiêu thụ sản phẩm xăng dầu ở Việt Nam và xuất khẩu... PTT phải có cam kết từ đại diện pháp lý cao nhất của Tập đoàn này với việc triển khai dự án. "PetroVietnam và Petrolimex đều được Chính phủ giao tham gia 2 dự án Nhà máy lọc dầu Long Sơn và Nam Phong trong khi khả năng của hai tập đoàn có hạn. Do vậy khả năng tham gia góp vốn của 2 tập đoàn ở mức 30% là khó khả thi", Bộ Công Thương bày tỏ.
 
Dự án lọc hóa dầu Nhơn Hội dự kiến đặt tại Khu kinh tế Nhơn Hội với quy mô 660.000 thùng một ngày (30 triệu tấn dầu thô mỗi năm, gấp gần 5 lần nhà máy lọc dầu Dung Quất). Nếu Chính phủ đồng ý thông qua thì đây sẽ là nhà máy lọc hóa dầu lớn nhất Việt Nam.
 
Nhà máy sẽ sử dụng nhiều loại dầu thô có chất lượng khác nhau từ ba khu vực cung cấp chính với tỷ lệ 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và 30% từ Nam/Trung Mỹ. Sản phẩm của nhà máy gồm có lọc dầu (LPG, xăng A92/95, Jet A1, DO...) và hóa dầu (PE, PP, benzen...), trong đó hóa dầu dự kiến chiếm khoảng 35% doanh thu của dự án.. Thị trường tiêu thụ nội địa Việt Nam và xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Trung Quốc và châu Á. Dự kiến dự án khởi công xây dựng vào quý 1/2016 và hoàn thành vào giữa năm 2020.
 
Trí Tín - Hoàng Lan
Theo VnExpress
.