Cầm cố ngân hàng

Nhiều khách hàng mua đất nền tại dự án Khu dân cư Cầu Đò (địa chỉ: xã An Điền, thị xã Bến Cát, tỉnh Bình Dương) nhận được thông báo của chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Thuận Lợi (Công ty Thuận Lợi), về việc gia hạn cấp sổ đỏ cho khách hàng.

Theo thông báo của Công ty Thuận Lợi, dự án Khu dân cư Cầu Đò (diện tích 403.146m2) hiện đang bị cơ quan chức năng tạm dừng, để thực hiện việc lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đồng thời, thực hiện thỏa thuận với địa phương để thống nhất đối với phần diện tích chồng lấn ranh quy hoạch giữa Khu dân cư Cầu Đò và dự án nạo vét sông Thị Tính.

leftcenterrightdel
 Dự án Khu dân cư Cầu Đò.

Công ty Thuận Lợi gia hạn thời gian cấp sổ đỏ cho khách hàng đã mua đất tại dự án Khu dân cư Cầu Đò và xin lùi thời hạn cấp sổ đỏ cho khách hàng đã mua đất nền tại dự án, dự kiến đến quý 1/2021.

Theo tìm hiểu của PV, mặc dù giải thích với khách hàng về lý do chậm ra sổ đỏ tại dự án Khu dân cư Cầu Đò là do "điều chỉnh quy hoạch". Tuy nhiên, trên thực tế, Công ty Thuận Lợi đã đem nhiều sổ đỏ các lô đất trong dự án cầm cố cho ngân hàng và cá nhân để vay tiền.

Rủi ro cho khách hàng

Theo Luật sư Trần Minh Hùng – Văn phòng Luật sư Gia Đình (Đoàn Luật sư TP HCM), theo quy định về Luật nhà ở và Luật kinh doanh bất động sản thì chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở được thế chấp tại ngân hàng dự án hoặc nhà ở xây dựng trong dự án để vay vốn đầu tư hay xây dự án đó. Trước khi bán căn hộ, nhà ở cho khách hàng, chủ đầu tư phải giải chấp căn hộ đã được cầm cố, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý.

“Việc thế chấp của chủ đầu tư là rất rủi ro cho khách hàng nếu chủ đầu tư đó không mạnh về tài chính và năng lực, không thực hiện đứng hợp đồng và không có khả năng giải chấp căn hộ khi đến hạn làm giấy chứng nhận theo hợp đồng cho khách hàng theo như hợp đồng đã ký kết với khách hàng. Bởi khi đã thế chấp cho ngân hàng hay các tố chức tín dụng mà không có khả năng chi trả thì ngân hàng được quyền ưu tiên phát mãi tài sản vì ngân hàng là bên nhận thế chấp có bảo đảm thì lúc này khách hàng là người chịu thiệt thòi và rủi ro nếu chủ đầu tư không còn khả năng chi trả hay không còn khả năng thực hiện hợp đồng” luật sư Hùng nhấn mạnh.

Luật sư Hùng cho hay, rất nhiều chủ đầu tư hiện nay phải sử dụng phương thức này để triển khai dự án bởi đặc thù của ngành nghề bất động sản đòi hỏi mức đầu tư lớn. Người mua nhà vẫn có thể đối mặt với một số rủi ro bởi pháp luật hiện hành không có quy định bắt buộc chủ đầu tư phải công khai giấy tờ cho người mua nhà khi ký hợp đồng. Do vậy, đây là điều bất lợi cho khách hàng. Tất nhiên, những chủ đầu tư khi thể chấp dự án cho ngân hàng thì thường là năng lực và khả năng tài chính có hạn và có thể trong đầu tư họ có nhiều điều không minh bạch, không rõ ràng và đẩy rủi ro này cho khách hàng.

Ngoài ra, theo luật sư Hùng, khách hàng trước khi giao dịch cần tìm hiểu năng lực thực hiện dự án và khả năng tài chính của chủ đầu tư thông qua các kênh báo chí, truyền thông, cơ quan nhà nước để xác định năng lực thật của chủ đầu tư.

Và quan trọng nhất người mua nhà có quyền yêu cầu chủ đầu tư cung cấp hồ sơ giải chấp hoặc giấy xác nhận của Sở Xây dựng rằng dự án đủ điều kiện bán nhà hình thành trong tương lai hay không, yêu cầu cung cấp hồ sơ xem dự án có bị thế chấp và có bảo lãnh của ngân hàng không thì mới nên giao dịch./.

Huyền Ngân