Lách luật huy động vốn

Ngày 8/4, VKSND tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam 4 tháng đối với Nguyễn Văn Minh, Trần Nguyên Vũ về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” theo Điều 219 Bộ luật Hình sự. Riêng đối với ông Huỳnh Thanh Hải ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

leftcenterrightdel
 Dự án Khu đô thị Tân Phú nằm ở vị trí đắc địa.

Cả 3 bị can nêu trên liên quan đến những sai phạm tại dự án khu đô thị - thương mại - dịch vụ Tân Phú (Khu đô thị Tân Phú) có diện tích 43ha xảy ra tại Tổng Công ty Sản xuất – Xuất nhập khẩu Bình Dương (Công ty 3/2).

Theo đó, trong quá trình quản lý, sử dụng, năm 2016, Công ty 3/2 đã chuyển nhượng khu đất này cho Công ty TNHH Đầu tư Xây dựng Tân Phú (Công ty Tân Phú) với giá hơn 250 tỉ đồng. Việc chuyển nhượng 43ha đất do Công ty 3/2 thực hiện không đúng quy định về thẩm định giá, đấu giá tài sản theo Điều 27, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn Nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản doanh nghiệp, gây thất thoát số tiền hơn 126 tỉ đồng.

Theo quy hoạch được phê duyệt, Khu đô thị Tân Phú có diện tích 43ha, tương đương khoảng 2.000 đất nền thương phẩm. Dự án được quảng cáo nhiều tiện ích hiện đại, hạ tầng giao thông kết nối đồng bộ.

Sau khi làm lễ khởi công, hàng trăm khách hàng đã chuyển tiền cho Công ty Tân Phú dưới hình thức góp vốn, “Góp vốn dự án Tân Phú”, “Hợp đồng vay vốn dự án”, “Hợp đồng cho vay ưu tiên mua đất được ưu tiên chọn”.

Cụ thể, ngày 6/7/2018, H.T. góp vốn dự án Tân Phú 3 tỉ đồng; ngày 22/8/2018, khách hàng H.T.T. đã chuyển 2,4 tỉ đồng theo 2 hợp đồng vay dưới hình thức góp vốn dự án; ngày 10/4/2019, khách hàng N.T.P. nộp số tiền 1,4 tỉ đồng theo hợp đồng… Các hhách hàng góp vốn hoặc cho vay tại dự án Khu đô thị Tân Phú từ vài trăm triệu đến vài tỉ đồng.

Từ tháng 7/2018 đến hết tháng 10/2019 đã có 615 giao dịch được chuyển tiền qua ngân hàng theo số tài khoản của Công ty Tân Phú với tổng số tiền lên đến hơn 466,4 tỉ đồng (chưa kể lượng giao dịch tiền mặt). Trong đó, có những giao dịch có tổng giá trị chuyển nhượng lên đến hơn 37 tỉ đồng và tháng 1/2019 đã chuyển cho Công ty Tân Phú hơn 33,3 tỉ đồng để đặt quyền chọn mua 7 lô đất có tổng diện tích 856 m2.

Tuy nhiên, Thanh tra Sở Xây dựng tỉnh Bình Dương đã buộc dừng thi công do dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư và chưa có giấy phép xây dựng. Cho đến thời điểm này, Khu đô thị Tân Phú vẫn chưa có giấy phép xây dựng, chưa hợp pháp.

Đặc biệt, Khu đô thị Tân Phú 43ha này đang là tang vật của vụ án hình sự “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Công ty 3/2 mà Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã ra quyết định khởi tố số 02/PC03(Đ4) ngày 16/12/2019. Việc nhiều lãnh đạo Công ty 3/2 bị khởi tố để điều tra, những khách hàng đã giao dịch với chủ đầu tư sẽ ra sao?.

Có dấu hiệu vị phạm pháp luật

Trao đổi với PV Báo Bảo vệ pháp luật, luật sư Trần Minh Cường – Đoàn Luật sư TP HCM cho biết, những “Hợp đồng góp vốn dự án Tân Phú”, “Hợp đồng cho vay ưu tiên mua đất theo lô được ưu tiên chọn” là một dạng huy động vốn trá hình, lách luật hiện nay nhiều chủ đầu tư đang áp dụng.

leftcenterrightdel
 Khu đất vàng này gây thất thoát ngân sách nhà nước, chủ đầu tư có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Theo quy định hiện hành tại Luật Nhà ở 2014 cũng như Nghị định 99/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ hướng dẫn Luật Nhà ở thì các hình thức huy động vốn phải phù hợp đối với từng loại nhà ở theo quy định, các trường hợp huy động vốn không đúng hình thức, và không đáp ứng đủ các điều kiện đối với từng loại nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở thì không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, các bên tham gia góp vốn, hợp tác đầu tư, hợp tác kinh doanh, liên doanh, liên kết chỉ được phân chia lợi nhuận (bằng tiền hoặc cổ phiếu) trên cơ sở tỉ lệ vốn góp theo thỏa thuận trong hợp đồng; chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn, hoặc các hình thức huy động vốn khác để phân chia sản phẩm nhà ở, hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở.

Theo luật sư Cường, các chủ đầu tư chỉ được ký kết các hợp đồng góp vốn, hoặc hợp tác đầu tư, hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh, khi đảm bảo các điều kiện: “Đã có hồ sơ dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt theo quy định của pháp luật; Dự án đầu tư xây dựng nhà ở đã thực hiện xong giải phóng mặt bằng theo tiến độ thực hiện dự án được phê duyệt; Đã có biên bản bàn giao mốc giới của dự án; Đã có thông báo đủ điều kiện được huy động vốn của Sở Xây dựng nơi có dự án. Chủ đầu tư phải có văn bản kèm theo giấy tờ chứng minh đủ điều kiện huy động vốn theo các quy định này gửi Sở Xây dựng đề nghị có văn bản thông báo đủ điều kiện được huy động vốn để đầu tư xây dựng nhà ở”.

“Do đó, trường hợp chủ đầu tư dự án là Công ty Tân Phú không đáp ứng được quy định trên mà đã huy động vốn của các cá nhân vào dự án là có dấu hiệu vi phạm pháp luật Theo Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản và các văn bản khác có liên quan” luật sư Cường khẳng định.

Đối với quyền lợi của khách hàng hay nhà đầu tư đã ký kết hợp đồng với các chủ đầu tư chưa đầy đủ pháp lý, dự án đang bị điều tra thì cần phải căn cứ vào nội dung hợp đồng đã ký. Đồng thời, quyền lợi của nhà đầu tư cũng phụ thuộc vào kết quả giải quyết vụ án của cơ quan chức năng./.

Huyền Ngân