Buồn thay dự án tỷ đô
Cập nhật lúc 13:14, Thứ hai, 07/05/2018 (GMT+7)
“Trống dong, cờ mở”, chi phí hàng trăm triệu, thậm chí hàng tỷ đồng cho một sự kiện khai trương, ra mắt, động thổ dự án, trong đó chắc hẳn có những chi phí “ngầm” để lo rước người nọ, đón người kia. Những buổi lễ ấy thật hoành tráng, với những lời hứa hẹn không thể đẹp hơn như tạo “cú huých”, “xung lực”, “sức sống mới”... Để rồi, một ngày “đẹp trời”, dự án tỷ đô được lặng lẽ thu hồi, để lại phía sau những tiếng thở dài ngao ngán của người dân nơi có dự án tỷ đô!.
Thực tế cho thấy, có những địa phương cố gắng “trải thảm đỏ”, chi phí bộn tiền cho các cuộc “thăm dò” mời gọi, kết hợp du lịch nghỉ dưỡng ở “trời Tây” để rồi về “xé rào” chính sách pháp luật, cố níu kéo cho được nhà đầu tư ngoại… Nhưng, sau đó, nhà đầu tư ngoại không có năng lực, “đầu tư ảo” đã… tháo chạy.
Buồn, buồn thật. Đó có thể là quy luật của thị trường, có khi là sự trả giá, cũng có thể là do yếu tố khách quan. Nhưng, trong cái sự buồn đó, câu hỏi được đặt ra là: Có hay không bởi lý do chủ quan, bởi “tầm nhìn” của người lãnh đạo, bởi chạy theo thành tích, không biết mình, biết người; hay bởi các lý do khác?
Câu hỏi chưa thể trả lời một cách tường minh. Nhưng, cái mà nhiều người đã thấy, đó là các dự án tỷ đô đã thật sự “tháo chạy”, để lại phía sau những khu đất vàng, đất bạc hoang phí; những công trình đập phá, tháo dỡ dở dang “trăm mối tơ vò”.
Xin điểm lại những dự án “đình đám” trong mấy năm trở lại đây bị thu hồi, có nhiều dự án đã bị thu hồi do chủ đầu tư không triển khai hoặc chỉ giữ đất. Trong đó, phải kể đến dự án xây dựng nhà máy lọc dầu tại Nhơn Hội, Bình Định của chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Thái Lan. Dự án đăng ký vốn đầu tư khoảng 28 tỷ USD, dự kiến được xây dựng tại Khu kinh tế Nhơn Hội với tổng diện tích 2.000 ha, công suất 660.000 thùng dầu thô/ngày, tương đương 30 triệu tấn/năm. Tại phiên họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định vào cuối tháng 7/2016, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, Thường vụ Tỉnh uỷ chấm dứt tổ hợp dự án lọc hoá dầu Nhơn Hội do nhà đầu tư và đối tác chậm trễ, dự án không còn khả thi.
Trước đó, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng ra quyết định chấm dứt hoạt động dự án thép Guang Lian Dung Quất của Tập đoàn Tycoons (Đài Loan). Dự án được cấp phép năm 2006 với số vốn đầu tư 556 triệu USD, sau nâng quy mô vốn lên 4,5 tỷ USD, công suất 7 triệu tấn thép/năm. Nhằm tạo điều kiện cho nhà đầu tư, Ban quản lý Khu kinh tế đã giải tỏa, bàn giao 337 ha đất; ngân sách Nhà nước đã tạm ứng 175 tỷ đồng để giải phóng mặt bằng… Nhưng, đến tháng 7/2015, Guang Lian đã gửi văn bản lên tỉnh Quảng Ngãi thừa nhận không thể thu xếp được nguồn tài chính để tiếp tục thực hiện dự án.
Cùng thời gian này tháng 7/2015, UBND tỉnh Khánh Hòa đã thu hồi dự án trên bãi biển Phượng Hoàng của Công ty TNHH Dewan International (Hồng Kông), vốn đầu tư 1,25 tỷ USD. Lý do thu hồi dự án do nhà đầu tư không góp vốn điều lệ 2.100 tỷ đồng (chiếm 8% dự án) theo tiến độ quy định tại Giấy chứng nhận đầu tư đã cấp năm 2014.
Và, mới đây nhất (tháng 3/2018), tỉnh Phú Yên đã ban hành các quyết định thu hồi giấy chứng nhận đầu tư, thu hồi đất dự án Nhà máy lọc hóa dầu (NMLHD) Vũng Rô của Công ty TNHH Dầu khí Vũng Rô, kết thúc thủ tục “khai tử” siêu dự án lọc dầu 3,2 tỷ USD này... Đến trước thời điểm thu hồi dự án, tỉnh Phú Yên vẫn đang triển khai kế hoạch giai đoạn 2, di dời hàng trăm hộ dân để có mặt bằng hơn 400 ha cho dự án xây dựng hạng mục NMLHD Vũng Rô. Thông tin chấm dứt dự án khiến người dân địa phương thấp thỏm, hoang mang.
Xung quanh vấn đề này, cơ quan quản lý nhà nước đã từng cảnh báo: vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ lệ giải ngân chỉ bằng phân nửa vốn đăng ký. Vốn ảo lên tới 150 tỷ USD, nằm ở các dự án đăng ký hoành tráng vài tỷ USD. Sau thời gian dài các dự án này không được triển khai gây nhiều hệ lụy, buộc phải thu hồi. Và, lời khuyên của các chuyên gia kinh tế là: Trước khi cấp phép, cơ quan chức năng cần cân nhắc kỹ về công nghệ, quá trình hoạt động ở nước ngoài của các nhà đầu tư ra sao, chứ không nên cấp phép ồ ạt, tránh chạy theo xử lý hậu quả.
Chúng ta đã có nhiều đạo luật, nhiều văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh lĩnh vực này và có nhiều quy định chặt chẽ về quy trình thẩm định, cấp phép đầu tư dự án FDI. Nhưng, chắc hẳn trong các dự án tỷ đô bị thu hồi giấy phép đầu tư có cả lỗi của những người có trách nhiệm?
Mong sao, sớm có sự hồi sinh đích thực ở các dự án tỷ đô đã “cao chạy, xa bay”.
Mai Thanh