Đánh giá kết quả thực hiện chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài, Ủy ban cho rằng, để có cơ sở triển khai và tăng cường quản lý nguồn vốn vay nước ngoài, hệ thống pháp luật đã từng bước được hoàn thiện và phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, đáp ứng được yêu cầu quản lý và sử dụng vốn nước ngoài. Việc quản lý, sử dụng nguồn vốn này đã đạt được nhiều mặt tích cực, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài nhìn chung là có hiệu quả, việc giải ngân khá kịp thời, khắc phục dần tình trạng thiếu vốn đối ứng…
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, hệ thống pháp luật và công tác quản lý vốn vay nước ngoài, bao gồm cả vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Một số văn bản quy phạm pháp luật còn chưa được ban hành kịp thời; chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Một số dự án chưa phù hợp với khả năng trả nợ; còn tồn tại những điều kiện ràng buộc từ phía nhà tài trợ gây khó khăn cho tổ chức thực hiện và ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế - xã hội.
Ngoài ra, việc xây dựng kế hoạch, phân bổ và giải ngân vốn có thời điểm còn chậm, chưa chấp hành nghiêm kỷ luật tài chính; có dự án chưa được bố trí đầy đủ, kịp thời vốn đối ứng; có trường hợp chưa tuân thủ cam kết với nhà tài trợ. Một số dự án có chất lượng chuẩn bị chưa cao, hiệu quả thấp, tiếp nhận công nghệ lạc hậu, thời gian chuẩn bị kéo dài làm tăng tổng mức đầu tư, chưa đồng bộ giữa các hạng mục thành phần, thiếu tính liên kết giữa các vùng, miền làm giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí nguồn lực…
Từ những đánh giá trên, UBTVQH đã đề xuất một số giải pháp đó là: Rà soát lại hệ thống pháp luật và tình hình triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về nguồn vốn vay nước ngoài. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.
Xây dựng chiến lược huy động vốn vay nước ngoài phù hợp chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, điều kiện, mức độ ưu đãi của các nguồn vốn dành cho Việt Nam, cân đối với khả năng trả nợ của ngân sách nhà nước và của các tổ chức sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Điều hành việc huy động, quản lý, sử dụng nguồn lực ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài theo hướng cân đối giữa vốn vay nước ngoài với vốn vay trong nước một cách hợp lý, hiệu quả và đảm bảo lợi ích quốc gia trong cả ngắn hạn và dài hạn, không được vượt tỷ lệ bội chi, giữ vững mức trần tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước 2.000.000 tỷ đồng giai đoạn 2016-2020 và các chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định, nhất là nợ nước ngoài của Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, giám sát theo thẩm quyền; xây dựng cơ chế phòng, chống tham nhũng, lãng phí về quản lý và sử dụng nguồn vốn vay nước ngoài.
Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương chấn chỉnh các sai phạm và khẩn trương khắc phục các tồn tại, hạn chế thời gian qua và xử lý trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xảy ra vi phạm làm thất thoát, sử dụng kém hiệm quả nguồn vốn vay nước ngoài. Thực hiện hiệu quả việc quản lý và sử dụng vốn vay nước ngoài theo quy định của pháp luật
Đối với việc xử lý số vốn vượt trần 300.000 tỷ đồng tổng mức đầu tư từ nguồn vốn nước ngoài theo Nghị quyết 26/2016/QH14 của Quốc hội: Chỉ đạo sơ kết, đánh giá toàn diện, khách quan 3 năm thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn, Kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2016-2020, trong đó đánh giá đầy đủ, chính xác về việc huy động, ký kết, giải ngân vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài,số vốn đối ứng, số vốn chưa đưa vào Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và đề xuất giải pháp tổng thể cân đối, điều hòa nguồn lực tài chính đã được Quốc hội quyết định trong những năm còn lại của kế hoạch 5 năm (năm 2019-2020), báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 6 này…
Minh Nhật