Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 lưu ý tại cuộc giao ban trực tuyến ngắn với TP HCM để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch ngày hôm nay (17/7).

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng yêu cầu TP HCM phải siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly. Ảnh:VGP 

Còn Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Văn Nên nhìn nhận, số ca F0, F1 ngày càng tăng cao, cả trong khu cách ly, phong tỏa, ngoài cộng đồng và phát sinh ca nhiễm trong một số khu công nghiệp, chế xuất có đông công nhân. Hệ thống y tế nhiều nơi bị quá tải.

Ngoài ra, những vấn đề về nhân lực, cơ sở vật chất, máy móc, sinh phẩm… đã và đang được khắc phục. Các cơ sở y tế của Thành phố cần chuẩn bị những phương án điều trị bệnh nhân nặng để hạn chế trường hợp tử vong.

Ông Nên cũng yêu cầu Trưởng ban Chỉ đạo phòng, chống dịch TP HCM phân công các sở, ngành, địa phương, tổ chức, đoàn thể cùng thực hiện nghiêm Chỉ thị 16/CT-TTg trên từng địa bàn, đặc biệt những khu vực trọng tâm, trọng điểm. Trước tình trạng người dân tụ tập đông người, dễ lây nhiễm trong cộng đồng, Bí thư Thành ủy TP HCM đề nghị các lực lượng tăng cường kiểm tra, phân công các lực lượng tại chỗ tự quản lý người ra vào và các hoạt động ở khu cách ly, phong tỏa.

Cùng với đó, các lực lượng tăng cường kiểm tra, giám sát lẫn nhau; tổ chức phân công nhiệm vụ cụ thể của từng chốt trong khu vực phong tỏa. Khi có tình huống xuất hiện, phải có người đứng ra chỉ huy, xử lý kịp thời. Ngoài ra, các cơ sở y tế của Thành phố cần chuẩn bị phương án điều trị bệnh nhân nặng để hạn chế số ca tử vong.

Về cung ứng hàng hóa, Chủ tịch UBND Thành phố, Nguyễn Thành Phong cho biết, so với ngày 15/7, sức mua ngày 16/7 tại các chợ truyền thống tiếp tục giảm nhẹ (khoảng 10%) do người dân hạn chế ra ngoài, giá ở chợ cao hơn so với các siêu thị. Tại các siêu thị, sức mua có giảm nhẹ 5-10%, không còn tình trạng xếp hàng dài, ùn ứ; giá cả được niêm yết đầy đủ, hàng hóa dồi dào.

Ngoài ra, Thành phố tiếp nhận các đối tượng lang thang, cơ nhỡ nơi công cộng đưa vào các trung tâm bảo trợ xã hội. Tính đến ngày 16/7, đã có 220.000/232.000 đối tượng (mất việc, bán vé số, người gặp khó khăn...) được hỗ trợ với kinh phí 330 tỉ đồng. Các quận, huyện chủ động vận động các nguồn lực xã hội, mạnh thường quân để chăm lo kịp thời cho các đối tượng khó khăn.

Thành phố kịp thời ban hành chỉ đạo, chỉ cho phép doanh nghiệp hoạt động khi bảo đảm phương châm “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Hiện có 586/440.000 doanh nghiệp hoạt động với hơn 70.000 công nhân; 680 doanh nghiệp trong các khu chế xuất, khu công nghiệp hoạt động với gần 65.000 công nhân.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng lưu ý, Thành phố phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm đời sống cho người dân. (Ảnh minh họa) 

Cũng theo Chủ tịch UBND Thành phố, hoạt động giao thông vận tải trên địa bàn được kiểm soát tốt, ý thức chấp hành được nâng lên, lưu lượng hoạt động giảm khoảng 70% so với thời điểm trước khi áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg. Thành phố đã cấp giấy ưu tiên phương tiện có mã QR, tạo luồng xanh cho các xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu, phục vụ sản xuất, kinh doanh từ Thành phố đến các địa phương và ngược lại.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng tình với quan điểm của lãnh đạo Thành phố và nhấn mạnh, Thành phố phải siết chặt quản lý, không để lây nhiễm chéo trong khu phong tỏa, cách ly…“Phong tỏa rồi nhưng bên trong vẫn giao lưu thì rất nguy hiểm. Nơi nào để xảy ra lây nhiễm trong khu phong tỏa, khu cách ly thì phải xử lý toàn diện lãnh đạo nơi đó.”- Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trưởng Ban chỉ đạo cũng yêu cầu Thành phố phải tăng cường lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc, tập trung tầm soát cộng đồng để giữ chặt vùng xanh an toàn, không để dịch xâm nhập từ bên ngoài vào. Quận, phường nào, tổ dân phố nào đang an toàn thì phải nhanh chóng lấy mẫu, tổ chức xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp, nhanh chóng bóc hết F0 ra khỏi cộng đồng để giữ chặt vùng an toàn vững chắc.

Bên cạnh đó, cần rà soát, đánh giá lại tổng thể năng lực xét nghiệm, từ đội ngũ lấy mẫu đến máy móc, sinh phẩm xét nghiệm để có biện pháp điều phối hiệu quả. “Việc lấy mẫu phải bảo đảm an toàn, giãn cách để chống lây nhiễm chéo; tăng cường đến tận từng gia đình để lấy mẫu. Việc cập nhật dữ liệu, kết quả xét nghiệm phải đầy đủ thông tin, bao gồm nồng độ virus để đánh giá chính xác diễn biến dịch bệnh trên địa bàn.”- Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Ngoài ra, Phó Thủ tướng đề nghị TPHCM không để các bệnh viện vừa phải lo chống dịch, vừa phải lo mua vật tư, trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch bệnh. Sau nhiều cuộc họp, làm việc giữa Sở Y tế, Sở Tài chính, trong những ngày tới TPHCM sẽ sớm thực hiện mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ chống dịch trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuyệt đối không để tiêu cực.

Phó Thủ tướng đặc biệt lưu ý Thành phố phải bảo đảm cung ứng hàng hóa, lương thực, thực phẩm thiết yếu, bảo đảm đời sống cho người dân, mặt khác, động viên bà con chia sẻ khó khăn tạm thời trước mắt để tuân thủ nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Trung ương sẽ chỉ đạo bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm của Thành phố, còn phân phối bên trong địa bàn thì địa phương phải lo, đến từng người dân một cách an toàn.

Minh Nhật