leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội ngày 31/5.

Xem xét kỹ quy định về quyền nhân thân trong Luật Sở hữu trí tuệ

Cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương bày tỏ đồng tình với việc bổ sung thêm quy định về việc khai thác, sử dụng tác phẩm chưa có điều kiện tìm biết rõ tác giả.

Đại biểu cũng đánh giá quy định về việc thực hiện quyền sở hữu trí tuệ đối với Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca là kịp thời, đúng đắn, phù hợp với thực tiễn.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Trần Công Phàn – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Bên cạnh đó đại biểu đề nghị nghiên cứu, xem xét kỹ khoản 5 Điều 1 sửa đổi, bổ sung Điều 19 của Luật Sở hữu trí tuệ về Quyền nhân thân. Theo đó, luật quy định 3 quyền nhân thân gồm: quyền đặt tên cho tác phẩm, quyền đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; quyền công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm.

Cho rằng những quyền này không phải là quyền nhân thân, mà là quyền tác giả đối với tác phẩm của mình, đại biểu đề nghị rà soát, đối chiếu lại với quy định của Luật Dân sự để đảm bảo tính chặt chẽ trong quy định của pháp luật.

Cần giảm thiểu hành vi xâm phạm quyền tác giả

Phát biểu tại Hội trường, Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội gửi đến Quốc hội ý kiến của Trung tâm bản quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại Điều 26, Khoản 1 quy định về các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền.

Theo đại biểu, nội dung gốc của dự thảo Luật như điểm b, trường hợp tác phẩm đã được chủ sở hữu quyền tác giả cho phép định hình tên bản ghi âm, ghi hình công bố nhằm mục đích thương mại thì tổ chức, cá nhân sử dụng bản ghi âm, ghi hình này trong hoạt động kinh doanh thương mại không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền cho chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm đó theo thỏa thuận.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội.

Đại biểu cho rằng, trường hợp nếu không đạt được thỏa thuận thì rất khó cho việc thực hiện theo quy định của Chính phủ. Quy định như vậy rất nửa vời và hoàn toàn không khả thi. Đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị đề nghị bổ sung như sau: Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện theo quy định của Chính phủ và phải tạm dừng việc sử dụng theo yêu cầu của chủ sở hữu quyền tác giả cho đến khi thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trả tiền bản quyền nhằm giảm thiểu bất lợi cho tác giả.

Còn trường hợp không đạt được thỏa thuận hoặc bên sử dụng có thể lạm dụng cơ chế thỏa thuận dẫn đến có hành vi xâm phạm quyền, đại biểu Nguyễn Anh Trí đề nghị cần xem xét quyền tác giả đã bị giới hạn thì cơ chế thỏa thuận cũng phải có giới hạn nhằm giảm thiểu hành vi.

Quy định như vậy để giảm thiểu hành vi xâm phạm quyền tác giả, tác động tích cực đến ý thức của các tổ chức, cá nhân, tạo nên sự ổn định trong hoạt động thực thi bảo hộ quyền tác giả, tạo môi trường và văn hóa bản quyền lành mạnh, khích lệ lao động sáng tạo. Qua đó giảm tải đáng kể cho các cơ quan nhà nước trong việc xử lý vi phạm, giải quyết các khiếu nại, tranh chấp và để đảm bảo thực hiện nghiêm túc cơ chế thỏa thuận giúp hài hòa quyền lợi, quyền và lợi ích của các bên và cùng hướng đến thụ hưởng của công chúng.

Cần đánh giá sự cần thiết và đưa ra lý do chính đáng của quy định về hoàn trả phí, lệ phí

Đóng góp ý kiến vào dự thảo Luật, Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh có ba ý kiến để cơ quan chủ trì có cân nhắc và hoàn chỉnh.

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh - Đoàn ĐBQH Tp.Hồ Chí Minh.

Thứ nhất là về Điều 96, tại khoản 1 Điểm a, trong các trường hợp văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực, có trường hợp là người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu. Tuy nhiên, tại Điều 96 cần quy định bổ sung giao cho cơ quan nào sẽ có trách nhiệm quy định chi tiết các hành vi này, là Chính phủ hay Bộ Khoa học và Công nghệ thì cũng đề nghị cần quy định tại Điều 96 để xác định cơ quan chịu trách nhiệm quy định chi tiết, hướng dẫn các hành vi.

Thứ hai là Điều 112a về phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp, tại kỳ họp trước có một số ý kiến đề nghị phải có quy định về việc hoàn phí, lệ phí trong trường hợp việc phản đối này là có cơ sở phải được cơ quan quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ chấp nhận. Tuy nhiên, trong Báo cáo tiếp thu, giải trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị giữ nguyên như dự thảo với lý do là việc hoàn phí không do Luật Sở hữu trí tuệ điều chỉnh vì Khoản 1, Điều 5 của Luật phí, lệ phí quy định trường hợp luật khác quy định về phí, lệ phí thì các nội dung về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí thực hiện theo quy định của luật này.

 Phòng, chống triệt để hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ

Phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận, Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội nhấn mạnh, dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa đã đáp ứng được cơ bản mục tiêu đề ra trong việc sửa đổi Luật Sở hữu trí tuệ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa chủ trương của Đảng, phù hợp với các cam kết quốc tế theo Hiệp định CPTPP, Hiệp định EVFTA và các điều ước quốc tế khác có liên quan mà Việt Nam là thành viên…

leftcenterrightdel
 Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội.

Đặc biệt, dự thảo luật đã tiếp thu, chỉnh sửa nhiều nội dung quan trọng như giao quyền cho tổ chức, cá nhân đăng ký sở hữu trí tuệ đối với tài sản trí tuệ, giống cây trồng được tạo ra có sử dụng một phần hoặc toàn bộ từ ngân sách nhà nước một cách tự động mà không bồi hoàn. Theo nữ đại biểu, đây là một bước tiến lớn trong việc tháo gỡ vướng mắc để các cơ sở nghiên cứu, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ tạo ra từ nghiên cứu khoa học. 

Để góp phần hoàn thiện hơn dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, đại biểu đề nghị Quốc hội rà soát, nghiên cứu để xây dựng được một hệ thống cơ chế giám sát, kiểm soát mang tính liên ngành rõ ràng, không chồng chéo nhằm phòng, chống một cách hiệu quả, triệt để hơn các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Các ý kiến đóng góp đều có tinh thần trách nhiệm cao

Phát biểu Kết luận Phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, có tất cả 18 lượt đại biểu Quốc hội đóng góp ý kiến cho Phiên thảo luận về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ. Sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã giải trình những ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu.

leftcenterrightdel
 Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu kết luận phiên thảo luận.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội đều trên tinh thần xây dựng, có tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả những ý kiến, đề xuất đều được Ban Thư ký Phiên thảo luận ghi chép đầy đủ.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Ủy ban Pháp luật tiếp tục phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các đơn vị hữu quan tiếp thu, lắng nghe ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án Luật, trình Quốc hội xem xét như báo cáo.

Vũ Cảnh