Ban hành Nghị quyết là cần thiết

Bộ Nội vụ đang dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) để lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Theo cơ quan chủ trì xây dựng, Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2019) đã quy định về việc đại biểu HĐND khi không còn sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Hội HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm, cụ thể:

- Khoản 2 Điều 7 Hiến pháp năm 2013 quy định "Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND bị cử tri hoặc Quốc hội, HĐND bãi nhiệm khi không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân".

- Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định: “1. Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm.

2. Thường trực HĐND quyết định việc đưa ra HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND hoặc theo đề nghị của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND.

3. Trong trường hợp HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm phải được ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu HĐND biểu quyết tán thành.

4. Trong trường hợp cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND thì việc bãi nhiệm được tiến hành theo trình tự do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định.”

Trên thực tế, khi có trường hợp đại biểu HĐND vi phạm nghiêm trọng thì các địa phương thường đưa ra HĐND bãi nhiệm. Việc HĐND bãi nhiệm đại biểu HĐND đã được tiến hành đúng quy định của pháp luật, được cử tri và Nhân dân đồng tình. Trong khi đó, việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND chưa thực hiện được do chưa có quy định cụ thể về trình tự, thủ tục, cách thức tiến hành.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh kỳ họp thứ 9, HĐND Thành phố Hà Nội. (Ảnh minh hoạ/TTXVN)

Vì vậy, việc ban hành Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND là cần thiết, làm cơ sở triển khai thực hiện trên thực tế và phù hợp với quy định của Hiến pháp (Khoản 2 Điều 7) và của Luật Tổ chức chính quyền địa phương (khoản 4 Điều 102).

Đảm bảo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín

Cũng theo cơ quan chủ trì soạn thảo, việc xây dựng Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về trình tự cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND cần quán triệt quan điểm, mục tiêu, yêu cầu đó là: Bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân theo quy định của tại Điều 3 Hiến pháp Nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; cụ thể hóa quy định của Hiến pháp và quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất của các nội dung dự thảo Nghị quyết với hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật; trình tự, thủ tục xây dựng dự thảo Nghị quyết bảo đảm đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Các quy định về trình tự bãi nhiệm quy định trong dự thảo Nghị quyết bảo đảm thống nhất, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thực hiện và phù hợp với thực tiễn.

Về bố cục, dự thảo Nghị quyết với 6 chương, 29 điều gồm: Quy định chung; các tổ chức phụ trách bãi nhiệm đại biểu HĐND; danh sách cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; công tác thông tin và hội nghị cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND; nguyên tắc và trình tự bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND; tổ chức thực hiện và trách nhiệm thi hành.

Về nguyên tắc thực hiện việc cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND, dự thảo Nghị quyết nêu rõ: Việc bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.

Bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được tiến hành ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu được bầu hoặc ở đơn vị bầu cử nơi đại biểu đã chuyển đến sinh hoạt.

Tính đến ngày tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm, công dân nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên thì có quyền bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND tại đơn vị bầu cử nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú.

Cuộc bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND được công nhận hợp lệ khi có quá nửa tổng số cử tri trong danh sách cử tri tại đơn vị bầu cử tham gia bỏ phiếu.

Ngày bỏ phiếu phải là ngày chủ nhật và được công bố chậm nhất là 60 ngày trước ngày bỏ phiếu bãi nhiệm.

Trong trường hợp đến ngày bỏ phiếu mà dịch bệnh bùng phát phải cách ly xã hội, thiên tai, bão lũ dẫn đến địa hình bị chia cắt thì các tổ chức phụ trách bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu HĐND báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu HĐND xem xét, quyết định phương án tổ chức bỏ phiếu tại các khu vực này.

P.V