leftcenterrightdel
Phố Trúc Bạch khi được dỡ phong tỏa 
Tổng số ca mắc COVID-19 tại Việt Nam hiện là 268 người, trong đó, 160 người từ nước ngoài chiếm 59,7%; 108 người lây nhiễm trong cộng đồng chiếm 40,3%.
 
Số người cách ly do tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe là 75.799 người. Cách ly tập trung tại bệnh viện: 268; Cách ly tập trung tại cơ sở khác: 15.368; Cách ly tại nhà, nơi lưu trú: 60.163.
 
Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19. BN188 được tính là đang theo dõi 14 ngày sau khi kết thúc điều trị, vì xét nghiệm bằng phương pháp Real Time PCR tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vào ngày 19/4 cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2. Do đó hiện nay còn 53 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại 9 cơ sở y tế.

Giải thích về trường hợp bệnh nhân 188, Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, sau 2 lần xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2, bệnh nhân 188 đã được bệnh viện công bố khỏi bệnh, đồng thời thông báo với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh (CDC) Hà Nội và đưa về cách ly tại nhà ở Chương Mỹ, Hà Nội.

Trong thời gian cách ly tại nhà, bệnh nhân có biểu hiện ho, tức ngực và được báo cho CDC Hà Nội. Sau đó, CDC của huyện Chương Mỹ đến lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm của bệnh nhân là dương tính với SARS-CoV-2. Ngay lập tức, bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Đông Anh, Hà Nội) để theo dõi cách ly. Tại đây, bệnh nhân được xét nghiệm vào 13h ngày 18/4 và đến sáng 19/4 đã có kết quả xét nghiệm bằng kỹ thuật Real Time PCR âm tính.
 
“Đây là 2 kết quả mang tính chất ngược nhau trong thời gian rất ngắn trên một đối tượng bệnh nhân. Chúng tôi nhận định, có thể là vấn đề liên quan đến khả năng, năng lực xét nghiệm trong tình huống ở các đơn vị phải xét nghiệm một số lượng lớn có thể đặt ra vấn đề lây nhiễm chéo giữa các mẫu bệnh phẩm hay không. Với tất cả các trường hợp dương tính, ngành y tế xác định thực hiện quyết liệt biện pháp cách ly, theo dõi, kể cả cho nhập viện.
 
Với vấn đề khẳng định các xét nghiệm và công bố ca dương tính ngay lập tức hay không, chúng tôi đề nghị vẫn phải có quy trình để kiểm tra thông tin, kỹ thuật và năng lực trước khi công bố với dư luận, nhằm tránh tình trạng xáo trộn, hoang mang”- Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.
leftcenterrightdel
 
Về nội dung này, PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng (Bộ Y tế) chia sẻ thêm, tới nay, Hàn Quốc (nơi đã có hơn 10.600 ca mắc, 234 ca tử vong, tính tới sáng 19/4) đã có báo cáo ghi nhận tới hơn 100 ca tái nhiễm COVID-19 sau khi được công bố khỏi bệnh hoàn toàn.
 
Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Hàn Quốc (KCDC) đang điều tra thêm sự việc này bằng cách chạy các xét nghiệm khác. Tổ chức Y tế Thế giới cũng đang tìm hiểu thêm trước khi đưa ra câu trả lời chắc chắn. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đắc Phu điều tra ban đầu cho thấy có thể do một số nguyên nhân khác nhau.
 
Trước hết, có thể sự hoạt động trở lại của lượng virus còn tồn đọng trong cơ thể bệnh nhân. Nếu hệ miễn dịch của bệnh nhân chưa phát triển được đủ để chống lại virus hoặc hệ miễn dịch bị yếu đi sau khi hồi phục, lượng virus trước đây chưa được phát hiện có thể được kích hoạt trở lại.
 
Cũng có thể, loại virus mới này có khả năng tồn tại trong trạng thái "ngủ" trước khi được kích hoạt trở lại. Bên cạnh đó, test xét nghiệm có thể phát hiện ra những phần "chết" của virus, không còn khả năng lây nhiễm hay lây lan.
Hoài Thu