Tham dự hội thảo có đại diện lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao; VKSND một số địa phương; đại diện các Bộ, ngành Trung ương như: Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao... Về phía JICA dự hội thảo có bà Tsukabe Takako, Cố vấn trưởng Dự án JICA cùng một số chuyên gia thuộc Dự án.
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 được Quốc hội Khóa XII thông qua ngày 21/11/2007 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2008. Quá trình triển khai thi hành Luật đã góp phần giải quyết tốt các vụ án hình sự, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có yếu tố nước ngoài, đặc biệt là tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, góp phần giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.
|
|
Đồng chí Trần Công Phàn, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội thảo |
Đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn cho biết thêm, sau 10 năm triển khai thực hiện, Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 cũng đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều quy định không còn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn hiện nay. Chính vì thế, trên cơ sở tổng hợp, đánh giá quá trình thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007, các bộ ngành liên quan đã thống nhất và có báo cáo trình Chính phủ đề xuất sửa đổi Luật. Trong đó, VKSND tối cao được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tổng kết, lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét đưa vào chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội.
Để phục vụ việc lập đề nghị xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự, VKSND tối cao đã có công văn về việc phân công nhiệm vụ năm 2018, giao các đơn vị liên quan trong ngành KSND tiến hành tổng kết, đánh giá việc thi hành các quy định về tương trợ tư pháp hình sự của Luật. Đồng thời, VKSND tối cao cũng ban hành công văn gửi các bộ, ngành hữu quan và các VKSND cấp tỉnh đề nghị tiến hành tổng kết, đánh giá 10 năm triển khai thi hành Luật.
Cũng theo đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Trần Công Phàn thì việc tổ chức hội thảo là rất có ý nghĩa và cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Hội thảo nhằm tổng kết, nghiên cứu, đánh giá về quá trình triển khai thi hành Luật, từ đó góp phần xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự có chất lượng, hiệu quả, khả thi, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong thời gian tới đây.
Các đại biểu trình bày tham luận tại hội thảo
Tại hội thảo, dưới dự điều hành của đồng chí Lê Tiến, Vụ trưởng Vụ hợp tác quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) - VKSND tối cao, các đại biểu đã trình bày tham luận đề cập đến những nội dung như: Việc xây dựng và hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự ở Việt Nam; thực tiễn thi hành Luật Tương trợ tư pháp năm 2007 của Cơ quan điều tra Công an nhân dân, kiến nghị hoàn thiện pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự; việc hoàn thiện các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật Tương trợ tư pháp; thực trạng về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự tại Nhật Bản; những kết quả, khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân trong quá trình thi hành và một số định hướng lớn khi nghiên cứu, xây dựng Luật Tương trợ tư pháp về hình sự…
Văn Tình