leftcenterrightdel
 Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí thăm hỏi cử tri (Ảnh: Việt An)

Tại các buổi tiếp xúc cử tri, tổ ĐBQH đã báo cáo kết quả kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, trong đó đã thông qua 7 Luật, 8 Nghị quyết và cho ý kiến về 9 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp có ý nghĩa vô cùng quan trọng, được đông đảo cử tri quan tâm, tiếp tục thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng (nhất là các nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành Trung ương) và Hiến pháp, tạo sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế. Kỳ họp được diễn ra với không khí sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ thể hiện sự chuyển biến mạnh mẽ từ Quốc hội tham luận sang Quốc hội tranh luận...

Cử tri trên địa bàn quận 5 và quận 10 TP Hồ Chí Minh cũng đồng tình với việc Quốc hội khóa XIV hoãn thông qua “Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt” (thường gọi Luật Đặc khu) và chuyển sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, tiếp thu thêm ý kiến xây dựng. Đối với vấn đề này, cử tri hai quận đề nghị cơ quan chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kịp thời để người dân hiểu đúng về Luật Đặc khu và những lợi ích khi ban hành luật để tạo được sự đồng tình của nhân dân và tránh bị kẻ xấu lợi dụng kích động xuyên tạc. 

Tại 2 buổi tiếp xúc, đã có 22 ý kiến của cử tri tham gia phát biểu, phần lớn các ý kiến của cử tri đều thống nhất và đồng tình về Luật An ninh mạng đã được Quốc hội thông qua trong kỳ họp thứ 5 vừa qua. Đồng thời, phần nhiều cử tri cũng bày tỏ bức xúc đối với tình trạng tụ tập đông người gây rối trật tự công cộng, đập phá trụ sở, đồ đạc tại cơ quan nhà nước trong thời gian vừa qua trên địa bàn TP Hồ Chí Minh và một số địa phương. Các cử tri cho rằng đây là thủ đoạn của các phần tử xấu lợi dụng kích động lôi kéo người dân thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây bất bình trong nhân dân và làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Đối với những vấn đề nổi cộm tại TP Hồ Chí Minh trong thời gian qua, cử tri quận 10 đề nghị các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý nghiêm các sai phạm về đất đai tại Tân Thuận, Thủ Thiêm hay các tài sản công được chuyển nhượng không thông qua đấu giá theo quy định, gây nhiều bức xúc trong xã hội. Chính quyền thành phố cần công khai kết quả xử lý để tạo hiệu ứng tích cực cho công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đồng thời đem lại an tâm cho người dân.

Về công tác trồng người, cử tri cho rằng, cần đưa nền giáo dục lên hàng đầu, vì hiện nay chúng ta còn tụt hậu về giáo dục là do ta chưa đầu tư đúng mức, chế độ lương cho giáo viên còn thấp, thì làm sao họ tập trung chất xám, trí tuệ để sáng kiến ra những bài giảng hay mau nhớ và lâu quên; sách giáo khoa mỗi năm mỗi đổi, việc áp dụng liên môn tích hợp là không khả thi.

Trong công tác phòng chống ma túy, hiện cả nước có khoảng 200 ngàn người nghiện, trong đó có trên 10 ngàn người nghiện là thanh thiếu niên; các đối tượng sử dụng ma túy hiện đang rất lộng hành trong việc trộm cắp tài sản, sử dụng hung khí gây án mạng, cử tri yêu cầu cần có bộ luật đặc biệt để điều chỉnh các đối tượng này.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh buổi tiếp xúc cử tri quận 10 (Ảnh: Việt An)

Sau các ý kiến đóng góp của cử tri, Viện trưởng Viện KSNDTC Lê Minh Trí cho rằng, buổi tiếp xúc cử tri tại quận 5 và quận 10 được diễn ra rất sôi nổi, đã có nhiều ý kiến của bà con cử tri rất tâm huyết muốn gửi gắm nhiều vấn đề rất thiết thực về giáo dục, Luật an ninh mạng, Luật Đặc khu, công tác phòng chống tham nhũng, Vụ việc Thủ Thiêm… thay mặt tổ ĐBQH sẽ ghi nhận đầy đủ các ý kiến này, tùy theo nội dung sẽ chuyển cơ quan chức năng theo dõi xem xét, giải quyết.

Về Luật An ninh mạng, Viện trưởng Viện KSND tối cao Lê Minh Trí đánh giá, Luật này vừa được thông qua sẽ là cơ sở cho sự phát triển bền vững của không gian mạng tại Việt Nam. Đây là công cụ quản lý hữu hiệu nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp của người dân, tổ chức và nhà nước chứ không xâm phạm đời tư cá nhân như luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch. Các cơ quan chức năng tới đây sẽ xây dựng các văn bản dưới luật để đưa Luật An ninh mạng vào thực tiễn đời sống xã hội.

Việc hoãn thông qua Luật Đặc khu thể hiện sự thận trọng và tinh thần làm việc nghiêm túc cầu thị của Quốc hội khóa XIV đối với những vấn đề trọng đại của quốc gia. Điều này cũng phần nào thể hiện những bất cập trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân mà các cơ quan có trách nhiệm phải quan tâm điều chỉnh. Đồng chí Viện trưởng Lê Minh Trí đánh giá cơ quan chủ trì xây dựng Luật Đặc khu đối diện với bài toán khó phải lựa chọn giữa chủ quyền quốc gia và áp lực phát triễn kinh tế, tuy vậy cử tri hoàn toàn yên tâm vì cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu toàn diện các kinh nghiệm thành công và thất bại của mô hình này để đưa ra Quốc hội bàn bạc quyết định trong thời gian sắp tới. 

Phi Sơn