|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 20/9. |
5 quan điểm khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)
Theo Tờ trình của Chính phủ, Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được xây dựng dựa trên 5 quan điểm chỉ đạo sau:
Một là, thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng, phát triển Thủ đô.
Hai là, quy định các cơ chế, chính sách đặc thù vượt trội cho Thủ đô bảo đảm phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng và tuân thủ Hiến pháp năm 2013.
Ba là, bám sát 9 nhóm chính sách đã được Chính phủ thông qua;
Bốn là, cụ thể hóa tối đa các cơ chế, chính sách đặc thù trong Luật để áp dụng được ngay.
Năm là, kế thừa, phát triển các quy định đã được thực tiễn kiểm nghiệm tốt của Luật Thủ đô 2012; luật hóa các cơ chế, chính sách đặc thù đang thí điểm cho các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với Thủ đô.
|
|
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì; Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Phiên họp. |
Cùng với đó, theo sát quá trình chỉnh lý, hoàn thiện các Luật có liên quan đang được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm những vấn đề đang đặt ra đối với Thủ đô mà chưa được các dự án Luật này xử lý hoặc nội dung chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn của Thủ đô thì quy định tại Luật Thủ đô.
Dự thảo Luật được bố cục thành 07 Chương, 59 Điều (tăng 03 chương, 32 điều so với Luật Thủ đô 2012, trong đó giữ nguyên 3 Điều; sửa đổi, bổ sung 18 Điều; quy định mới 38 Điều).
Luật Thủ đô chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt
Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nêu rõ, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra đều tán thành với sự cần thiết ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các quan điểm, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội được đặt ra trong các nghị quyết của Bộ Chính trị, tạo cơ chế đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô, đưa Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững.
|
|
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung làm việc. |
Hồ sơ dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) được Chính phủ chuẩn bị rất công phu, nghiêm túc, chất lượng, gồm đầy đủ các tài liệu theo quy định tại khoản 1 Điều 64 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đủ điều kiện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi trình Quốc hội.
Cho ý kiến về các nội dung cụ thể, trong đó có các chính sách xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô (Chương III), Thường trực Ủy ban Pháp luật cho biết, về quy hoạch và quản lý đô thị (từ Điều 19 đến Điều 22), các cơ quan tham gia thẩm tra cơ bản tán thành với các quy định như dự thảo Luật.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi, tránh chồng chéo, mâu thuẫn với các quy định khác của pháp luật có liên quan, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo lưu ý một số nội dung như: cần có các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về quy hoạch trên địa bàn (Điều 20); bổ sung quy định về nguồn vốn lập quy hoạch và việc lựa chọn đơn vị tư vấn trong công tác lập quy hoạch (Điều 20); cụ thể hóa nguyên tắc quản lý và sử dụng không gian ngầm phải bảo đảm yêu cầu về quốc phòng, an ninh, gắn với công tác phòng thủ dân sự (Điều 21),...
Về việc thành lập Quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ (khoản 5 Điều 22), Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành với mục đích thành lập Quỹ để thực hiện cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa khu vực nội đô lịch sử nhưng đề nghị làm rõ việc đáp ứng các yêu cầu của Luật Ngân sách nhà nước đối với việc Nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ, hỗ trợ hình thành và bảo đảm hoạt động ổn định ban đầu của Quỹ. Đây cũng là ý kiến tham gia thẩm tra của Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách.
|
|
Các đại biểu tham dự Phiên họp. |
Về các chính sách văn hoá, thể thao, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế, an sinh xã hội (từ Điều 23 đến Điều 28), Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan tham gia thẩm tra thấy rằng, các chính sách trong dự thảo Luật cơ bản bám sát các yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra tại Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị nhưng đề nghị:
Thứ nhất: Tiếp tục rà soát, bổ sung vào dự thảo Luật một số nội dung nhằm thể chế hóa chủ trương của Đảng về việc phát triển bền vững, đồng bộ thị trường dịch vụ văn hóa với các loại thị trường khác; phát triển các sản phẩm làng nghề; chính sách về dân tộc, tôn giáo, chăm sóc người cao tuổi, bảo vệ trẻ em, bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ; mô hình doanh nghiệp khởi nguồn (spin-off) nhằm thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của Thủ đô,…
Thứ hai: Quy định rõ hơn về điều kiện bảo đảm và cơ chế thực thi đối với các quy định về việc điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục mầm non, phổ thông (điểm b khoản 5 Điều 24); các chính sách ưu đãi đối với hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ (Điều 25); các chính sách xã hội, an sinh xã hội (Điều 28).
Thứ ba: Tiếp tục rà soát các quy định trong dự thảo Luật để bảo đảm nguyên tắc Luật Thủ đô chỉ tập trung vào những chính sách đặc thù, riêng biệt cho Thủ đô; đối với những chính sách áp dụng chung cho các địa phương khác trên cả nước thì thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành mà không nhất thiết phải quy định trong Luật Thủ đô, chẳng hạn như: chính sách hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên, trọng tài viên, văn nghệ sỹ, nghệ nhân (điểm a khoản 5 Điều 23); việc liên kết giáo dục với các cơ sở giáo dục nước ngoài (khoản 3 Điều 24); việc quy định cơ chế tài chính áp dụng đối với cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, cơ sở giáo dục công lập có nhiều cấp học (điểm a khoản 4 Điều 24); việc chi trả từ Quỹ bảo hiểm xã hội đối với dịch vụ cấp cứu ngoại viện, phát triển y học gia đình (khoản 4 Điều 27),...
|
|
Các đại biểu tham dự Phiên họp. |
Về quản lý và sử dụng đất đai (Điều 30), Thường trực Ủy ban Pháp luật thấy rằng, việc các nghị quyết của Quốc hội cho phép HĐND một số địa phương quyết định chuyển mục đích sử dụng đất rừng sản xuất dưới 1.000 ha, trồng lúa dưới 500 ha với những trình tự, thủ tục thực hiện khác nhau chỉ phù hợp với tính chất của các nghị quyết thí điểm. Hơn nữa, dự thảo Luật Đất đai cũng dự kiến sửa đổi nội dung này (tại Điều 122), nên đề nghị cân nhắc, nếu dự thảo Luật Đất đai được Quốc hội thông qua có nội dung này thì không cần thiết phải quy định lại trong Luật Thủ đô.
Về các biện pháp bảo vệ Thủ đô, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô (Điều 34), trong quá trình thẩm tra, có ý kiến trong cho rằng, việc quy định HĐND thành phố Hà Nội được quy định mức tiền phạt cao hơn trên toàn địa bàn Thành phố; quy định áp dụng biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với công trình, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm trong một số lĩnh vực (tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều 34) là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp năm 2013 về các quyền cơ bản của công dân, trong đó có quyền bình đẳng trước pháp luật...