|
|
Đại tá Lê Mạnh Hùng, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Đặc Công 198 kể lại giây phút đánh chiếm kho Mai Hắc Đế của địch. |
“Đài điểm huyệt” chiến lược
Vào tháng 10/1974, trước cục diện lực lượng cách mạng miền Nam liên tiếp giành được nhiều thắng lợi, thế và lực của ngụy quân, ngụy quyền ngày càng suy yếu, Bộ Chính trị đã họp và nhận định tình hình, thời cơ chiến lược mới. Qua đó, Bộ Chính trị hạ quyết tâm lãnh đạo toàn Đảng, toàn dân tranh thủ thời cơ, dốc sức giải phóng miền Nam trong 2 năm 1975-1976. Trong đó, Tây Nguyên được chọn là chiến trường chủ yếu trong năm 1975 và Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) được chọn làm mục tiêu quan trọng, đầu tiên của chiến dịch Tây Nguyên.
Lúc này, ông Ama H’Oanh (nay đã 89 tuổi), nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Bí thư Thị ủy, được cấp trên giao nhiệm vụ kiêm Phụ trách Đội công tác chính trị thị xã Buôn Ma Thuột (nay là TP Buôn Ma Thuột) và được giao phụ trách việc tập hợp và tuyển chọn lực lượng chính trị. Đồng thời, phát động quần chúng nổi dậy phối hợp với bộ đội chủ lực tấn công giải phóng Buôn Ma Thuột.
“Ban đầu, nhiều người dân còn nghi ngại bởi họ sợ nếu bất thành như cuộc nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 thì quân địch sẽ đàn áp dã man hơn. Thế nhưng, với quyết tâm cao, các đồng chí trong lực lượng chính trị của thị xã đã khéo léo luồn sâu vào khu vực trọng điểm là ấp 3 (phường Thành Công, TP Buôn Ma Thuột ngày nay) và ấp 5 (phường Tân Tiến) cùng ăn, cùng ở với nhân dân để vận động. Nhờ vậy, người dân rất phấn khởi, đồng lòng nổi dậy tấn công. Sau một thời gian, lực lượng chính trị tập hợp được 83 đồng chí đủ bản lĩnh, thông thạo địa bàn, chia thành 3 trung đội để vào sâu nội thị, phát động nhân dân cùng đứng lên giành chính quyền và kiểm soát thị xã sau khi bộ đội chủ lực của ta tiến công vào Buôn Ma Thuột” - ông Ama H’Oanh kể lại.
|
|
Ông Ama H’Oanh, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy; nguyên Bí thư Thị ủy, kiêm phụ trách Đội Công tác chính trị thị xã Buôn Ma Thuột kể lại công tác chuẩn bị cho giải phóng Buôn Ma Thuột. |
Dù không trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường nhưng bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (SN 1942), công tác tại Tổ may mặc, Ban Kinh tài khu căn cứ H4 (nay thuộc huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) cũng là một trong những mắt xích quan trọng ở hậu phương lớn. Bà Lan bồi hồi nhớ lại: “Khoảng đầu tháng 2/1975, 3 người trong Tổ may mặc của tôi được lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục. Khi đó nguồn nguyên liệu rất khan hiếm, đi đâu cũng có tai mắt của địch, mua nhiều là bị chú ý, xét hỏi, đặc biệt lại là vải màu đỏ và vàng dùng để may cờ”.
Vì thế, Tổ may mặc của bà Lan thường xuyên phải xuống địa bàn, liên hệ với cơ sở nắm bắt thời điểm không có lính ngụy mai phục thì mới bí mật đi lấy vải và dụng cụ may. Sau khi lấy được nguyên liệu, các thành viên trong Tổ lại miệt mài may suốt ngày đêm. Cứ 3-4 ngày thì được khoảng 100 lá cờ, làm được bao nhiêu thì có người trong đội công tác của tỉnh đến mang đi. Mỗi khi có “động” hay khu căn cứ bị địch càn, Tổ may lại phải cất giấu hết đồ đạc bằng cách ngụy trang, lấy cây tranh tết lại và phủ lên rồi mới rút.
Không chỉ vậy, với mục tiêu tạo bí mật cho trận quyết chiến chiến lược ở Buôn Ma Thuột, quân ta đã thận trọng tiến hành kế hoạch nghi binh, đánh lạc hướng quân địch... Và phương châm của chiến dịch là kiên trì, giữ bí mật, bất ngờ về ý định và đưa địch vào đúng ý đồ của ta, tạo thế bất ngờ để đánh nhanh, thắng nhanh.
Nước mắt ngày chiến thắng
Sau một thời gian chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, đúng 2h3’ ngày 10/3/1975, trận đánh Buôn Ma Thuột lịch sử bắt đầu với đòn tấn công của các đội đặc công, thuộc Trung đoàn Đặc công 198 (nay là Lữ đoàn Đặc công 198, thuộc Binh chủng Đặc công-Bộ Quốc phòng) đánh vào các điểm trọng yếu của địch. Thời điểm đó, Đại tá Lê Mạnh Hùng (SN 1950, nguyên Lữ đoàn Trưởng Lữ đoàn Đặc Công 198) là Tiểu Đoàn phó Tiểu đoàn 20B của Trung đoàn Đặc công 198 trực tiếp chỉ huy 16 tay súng được giao nhiệm vụ đánh chiếm kho Mai Hắc Đế (Buôn Ma Thuột), một tổng kho đạn dược lớn nhất của địch ở Tây Nguyên.
Nói đến đây, Đại tá Lê Mạnh Hùng cho hay: “Kho Mai Hắc Đế là kho chiến lược được tổ chức rất chặt chẽ, vòng ngoài có 5-10 hàng rào thép gai, giữa các lớp hàng rào này có những bãi mìn hỗn hợp. Tiếp đến là đường tuần tra canh gác lùng sục, cứ 50m có một lô cốt hai tầng với một tiểu đội canh giữ. Sâu vào bên trong là hàng rào tôn cao 2,5m, cứ 10m có hai bóng đèn chiếu sáng. Trong hàng rào tôn là hào chống đặc công sâu 2m, rộng 4m, dưới có chông tre và mìn díp. Qua hào là đường tuần tra bằng xe bọc thép có gắn đèn pha và súng đại liên, trong cùng lại là một hàng rào tôn, cứ 50m có một chòi quan sát, bên dưới là các ụ súng bằng bao cát, lều bạt giã chiến. Chính vì vậy, rất khó cho đặc công đột nhập”.
|
|
Ông Lê Chí Quyết, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk nói về nguyên nhân làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột. |
Tuy nhiên, được sự giúp đỡ của quân báo nhân dân và cơ sở, Tiểu đoàn do ông Hùng chỉ huy đã bí mật hành quân luồn lách qua các cứ điểm của địch ở vòng ngoài tiến đánh mục tiêu. Đúng 2h3’ ngày 10/3/1975, Tiểu đoàn của ông Hùng đã nổ bộc phá 2kg vào Sở chỉ huy của kho Mai Hắc Đế để làm hiệu lệnh cho toàn bộ chiến dịch Buôn Ma Thuột. Cùng lúc này, quân ta nổ súng tấn công, đánh thẳng vào thị xã Buôn Ma Thuột từ nhiều hướng khiến ngụy quân, ngụy quyền hoàn toàn bị động, bất ngờ, mọi nỗ lực tái chiếm đều thất bại.
Ngay sau đó, đại đa số căn cứ của quân địch tại Buôn Ma Thuột đã bị quân ta đánh chiếm. Đến trưa 11/3/1975, sau hơn 30 giờ chiến đấu quyết liệt, quân và dân ta đã tiêu diệt toàn bộ quân địch, giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột. Lúc này, người dân khắp nơi trong tỉnh vỡ òa trong niềm vui chiến thắng, phấn khởi đổ ra đường hò reo, ca hát, nhảy múa ăn mừng cùng những lá cờ giải phóng tung bay khắp thị xã Buôn Ma Thuột.
|
|
Giải phóng Buôn Ma Thuột đã trở thành trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Ảnh TL |
Nhắc lại giây phút thiêng liêng ấy sau 45 năm, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan vẫn không khỏi xúc động: “Đêm ngày 10/3/1975, khi nghe tin trên radio về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, các chị em trong Tổ may mặc chúng tôi vô cùng vui sướng và không ai cầm được nước mắt. Bởi niềm vui chiến thắng đã trở thành hiện thực, những lá cờ mà chúng tôi vẫn may suốt thời gian qua đã tung bay trong ngày chiến thắng”.
Thừa thắng xông lên, Tỉnh ủy Đắk Lắk đã lãnh đạo các huyện sử dụng lực lượng địa phương phát động quần chúng nổi dậy diệt ác, phá kềm, truy quét tàn quân địch, giải phóng hoàn toàn tỉnh Đắk Lắk vào ngày 24/3/1975. Giải phóng Buôn Ma Thuột đã trở thành trận đánh then chốt mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên toàn thắng. Đồng thời, tạo đà cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975, mà đỉnh cao là thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Nói về nguyên nhân thắng lợi, ông Lê Chí Quyết (93 tuổi), nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Quân quản tỉnh Đắk Lắk, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thắng lợi nhưng chủ yếu vẫn từ 2 sức mạnh: sức mạnh quân đội - sức mạnh quân dân và sức mạnh đoàn kết các dân tộc đã góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Buôn Ma Thuột.