TP Thủ Đức sẽ có 34 phường với hơn 1 triệu dân

Theo Nghị quyết vừa được thông qua, TP Thủ Đức được thành lập trên cơ sở nhập toàn bộ 49,79 km2 diện tích tự nhiên, 171.311 người của quận 2; toàn bộ 113,97 km2 diện tích tự nhiên, 310.107 người của quận 9 và toàn bộ 47,80 km2 diện tích tự nhiên, 532.377 người của quận Thủ Đức.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên họp của UBTVQH chiều ngày 9/12.

Như vậy, sau khi thành lập, TP Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người. TP Thủ Đức sau khi thành lập giáp quận 1, quận 4, quận 7, quận 12, quận Bình Thạnh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương.

Cùng với việc thành lập, các đơn vị hành chính cấp xã thuộc TP Thủ Đức được sắp xếp lại... Nghị quyết cũng cho phép thành lập phường An Khánh trên cơ sở nhập toàn bộ 2,03 km2 diện tích tự nhiên, 4.333 người của phường Bình Khánh và toàn bộ 1,89 km2 diện tích tự nhiên, 18.821 người của phường Bình An.

Sau khi thành lập, phường An Khánh có 3,92 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 23.154 người, giáp các phường An Lợi Đông, An Phú, Bình Trưng Tây, Thảo Điền, Thạnh Mỹ Lợi, Thủ Thiêm (quận 2), quận 7 và quận Bình Thạnh. Với các phương án sắp xếp trên, TP Thủ Đức sẽ có 34 phường.

VKSND TP Thủ Đức sẽ kế thừa những gì?

Cùng với nội dung trên, UBTVQH cũng thảo luận về việc thành lập VKSND TP Thủ Đức và Tòa án nhân dân TP Thủ Đức. Tại phiên họp, thừa ủy quyền của đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao đã trình bày Tờ trình về việc thành lập VKSND TP Thủ Đức.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao trình bày Tờ trình trước UBTV Quốc hội về việc thành lập VKSND TP Thủ Đức.

Theo đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến, căn cứ Điều 49 Luật Tổ chức VKSND năm 2014: “Việc thành lập, giải thể VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh, VKSND cấp huyện thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội”, VKSND tối cao dự thảo Tờ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập,  giải thể VKSND cấp huyện như sau:

Thứ nhất, thành lập VKSND TP Thủ Đức trên cơ sở VKSND quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thuộc TP Hồ Chí Minh. Thứ 2: Giải thể VKSND quận Thủ Đức, Quận 2, Quận 9 thuộc TP Hồ Chí Minh.

Đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho biết, tổ chức, biên chế, số lượng kiểm sát viên, công chức và người lao động khác của VKSND TP Thủ Đức thuộc TP Hồ Chí Minh do Viện trưởng VKSND tối cao quyết định trên cơ sở tổng biên chế và số lượng Kiểm sát viên của VKSND đã được UBTVQH quyết định tại Nghị quyết số 522e/NQ-UBTVQH13 ngày 16/8/2012 về tổng biên chế và số lượng Kiểm sát viên, Điều tra viên của VKSND, Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Ngay sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã bày tỏ sự tán thành rất cao với Tờ trình của VKSND tối cao do đồng chí Phó Viện trưởng Thường trực VKSND tối cao Nguyễn Huy Tiến trình bày.

leftcenterrightdel
 UBTVQH thông qua Nghị quyết với 100% Ủy viên biểu quyết tán thành.

Với 100% Ủy viên biểu quyết tán thành, UBTVQH đã ra Nghị quyết chung về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập TP Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh, trong đó quyết định giải thể VKSND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập VKSND TP Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh. VKSND TP Thủ Đức có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của VKSND quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức theo quy định của pháp luật.

Vũ Cảnh