Báo cáo tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Qua 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa. Chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước đổi mới. Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.
|
|
Đường phố rợp sắc cờ đỏ, băng rôn chào mừng ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và Ngày Quốc tế Lao động. Ảnh: Hồ Giáp |
Đặc biệt, khi đại dịch COVID-19 hoành hành, để lại hậu quả nặng nề, bối cảnh kinh tế thế giới, trong đó, nhiều nền kinh tế hàng đầu cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực cùng những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nền kinh tế nước ta vẫn được đánh giá có những “điểm sáng” trong bức tranh tối màu của thế giới.
Dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, sự chỉ đạo kịp thời, linh hoạt của Chính phủ, sự đồng hành hiệu quả của Quốc hội, cộng với sự năng động, vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp, tư duy đột phá đã thúc đẩy kinh tế Việt Nam phát triển bứt phá. GDP của Việt Nam năm 2022 tăng 8,02%, vượt khá nhiều mục tiêu kế hoạch (Quốc hội giao 6%-6,5%), đạt mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2011-2022.
Tốc độ tăng trưởng 8,02% của Việt Nam đạt được năm 2022 cao hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu (2,7% - IMF), của các nước châu Á (4,4% -IMF) và so với nhiều nước khác trong khu vực như Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines.
Thành quả tăng trưởng đạt được đã cải thiện đáng kể đến thu nhập của người dân Việt Nam. Theo đó, thu nhập bình quân đầu người năm 2022 ước đạt 4,6 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,5% so với năm 2021, xấp xỉ tăng 4 lần so với năm 2010 (đạt 1,387 triệu đồng). Tỉ lệ hộ đánh giá có thu nhập trong tháng không thay đổi và tăng lên so với cùng kỳ năm 2021 là 85,5%. Tỉ lệ nghèo tiếp cận đa chiều ước khoảng 3,6%, giảm 0,8 điểm phần trăm so với năm 2021.
|
|
Một góc TP Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh VOV |
Với cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín này của Việt Nam chính là căn cứ quan trọng để Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021- 2030), tầm nhìn đến năm 2045, với mục tiêu đưa Việt Nam thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại và thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Theo Chuyên gia kinh tế, GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào, thời gian qua, chúng ta đã cải thiện rất đáng kể môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh để thu hút, trải thảm các nhà đầu tư sản xuất lớn mang lại nhiều công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, đóng thuế. Tuy nhiên, để kinh tế Việt Nam phát triển, tăng trưởng bền vững hơn nữa thì thời gian tới cần tạo điều kiện thuận lợi, chú trọng thu hút các đầu tư lớn có giá trị gia tăng cao như lĩnh vực dịch vụ, Logistics, tài chính, ngân hàng... Bởi Logistics còn hạn chế thì sản xuất ra rất khó tiêu thụ. Hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thu hút vốn đầu tư rất quan trọng sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Hiền, nguyên Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An, Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIV:
Với ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn của đại thắng 30/4/1975 sẽ tiếp thêm động lực, tạo nền móng vững chắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Một đất nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn như mong ước của Bác Hồ sau nhiều năm thực hiện đường lối đổi mới thành công, từng bước phát triển đã khẳng định vị thế Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Có thể thấy rõ, sau đại dịch COVID-19, tình hình trong nước và thế giới còn đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, song chúng ta có đầy đủ cơ sở khoa học và thực tiễn để tin tưởng với tinh thần đoàn kết một lòng, quyết tâm thực hiện, thì nhất định chúng ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức đưa Việt Nam ngày càng giàu đẹp.
Riêng đối với công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực thời gian qua được triển khai quyết liệt, bài bản, đi vào chiều sâu, có bước đột phá và đạt những kết quả cụ thể, rõ rệt, góp phần củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào Đảng. Nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng được phát hiện, điều tra, khởi tố, xét xử nghiêm minh trên tinh thần quyết liệt “không có vùng cấm”, được cán bộ, đảng viên và nhân dân hoan nghênh, đánh giá cao và đồng tình ủng hộ. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực, suy thoái, biến chất trong Đảng và hệ thống chính trị từng bước được kiềm chế, ngăn chặn là những tín hiệu rất đáng mừng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
|
Chuyên gia kinh tế, GS.TS.NGƯT Đặng Đình Đào, Giảng viên Cao cấp Trường Đại học Kinh tế Quốc dân:
Sau 48 năm, đặc biệt là từ sau hơn 37 năm đổi mới và mở cửa, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, đất nước ta đã vươn mình trỗi dậy, tìm ra con đường đi lên đúng đắn. Nhiều năm liên tục, nền kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng cao, trở thành nền kinh tế có tốc độ phát triển nhanh và bền vững.
Dù tình hình thế giới còn nhiều diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng bằng quyết tâm, nỗ lực, những quyết sách đúng đắn, kịp thời của Đảng, Nhà nước, cộng với tinh thần đại thắng mùa Xuân năm 1975 tạo nền móng vững chắc để nhân dân ta dựng xây và phát triển đất nước giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc.
|