leftcenterrightdel
Ông Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam. 

Trách nhiệm của nhà báo khi tham gia mạng xã hội

Phóng viên: Theo ông, hành lang pháp lý đối với hoạt động tác nghiệp báo chí ở nước ta hiện nay đã đầy đủ và chặt chẽ?

Ông Phan Hữu Minh: Với việc quản lý hoạt động tác nghiệp của 24 nghìn Hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, hoạt động tại hơn 800 cơ quan báo chí, thì chúng tôi cho rằng, khung pháp lý chung về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo hiện đã đầy đủ, trong đó quy định có hiệu lực cao nhất là Luật Báo chí năm 2016. Thêm đó, Quyết định số 483/QĐ-HNBVN ngày 16/12/2016 của Hội Nhà báo Việt Nam ban hành Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam đã đưa ra những yêu cầu cụ thể về đạo đức người làm báo trong hoạt động tác nghiệp báo chí. Từ các quy định của Hội, các cơ quan báo chí còn có thêm quy định riêng, chi tiết hơn về đạo đức người làm báo nhưng không mâu thuẫn với các quy định chung của Hội, của pháp luật. Thực tế, 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo chính là hành lang bảo vệ nhà báo thiết thực nhất, người làm báo nào cũng phải thực hiện, đặc biệt là những quy định mang tính chất mới, phù hợp với giai đoạn hiện nay.

Phóng viên: Xin ông nói rõ hơn về Điều 5 trong Quy định, mà nội dung nhấn mạnh: Chuẩn mực và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác? 

Ông Phan Hữu Minh: Điều 5 của Quy định về trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội của nhà báo không  phải là điểm nhấn trong “10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam” nhưng lại là vấn đề được sự quan tâm của đông đảo giới báo chí truyền thông có sử dụng mạng xã hội như một kênh giao tiếp và bày tỏ chính kiến của cá nhân. Tiếc rằng, trong số những người làm báo chúng ta, có một bộ phận nhà báo lại sử dụng mạng xã hội để thể hiện chính kiến một chiều của mình, gây tác động tiêu cực tới dư luận. 

Về chuẩn mực và trách nhiệm của nhà báo khi tham gia phương tiện truyền thông khác cũng được lưu ý để tránh trường hợp các nhà báo lấy thông tin trên mạng internet, của phương tiện truyền thông khác để biến thành tác phẩm báo chí của mình.

leftcenterrightdel
Các phóng viên báo chí tác nghiệp. 

Phóng viên: Với những phát ngôn chưa đúng của nhà báo trên mạng xã hội thì sẽ bị xử lý ra sao, và Hội đồng xử lý vi phạm của Hội Nhà báo Việt Nam sẽ có biện pháp như thế nào để “tuýt còi” sai phạm này?

Ông Phan Hữu Minh: Khi anh là một công dân thì cách ứng xử và những phát ngôn thiếu chuẩn mực trên mạng xã hội của anh sẽ khác với khi anh là nhà báo. Bởi người dân họ không có trong tay phương tiện truyền thông để biểu đạt ý kiến. Còn với nhà báo thì bản thân mỗi người đã có phương tiện để trình bày, biểu đạt suy nghĩ, lập trường của mình. Thì không hà cớ gì anh lại sử dụng mạng xã hội để bày tỏ chính kiến trái chiều với cơ quan thông tấn, truyền thông. Quy định này không hạn chế quyền tự do ngôn luận của nhà báo, mà còn khuyến khích các nhà báo tích cực tham gia mạng xã hội với tinh thần nghiêm túc, đấu tranh với cái ác, xấu, bất công, thiếu chuẩn mực trong xã hội. 

Tuy nhiên, mỗi phát ngôn của nhà báo có ảnh hưởng tới bộ phận công chúng và nhân dân, đặc biệt nhà báo còn tham gia hoạt động báo chí, tham gia làm hội viên của hội nghề nghiệp, việc thực hiện những quy định mà hội ban hành còn vì uy tín của Hội Nhà báo, uy tín của cơ quan báo chí mà nhà báo đó hoạt động. Với tiêu chí “chuẩn mực” và “trách nhiệm” trên mạng xã hội, để nhà báo nâng cao ý thức hoạt động của mình, đồng thời Hội đồng xử lý vi phạm của Hội Nhà báo sẽ sẵn sàng vào cuộc, xử lý những sai phạm của nhà báo khi nhận được thông tin.

Phóng viên: Chúng ta có kỳ vọng, Điều 5 về “chuẩn mực và trách nhiệm” trong sử dụng mạng xã hội của nhà báo mang giá trị về đạo đức nghề nghiệp, đặc biệt là sứ mệnh nghề nghiệp: Tôn trọng sự thật, định hướng dư luận và vun đắp niềm tin của công chúng?

Ông Phan Hữu Minh: Bản thân mỗi con người sống trong cộng đồng đã có nghĩa vụ tuân thủ các chuẩn mực của đời sống, của truyền thống và của văn hóa. Dù là luật hay quy định cụ thể sâu sắc đến đâu cũng không thể đầy đủ, chỉ có lương tâm và trách nhiệm của mỗi người mới có thể giải quyết được tất cả những đòi hỏi của cuộc sống. 

Với nhà báo khi tham gia mạng xã hội cũng vậy, cần phải luôn giữ tâm nghề, tự đổi mới chính mình nhằm đáp ứng nhu cầu thông tin nhanh, trung thực, khách quan phục vụ kịp thời quyền lợi của công chúng chính là điều quan trọng nhất. Và điều đó đúng với việc coi mạng xã hội là một kênh thông tin, giao tiếp cho nhà báo. 

Hoạt động báo chí đúng chuẩn mực, nhà báo sẽ được bảo vệ

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, xảy ra khá nhiều vi phạm của nhà báo liên quan đến hoạt động báo chí. Thậm chí, có nhiều nhà báo đã dính vào vòng lao lý, ông có cho rằng “đạo đức” nhà báo bị tác động bởi “cám dỗ” vật chất? 

Ông Phan Hữu Minh: Đây là một tổn thất cho Hội Nhà báo Việt Nam và cơ quan báo chí truyền thông của các nhà báo đó. Vi phạm thì ngành nào cũng có, nhưng vi phạm trong hoạt động báo chí thì có tầm ảnh hưởng nhất định tới công chúng bởi sức ảnh hưởng của thông tin do nhà báo vi phạm gây ra. Hành vi vi phạm có thể là “tống tiền” doanh nghiệp để lấp liếm sai phạm cho doanh nghiệp hoặc có thể là việc sử dụng những thông tin mình có được liên quan đến nhân phẩm, danh dự của cá nhân nào để uy hiếp họ nhằm chiếm đoạt tài sản…. Dù là vi phạm gì thì thông tin anh đưa ra cũng đã bị chi phối, gây hiểu nhầm cho dư luận. 

Là một nhà báo nhưng anh cũng là một công dân sống trên lãnh thổ Việt Nam, vì vậy, trước hết, anh phải là một công dân mẫu mực, mọi hành động, việc làm của anh phải tuân theo hiến pháp và pháp luật Việt Nam. Thời gian qua, đã có một số trường hợp nhà báo bị đưa ra xét xử trước pháp luật, nhưng không vì thế mà chúng ta đánh giá hoặc có cái nhìn thiếu khách quan về đạo đức nhà báo trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, hành vi vi phạm thì cần phải lên án. 

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, nên có thể những vi phạm trước đó, không còn là vi phạm trong giai đoạn hiện nay. Độc giả rất công tâm, nếu anh vi phạm nhưng không vì tư lợi cá nhân và vì đấu tranh để đi tìm sự thật có thể coi là “tai nạn nghề nghiệp”. Các nhà báo khi hoạt động một cách chân chính, chuẩn mực thì sẽ được bảo vệ.

Phóng viên: Vừa qua, Quốc hội đã thông qua Luật An ninh mạng. Theo ông, Luật này có ảnh hưởng và chi phối gì tới hoạt động nghề nghiệp của nhà báo không?

Ông Phan Hữu Minh: Luật An ninh mạng vừa được Quốc hội bấm nút thông qua, còn quá mới mẻ để đánh giá và bình luận. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ quan điểm, những nhà báo chân chính, hoạt động theo đúng quy định của pháp luật Việt Nam, và quy định của đạo đức nghề nghiệp thì không cần phải quan ngại về Luật An ninh mạng. Các nhà báo hãy hoạt động nghề nghiệp theo đúng sứ mệnh đã được trao: Tôn trọng sự thật, định hướng dư luận và vun đắp niềm tin cho công chúng.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

Trần Tâm (Thực hiện)