Diễn ra trong hai ngày 04 - 05/9/2018, Ủy ban Tư pháp họp Phiên thứ 11 thẩm tra Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018; Báo cáo của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về công tác của Ngành năm 2018.
|
|
Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày báo cáo tại phiên họp. |
Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018 do Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an trình bày cho biết: Tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự xã hội, toàn quốc xảy ra 40.088 vụ, tuy giảm 4,03% so với cùng kỳ năm 2017, song tính chất vẫn nghiêm trọng, mức độ bạo lực gia tăng; hoạt động của các băng, nhóm tội phạm có sự đan xen, gắn kết giữa các lĩnh vực, triệt để lợi dụng danh nghĩa các doanh nghiệp để hoạt động, nhất là liên quan tới tín dụng đen, kéo theo tình trạng siết nợ, đòi nợ thuê, cưỡng đoạt tài sản, bắt giữ người trái pháp luật tại nhiều địa phương.
Tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, số vụ thanh, thiếu niên phạm tội tăng, tình trạng bạo hành, xâm phạm trẻ em nhất là hiếp dâm trẻ em xảy ra trên nhiều địa phương. Nhóm tội phạm liên quan tới chiếm đoạt tài sản vẫn chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm (chiếm hơn 50%); một số băng nhóm trộm cắp hình thành với thủ đoạn tinh vi, manh động, tấn công lại người dân khi bị phát hiện, truy bắt. Riêng tội phạm và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế đã bị phát hiện hơn 16.000 vụ; 282 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và chức vụ (tăng 27,03%). Đáng chú ý, do tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp nên tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi, có chiều hướng thuyên giảm. Tuy nhiên, tình trạng nhũng nhiễu tiêu cực, “tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính, dịch vụ công vẫn gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Qua các vụ án lớn đã xử lý cho thấy, các đối tượng triệt để lợi dụng những sơ hở trong cơ chế, chính sách để thông đồng, tạo ra các “nhóm lợi ích”, hoặc móc ngoặc giữa khu vực nhà nước và doanh nghiệp tạo “sân sau”, “công ty gia đình”, dùng ảnh hưởng của mình để đấu thầu cho các dự án, thâu tóm đất công; cho vay sai nguyên tắc, thế chấp vòng vo, rút tiền của nhà nước gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng. Đặc biệt, đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo đạt được những kết quả rõ nét, được coi là điểm sáng trong công tác phòng, chống tham nhũng thời gian gần đây.
Nhiều vụ việc, vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, kể cả những vụ việc tồn tại từ nhiều năm trước đã được phát hiện, điều tra, xử lý nghiêm minh, công khai, đúng pháp luật, được nhân dân rất hoan nghênh, đồng tình ủng hộ. Điển hình như vụ án Phạm Công Danh, Hà Văn Thắm, Giang Kim Đạt, Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh, Phan Văn Anh Vũ (Vũ Nhôm), Đinh Ngọc Hệ (Út trọc)…
Theo Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Du, từ ngày 1/10/2017 đến ngày 31/7/2018, các Toà án đã giải quyết được 354.145 vụ việc trong tổng số 475.610 vụ việc đã thụ lý (đạt tỷ lệ 74,5%); tăng 13.262 vụ so với cùng kỳ năm trước. Việc xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội. Đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn. Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai thí điểm việc đổi mới, tăng cường hoà giải, đối thoại trong giải quyết các vụ án dân sự và hành chính tại Hải Phòng. Bên cạnh đó, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ, thẩm phán cũng được tăng cường. Thông qua công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo đã xử lý kỷ luật 36 công chức Toà án do có hành vi vi phạm.
Thay mặt nhóm nghiên cứu Ủy ban Tư pháp, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha đánh giá, báo cáo của Chính phủ đã đánh giá được nhiều mặt công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2018, chỉ ra nguyên nhân và kiến nghị năm 2019. Tuy nhiên, báo cáo vẫn chưa đánh giá được công tác xử lý vi phạm hành chính trong toàn quốc, kết quả phát hiện vẫn chưa tương xứng với tình hình thực tế…
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Pha nhận định, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chưa nêu cụ thể kết quả xem xét giải quyết các trường hợp có đơn kêu oan theo yêu cầu của các Nghị quyết số 69 và số 96 của Quốc hội; chưa đánh giá sâu về những nguyên nhân chủ quan ảnh hưởng trực tiếp đến công tác giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm, công tác xét xử các vụ án hành chính, cũng như tình hình ban hành quyết định buộc thi hành các bản án, quyết định hành chính đã có hiệu lực thi hành.
Nhóm nghiên cứu đề nghị Tòa án nhân dân tối cao cần báo cáo rõ hơn tình hình giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm của các Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân tối cao và tình hình ban hành quyết định buộc thi hành bản án, quyết định hành chính; tình hình phát hiện và kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản pháp luật trái Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Pháp luật, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức trong quá trình các Tòa án xét xử vụ án.
Theo mps.gov.vn