|
|
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 28/11 (ảnh: VPQH cung cấp). |
Không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản
Phát biểu tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công, không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản; tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản; quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước; đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.
|
|
Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đối với tài sản thi hành án, đại biểu cho rằng, đây là tài sản đặc thù, mặt khác Chấp hành viên chỉ là người có quyền đưa tài sản ra đấu giá theo quy định của pháp luật (không phải là người sử dụng, người sở hữu tài sản). Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu có những quy định riêng cho phù hợp với các quy định về thi hành án cũng như bảo đảm tốt quyền lợi của người sở hữu, sử dụng tài sản.
Đấu giá là một nghề, nghề đấu giá cần phải được đào tạo bài bản từ kiến thức đến kỹ năng tổ chức đấu giá, từ đó mới có đội ngũ đấu giá viên chuyên nghiệp. Theo quy định tại Điều 12 dự thảo luật, có một số ngành nghề như luật sư, công chức viên, thừa phát lại, thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên … được miễn đào tạo nghề đấu giá là chưa phù hợp với yêu cầu ngày càng tăng cao của công tác đấu giá. Đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.
Nhiều tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá
Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh lại cho phù hợp với các quy định hiện hành và tình hình thực tiễn. Bởi theo quy định như dự thảo Luật thì có thể được hiểu là tất cả các tài sản được liệt kê tại Khoản 1 Điều 1. Sửa đổi, bổ sung Điều 4 khi bán đều phải được thực hiện thông qua đấu giá và chịu sự điều chỉnh của Luật này. Trong khi thực tế có nhiều tài sản được nhận làm tài sản bảo đảm không cần thiết phải qua thủ tục đấu giá khi xử lý như tiền, giấy tờ có giá…
|
|
Đại biểu Âu Thị Mai - Đoàn ĐBQH tỉnh Tuyên Quang phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Bên cạnh đó, ngoài biện pháp đấu giá thì tổ chức tín dụng có thể thỏa thuận với bên bảo đảm nhiều biện pháp xử lý khác như tổ chức tín dụng nhận chính tài sản bảo đảm hoặc bán hoặc chuyển nhượng cho bên khác…Vì vậy, nếu hiểu theo cách bắt buộc chung như dự thảo Luật là không hợp lý...
Tại Điểm b khoản 9 dự thảo Luật quy định: Đối với tài sản đấu giá là bất động sản thì tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phải niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường họp người có tài sản là tổ chức hoặc nơi cư trú của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là cá nhân, nơi tổ chức cuộc đấu giá và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có bất động sản đấu giá ít nhất 15 ngày trước ngày mở cuộc đấu giá.
Tuy nhiên, theo đại biểu, trên thực tế, việc các tổ chức bán đấu giá có thể có những chi nhánh ở các địa phương khác nhau và các chi nhánh của tổ chức bán đấu giá là nơi thực hiện việc bán đấu giá tài sản. Do đó, nếu dự thảo Luật chỉ quy định niêm yết ở trụ sở mà không niêm yết ở chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá sẽ không có ý nghĩa trong việc công bố và tiếp cận thông tin của người có nhu cầu mua tài sản.
|
|
Các đại biểu tham dự phiên họp (ảnh: VPQH cung cấp). |
Để đảm bảo chặt chẽ, phù hợp, đại biểu Âu Thị Mai đề nghị Ban soạn thảo xem xét sửa đổi: “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở của tổ chức mình, trụ sở của người có tài sản trong trường hợp người có tài sản là tổ chức” thành “niêm yết việc đấu giá tài sản tại trụ sở hoặc chi nhánh nơi thực hiện bán đấu giá tài sản của tổ chức bán đấu giá tài sản, trụ sở của người có tài sản…”.
Ngoài ra, đại biểu đề nghị xem xét, bổ sung thêm việc niêm yết việc đấu giá tài sản tại UBND cấp xã nơi có bất động sản đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Việc thay đổi các thông tin phải được sự đồng ý của những người tham gia đấu giá tài sản đã đặt tiền từ trước
Đóng góp ý kiến hoàn thiện dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, dự thảo luật sửa đổi Điều 39 của luật hiện hành về tiền đặt trước, xử lý tiền đặt trước. Theo đó, luật chỉ quy định, trường hợp có sự thay đổi về giá khởi điểm, số lượng, chất lượng tài sản đã niêm yết thông báo công khai, thì người tham gia đấu giá có quyền từ chối tham gia, nhận lại tiền đặt trước.
|
|
Đại biểu Nguyễn Tâm Hùng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đối với các trường hợp thay đổi nội dung các cuộc đấu giá như: thay đổi quy chế đấu giá, thay đổi thời gian đấu giá chưa được luật Đấu giá tài sản quy định. Tuy nhiên, tại khoản 4 Điều 57 Luật Đấu giá tài sản quy định về nội dung thông báo công khai đấu giá tài sản, có quy định thời gian, địa điểm, cách thức đấu giá và nhiều nội dung công khai khác.
Vì vậy, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung sửa đổi khoản 3 Điều 39 của Luật Đấu giá tài sản theo hướng: trường hợp có thay đổi các thông tin về nội dung thông báo công khai việc đấu giá tài sản tại khoản 4 Điều 57 phải được sự đồng ý của những người tham gia đấu giá tài sản đã đặt tiền từ trước.
Ngoài ra, đại biểu cũng đề xuất cơ quan soạn thảo xem xét sửa đổi một số nội dung, điều khoản mà dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản chưa có quy định, cụ thể là các vấn đề liên quan đến hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản.
Tình trạng “quân xanh, quân đỏ” trong hoạt động đấu giá xảy ra khá tinh vi và có xu hướng ngày càng phức tạp
Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, trong báo cáo của Chính phủ và Bộ Tư pháp đã đề cập đến vấn đề tiêu cực phát sinh trong quá hình thực hiện đấu giá, như tình trạng đấu giáo viên vi phạm pháp luật, vi phạm quy tắc đạo đức nghề nghiệp bị xử lý hành chính và hình sự. Đại biểu nhận định, tình trạng thông thầu, thông đồng, “quân xanh, quân đỏ”, cò mồi, đe dọa cưỡng ép xảy ra khá tinh vi có xu hướng ngày càng phức tạp. Do vậy, khi sửa đổi luật, cần có các quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch để phòng ngừa những hành vi này.
|
|
Đại biểu Phạm Đức Ấn - Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội phát biểu (ảnh: VPQH cung cấp). |
Đại biểu Phạm Đức Ấn cũng nêu tình trạng ép giá, kiến nghị về việc đấu giá làm kéo dài thời gian hoàn thiện được các thủ tục để mua tài sản đó. Vì vậy, cần có những cái giải pháp để xử lý vấn đề này, trong đó thời gian xem xét tài sản 2 ngày cần được tăng thêm ít nhất 3 ngày.
Về quy định liên quan đến đặt cọc, đại biểu cho rằng, cần nhìn nhận từ hai khía cạnh thấu đáo, trong đó cần sửa Điều 51 tránh tình trạng làm lũng đoạn về giá, gây khó khăn cho cả cơ quan định giá và người tham gia đấu giá.
Ngoài ra, đại biểu Phạm Đức Ấn cho rằng, cần nâng cao trách nhiệm của Bộ Tư pháp tại Điều 77 của dự thảo luật trong việc thu thập, thống kê thông tin của các tổ chức tham gia đấu giá để phát hiện những bất thường, phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý...