Trước đó, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang cũng đã khởi tố vụ án: Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Do tính chất phức tạp của vụ án, ngày 18/1/2019, Viện KSND tỉnh Hà Giang đã trực tiếp về Hà Nội báo cáo Lãnh đạo liên ngành Trung ương (Vụ Thực hành quyền công tố và Kiểm sát điều tra án an ninh, Viện KSND tối cao; Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an). Sau khi nghe báo cáo, Lãnh đạo liên ngành Trung ương đã chỉ đạo, yêu cầu VKSND tỉnh, Công an tỉnh Hà Giang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án.

leftcenterrightdel
 Các cơ quan tiến hành tố tụng đang tiếp tục điều tra mở rộng vụ án

Đến thời điểm hiện tại, sau khi xem xét đề nghị của Cơ quan An ninh điều tra, căn cứ vào tính chất diễn biến phức tạp của vụ án, căn cứ vào Quyết định số 02/QĐKTVA của Cơ quan An ninh điều tra khởi tố hình sự vụ án “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” tại Điều 356 Bộ luật Hình sự, VKSND tỉnh Hà Giang cũng đã quyết định gia hạn điều tra lần thứ 2 đối với vụ án này.

Nguồn tin riêng của PV báo Bảo vệ pháp luật cũng cho biết: Do số lượng bài thi cần giám định là rất lớn. Đến thời điểm hiện tại, cơ quan giám định đang tập trung giám định kết quả bài của hai tỉnh, Sơn La và Hòa Bình, nên kết quả bài thi của Hà Giang vẫn còn phải chờ. Hiện vụ án đang trong giai đoạn mở rộng điều tra mở rộng.

Như BVPL đã thông tin, ngày 11/7/2018, Bộ GD-ĐT công bố điểm thi THPT quốc gia, dư luận dấy lên nghi ngờ về kết quả điểm cao bất thường của tỉnh miền núi biên giới Hà Giang, thể hiện rõ nhất ở môn Vật lý, Hóa học và Toán.

Riêng Vật lý, Hà Giang có đến 65 điểm từ 9 trở lên, chiếm 6,7% tổng thí sinh dự thi. Trong khi đó TP HCM với 49.680 thí sinh thi Vật lý chỉ có 39 điểm từ 9 trở lên (0,07%). Tỷ lệ điểm giỏi của Hà Giang cũng gấp 23 lần Hà Nội.

Trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua, Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn, Hòa Bình bị nghi vấn điểm thi có gian lận. Sau khi điều tra, cơ quan công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 9 bị can, trong đó bắt tạm giam 7 người ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình. Nhiều bị can là cán bộ của sở GD-ĐT địa phương.

So sánh mức điểm trên 27 khối A (Toán, Lý, Hóa), A1 (Toán, Lý, Ngoại ngữ) giữa Hà Giang và cả nước cũng thấy bất thường. Ở khối A1, cả nước có 76 thí sinh trên 27 điểm thì Hà Giang tới 36. Khối A, cả nước có 82 em điểm trên 27, Hà Giang chiếm gần 1/3.

Trong khi đó, phổ điểm hầu hết môn thi THPT quốc gia của Hà Giang đều thấp, dải điểm nhiều thí sinh đạt nhất là 2-4. Ngoài ra, có không ít thí sinh có tổng điểm chênh lên hơn 20 điểm so với điểm chấm thẩm định. Đặc biệt, có những thí sinh có tổng điểm được làm tăng lên đến 26,8 điểm, thậm chí 29,95 điểm so với điểm chấm thẩm định.

Ngày 17/7/2018, tổ công tác của Bộ GD-ĐT công bố kết quả xác minh chấm thẩm định tất cả bài thi trắc nghiệm của thí sinh Hà Giang, cho hay đã phát hiện hơn 330 bài thi của 114 thí sinh đã bị can thiệp, sửa để nâng điểm. Trong những thí sinh này có con của một lãnh đạo cấp cao của Hà Giang.

Ngày 19/7/2018, theo chỉ đạo của Cục An ninh điều tra (Bộ Công an), Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, để điều tra dấu hiệu vi phạm pháp luật trong việc chấm thi THPT quốc gia ở Hà Giang.

Trên cơ sở kết quả điều tra ban đầu, sáng 20/7/2018 Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Hà Giang đã khởi tố bị can với ông Vũ Trọng Lương (SN 1978, nguyên Phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở Giáo dục Hà Giang).

Ông Lương bị bắt, truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo Điều 356 Bộ luật Hình sự 2015. việc khám nhà bị can được thực hiện ngay khi lệnh khởi tố được công bố. Khi kiểm tra điện thoại của ông Lương thấy "có rất nhiều tin nhắn được chuyển đến, lưu số báo danh thí sinh".

Cơ quan điều tra xác định, khi nhận được tin nhắn đề nghị sửa điểm, ông Lương nhập các số báo danh, file excel bài làm của thí sinh vào máy tính. Ngày 27/6/2018, sau khi Bộ GD-ĐT công bố đáp án 9 môn thi THPT quốc gia, ông Lương tải toàn bộ đáp án về, xử lý sang file excel, lưu vào máy. Ông này sau đó copy file đáp án của Bộ và dán đè lên file bài làm của thí sinh. Đáng chú ý là khi thực hiện lại các hành vi gian lận cho cơ quan điều tra, ông Lương chỉ mất 6 giây cho việc mở khóa niêm phong, rút bài thi, tẩy xóa sửa chữa để nâng điểm một bài thi.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý Chất lượng, Bộ GD&ĐT cho hay: "Hành vi nâng điểm thi cho thí sinh trong khi chấm thi đã vi phạm rất nghiêm trọng quy chế thi. Bộ GD-ĐT kiên quyết chỉ đạo xử lý nghiêm các cá nhân, tập thể vi phạm, theo quy định của pháp luật để đảm bảo kỷ cương, nghiêm túc của Kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 và cả cho những năm tiếp theo".

Tiếp đến ngày 23/7/2018, Cơ quan An ninh điều tra (Công an tỉnh Hà Giang) cũng đã khởi tố, bắt ông Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng, Sở GD-ĐT Hà Giang) để điều tra về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015.

Qua đấu tranh của Cơ quan điều tra bước đầu, ông Nguyễn Thanh Hoài đã thừa nhận việc giao chìa khóa nơi lưu trữ bài thi cho ông Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) để trực tiếp sửa điểm thi của thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia.

Thông tin từ Viện KSND tỉnh Hà Giang cũng cho biết thêm: Đây là vụ án đã có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng tại văn bản số 6756/VPCP-KGVX ngày 17/7/2018 . Theo đó,  Thủ tướng chỉ đạo xử lý nghiêm sai phạm về kết quả thi THPT bất thường tại Hà Giang. Do vậy các cơ quan tiến hành tố tụng của tỉnh đang khẩn trương phối hợp điều tra mở rộng đối vụ án này theo đúng quy định của pháp luật.

 

Xuân Hưng