Dự án nút giao Nam cầu Bính

Phát biểu tại buổi lễ, ông Nguyễn Văn Tùng - Chủ tịch UBND thành phố Hải Phòng khẳng định, trong những năm qua, thành phố Hải Phòng đã có nhiều doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước đầu tư vào thành phố với các dự án có quy mô lớn, làm dân số cơ học tăng nhanh, nên đã gây ảnh hưởng lớn đến hệ thống giao thông nội đô.

Trước tình hình đó, thành phố đã dùng nguồn phí sử dụng kết cấu hạ tầng cảng biển để đầu tư xây dựng nhiều công trình hạ tầng giao thông, trong đó có Dự án đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính - nút giao thông có quy mô lớn, hiện đại nhất tại Hải Phòng.

Đây cũng là hầm chui đầu tiên và lớn nhất qua đường sắt tại thành phố Hải Phòng, với chiều dài 370m. Diện tích thực hiện Dự án trên 12ha, di chuyển 10 tổ chức, 118 hộ gia đình để thực hiện công trình.

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cắt băng thông xe kỹ thuật nút giao Nam cầu Bính.

Nút giao Nam cầu Bính là điểm giao giữa đường dẫn bờ Nam cầu Bính với đường Hồng Bàng (Quốc lộ 5 mới), đường Bạch Đằng (đường vào trung tâm thành phố Hải Phòng qua cầu Thượng Lý), đường Hùng Vương (đường vào trung tâm thành phố đi qua cầu Quay), đường Hà Nội (Quốc lộ 5 cũ) đi về phía Sở Dầu và tuyến đường quy hoạch qua sông Rế kết nối với đường Vành đai 2 của thành phố.

Tại vị trí nút giao, bên cạnh các tuyến đường bộ nói trên còn có tuyến đường sắt Hà Nội - Hải Phòng. Theo quy hoạch hệ thống giao thông thành phố được duyệt, đây là nút giao ngã 6 ở cửa ngõ vào trung tâm thành phố.

leftcenterrightdel
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm đường hầm tại nút giao Nam cầu Bính.  

Dự án đầu tư xây dựng nút giao Nam cầu Bính được thực hiện bằng ngân sách thành phố Hải Phòng, có tổng mức đầu tư xây dựng là 1.411,190 tỷ đồng, được khởi công từ tháng 9/2018.

Dự án có quy mô xây dựng nút giao khác mức 3 tầng, hầm chui đầu tiên của TP. Hải Phòng theo hướng đường nối từ Bạch Đằng tới Hồng Bàng, với chiều rộng hầm là 13m. Ngoài ra, cầu vượt các nhánh trong nút giao, có chiều rộng từ 8 - 12m tùy theo vị trí. Tốc độ thiết kế trong nút giao là 30 - 40km/h, đường ngoài nút giao là 60km/h.

Dự án tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường vào và khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ, xã Liên Khê, huyện Thủy Nguyên, TP Hải Phòng, do UBND huyện Thủy Nguyên làm chủ đầu tư, sử dụng nguồn vốn ngân sách thành phố, với tổng mức đầu tư trên 420 tỷ đồng. Dự kiến công trình sẽ được hoàn thành trong 135 ngày.

leftcenterrightdel
Thủ tướng phát biểu tại buổi lễ. 

Dự án Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ có diện tích khoảng 30.680m², bao gồm các hạng mục: cổng chính rộng 20 m xây trụ và mái cổng kiểu kiến trúc cổ lợp ngói mũi hài, cánh cổng là gang đúc chi tiết hoa văn; hệ thống tường bao tổng chiều dài 724m xây gạch, mái mũ tường ngói giả cổ; nhà đón tiếp, trưng bày và giới thiệu hiện vật có diện tích 360m², 1 tầng theo kiến trúc giả cổ; khu bảo tồn bãi cọc xây dựng mái nhà che khung cột giả cổ diện tích 2.000m².

leftcenterrightdel
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu tham quan Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ tại xã Liên Khê, huyện Thuỷ Nguyên, TP Hải Phòng.

Hệ thống đường dẫn đi xuống bãi cọc cho khách tham quan nằm trong phạm vi nhà mái che. Toàn bộ mặt bằng bãi cọc phát lộ được bảo tồn theo hướng lấp đất, xây dựng hình tượng cọc 3D lộ thiên cho khách tham quan. Ngoài ra còn có hệ thống sân vườn, thảm cỏ xây dựng diện tích 20.000m² cùng các tiện ích khác như: nhà vệ sinh, nhà bảo vệ…

Tuyến đường vào khu bãi cọc Cao Quỳ có chiều dài 3,488 km, nối quốc lộ 10 với khu vực bãi cọc thuộc các xã: Lưu Kỳ, Liên Khê; chiều rộng từ 18-22m, trong đó mặt đường rộng 12m, vỉa hè đoạn rẽ vào bãi cọc hè rộng 5m. Cùng với đó, còn có bãi đỗ xe rộng 1 ha. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống điện chiếu sáng, trồng cây xanh bóng mát là lim xanh, long não, xà cừ.

leftcenterrightdel
Hiện vật khai quật được lưu giữ tại Khu bảo tồn bãi cọc Cao Quỳ. 

Dự án là nơi giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đồng thời từng bước xây dựng và hoàn thiện đường vành đai phía Bắc huyện Thủy Nguyên (từ đường tỉnh 359 tại đầu đập Minh Đức tới đường tỉnh 352 xã Lại Xuân). Đáp ứng nhu cầu giao thông cho nhân dân từ quốc lộ 10 tới khu vực bãi cọc, kết nối giao thông giữa các khu di tích dọc theo bờ hữu sông Bạch Đằng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của huyện Thủy Nguyên và thành phố Hải Phòng, góp phần cải thiện môi trường, cảnh quan, tăng khả năng khai thác cho hoạt động du lịch và bảo vệ môi trường.

Dự án phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng

Dự án Phát triển giao thông đô thị thành phố Hải Phòng do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Hải Phòng làm chủ đầu tư, có tổng mức đầu tư 251,550 triệu USD, trong đó vốn ODA 175,094 triệu USD, vốn đối ứng (Ngân sách Hải Phòng) 76,457 triệu USD.

Dự án bao gồm 3 hợp phần: Hợp phần A - Phát triển đường trục đô thị, được thực hiện tại địa bàn các quận, huyện: An Dương, Kiến An, Lê Chân, Ngô Quyền, Hải An, nhằm nâng cao điều kiện đi lại trong đô thị và giao thông vận chuyển hàng hóa từ ngoại tỉnh ra vào hệ thống cảng Hải Phòng.

Cụ thể, xây dựng tuyến đường kết nối Đông - Tây từ Bắc Sơn đến Nam Hải với chiều dài 19,8 km. Trong đó, đoạn Bắc Sơn - Quán Trữ (9,5km) có mặt cắt ngang 27,5m bao gồm 6 làn xe. Đoạn Quán Trữ - Nam Hải (10,3km) có mặt cắt ngang 50,5m bao gồm 6 làn xe đối ngoại và 4 làn xe đối nội.

leftcenterrightdel
Cắt băng thông xe dự án phát triển giao thông đô thị Hải Phòng. 

Xây dựng công trình trên tuyến bao gồm 2 cầu lớn là cầu Đồng Khê và cầu Niệm 2 bắc qua sông Lạch Tray. Mỗi cầu có chiều dài 545m, mặt cầu rộng 30m; cầu Rế có chiều dài 87,3m qua sông Rế; xây dựng 180m hầm chui dưới đường dẫn lên cầu Rào 1 và cải tạo cầu Niệm 1 và nâng cấp đường Trường Chinh.

Hợp phần B - Cải thiện giao thông công cộng, được thực hiện tại địa bàn các quận, huyện: Hồng Bàng, Lê Chân, Kiến An, An Lão, Vĩnh Bảo, Tiên Lãng, bao gồm: Xây dựng cơ sở hạ tầng dọc tuyến hành lang thí điểm; mua sắm 20 xe buýt; mua sắm hệ thống GPS, bảng LED và hệ thống truyền thông; hỗ trợ kỹ thuật thành lập Cơ quan quản lý giao thông công cộng (PTA).

Hợp phần C - Nâng cao năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực...

Phát biểu tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Xuân Bình, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hải Phòng cảm ơn Chính phủ Việt Nam, Nhật Bản và sự hợp tác chặt chẽ, hiệu quả của World Bank.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hải Phòng, khẳng định: Đây là một công trình hết sức ý nghĩa, giúp khai thông con đường trục Đông - Tây của thành phố. Với con đường này, thành phố có cơ hội bố trí giao thông để các phương tiện giao thông vận tải từ Cảng Hải Phòng có thể không phải đi qua trung tâm thành phố, tạo ra sự kết nối giao thương hiệu quả; mặt khác góp phần giảm tải ùn tắc giao thông trong đô thị, giảm tai nạn giao thông, góp phần quan trọng, trực tiếp vào cải tạo cảnh quan đô thị thành phố Hải Phòng.

 

Hoàng Hưng