|
|
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc - Trưởng Ban soạn thảo Đề án, phát biểu khai mạc hội nghị. - Ảnh: Quochoi.vn |
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, Phó Trưởng ban công tác đại biểu Đặng Ngọc Huy, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Phạm Đình Toản chủ trì Hội nghị.
Cổng Thông tin điện tử Quốc hội dẫn lời Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nhấn mạnh, đây là một trong những đề án có tầm ảnh hưởng rộng liên quan đến cơ quan dân cử và chính quyền địa phương cấp tỉnh trong cả nước, lãnh đạo, cán bộ, công chức công tác tại các cơ quan này.
Mục đích của đề án là thực hiện thí điểm hợp nhất 3 văn phòng nhằm giảm đầu mối, giảm biên chế và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ ở khối văn phòng ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; thiết lập bộ máy giúp việc chung cho Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan này trong giai đoạn hiện nay.
Kết quả của việc thí điểm hợp nhất các văn phòng tại một số địa phương trong cả nước sẽ là cơ sở để sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Tại hội nghị, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về các vấn đề gồm: tên gọi, vị trí của văn phòng chung trong hệ thống các cơ quan ở địa phương; chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng chung; cơ cấu, tổ chức, biên chế của Văn phòng chung; phương thức hoạt động và mối quan hệ công tác của Văn phòng chung; các điều kiện đảm bảo hoạt động; thời gian thực hiện thí điểm; nguyên tắc lựa chọn, đề xuất cơ cấu, số lượng địa phương tham gia thí điểm và những điểm cần lưu ý khi thực hiện hợp nhất ba Văn phòng.
Đa số các đại biểu phát biểu bày tỏ tán thành chủ trương và thực hiện thí điểm hợp nhất 3 Văn phòng thành một Văn phòng tham mưu, giúp việc chung. Khẳng định đây là chủ trương đúng đắn của Đảng, góp phần tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy tổ chức Văn phòng gọn nhẹ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác tham mưu, giúp việc và phục vụ của Văn phòng.
Việc hợp nhất sẽ góp phần tiết kiệm, giảm chi thường xuyên; thực hiện tốt công tác cải cách hành chính, công vụ, công chức và cải cách chính sách tiền lương, có khả năng thu hút được cán bộ giỏi về chuyên môn và giàu kinh nghiệm thực tiễn ở các sở, ban, ngành địa phương về công tác tại Văn phòng chung, góp phần nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại.
Tuy nhiên, các đại biểu cũng lưu ý, việc hợp nhất 3 văn phòng không chỉ là sáp nhập cơ học mà cần phải xác định rõ tên gọi, địa vị pháp lý, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, mối quan hệ công tác, cơ chế hoạt động của Văn phòng chung cho phù hợp, để tránh sự chồng chéo trong công tác tham mưu, phục vụ cho Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội cấp tỉnh bởi các cơ quan này có những đặc thù riêng trong chức năng nhiệm vụ tham mưu cho các cơ quan dân cử, cơ quan lập pháp và cơ quan chấp hành.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc nêu rõ, các ý kiến đóng góp tại hội nghị đều theo đúng mục tiêu sáp nhập ba Văn phòng phải góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng Hội đồng nhân dân, Văn phòng Ủy ban nhân dân.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết thêm, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tổ chức các hội nghị lấy ý kiến tại các khu vực. Trên cơ sở đó, Ban soạn thảo sẽ tiếp thu và ghi nhận đầy đủ các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của đại biểu để hoàn thiện Đề án.
Chinhphu.vn