Báo cáo tại cuộc làm việc, đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính cho biết, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, ngay từ đầu năm, VKSND tối cao đã quyết liệt triển khai thực hiện nhiều giải pháp để giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể, Viện trưởng VKSND tối cao đã kiện toàn Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong ngành KSND do đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng làm Tổ trưởng với các thành viên tham gia là lãnh đạo các đơn vị. Cùng với đó, gắn trách nhiệm của các đơn vị chức năng để theo dõi, đánh giá và xem xét kết quả giải ngân của các đơn vị là một trong những tiêu chí về thực hiện nhiệm vụ và xem xét thi đua cuối năm.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc.

Cùng với đó, ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn Chủ đầu tư dự án, Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư triển khai thực hiện kế hoạch vốn năm 2022; Tổng hợp tiến độ giải ngân của từng dự án theo từng tháng, báo cáo việc thực hiện dự án và giải ngân kế hoạch vốn với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ theo quy định…

Về kết quả, nhiều đơn vị đã tích cực đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, giải ngân đạt trên 90% ngay từ những tháng đầu năm 2022 như VKSND các tỉnh: Hòa Bình, Cao Bằng, Sóc Trăng, Cà Mau, Hà Giang, Yên Bái, Kiên Giang, Thái Bình…

Tuy nhiên, bên cạnh các dự án có tiến độ giải ngân tốt thì vẫn còn nhiều dự án chưa giải ngân hoặc tỉ lệ giải ngân thấp. Tại cuộc họp, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tập trung thảo luận, làm rõ và có giải pháp khắc phục các mặt còn hạn chế trong nhiệm vụ giải ngân vốn đầu tư công.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Văn Hà, Cục trưởng Cục Kế hoạch – Tài chính báo cáo tại cuộc làm việc.

Theo đó, đa số ý kiến phát biểu trong cuộc làm việc đều cho rằng, nguyên nhân do nhiều yếu tố như: Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; Vướng mắc trong công tác thẩm định của cơ quan chuyên môn về xây dựng, hoàn thiện thủ tục đầu tư; Biến động giá vật liệu xây dựng, nhân công xây dựng; vướng mắc trong đền bù, giải phóng mặt bằng…

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc làm việc, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị có dự án đầu tư, chủ đầu tư dự án phải triển khai thực hiện nghiêm các Nghị quyết của Chính phủ, Công điện và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản chỉ đạo của VKSND tối cao và chỉ đạo điều hành, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho từng dự án đầu tư.

Cùng với đó, chủ động phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành của địa phương để giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến thủ tục bàn giao đất, giải phóng mặt bằng, quy hoạch,… Chỉ đạo các đơn vị có liên quan hoàn thiện đảm bảo các thủ tục đầu tư đúng quy định của Nhà nước và của Ngành, trình cơ quan chuyên môn thẩm định, tránh trường hợp phải trả lại kéo dài thời gian phê duyệt và giải ngân vốn.

leftcenterrightdel
 Cuộc làm việc được tổ chức trực tuyến đến VKSND nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Bên cạnh đó, xây dựng, rà soát tiến độ chi tiết cho từng dự án/công trình, phân công cán bộ theo dõi, đôn đốc, quản lý tiến độ. Tăng cường kiểm tra, giám sát, thực hiện việc giao ban định kỳ hàng tháng về giải ngân vốn đầu tư công để phát hiện các tồn tại, hạn chế, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc…

Đối với VKSND tối cao, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu: Phải tiếp tục rà soát, điều chỉnh vốn của các dự án dư vốn, dự án chưa giải ngân, dự án chậm tiến độ để điều chỉnh bổ sung sang cho các dự án có tiến độ giải ngân tốt; Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện dự án thực tế và thúc đẩy giải ngân đầu tư công tại các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp; Tổng hợp, rà soát, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế; về điều chỉnh kế hoạch vốn…

Vũ Cảnh