Tham dự Hội nghị tập huấn có các cán bộ làm công tác thông tin đối ngoại các Sở, ban, ngành, TP Hà Nội cùng đại diện một số cơ quan báo chí ở Trung ương và địa phương...

Khai mạc Hội nghị, ông Hồ Hồng Hải, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, việc tổ chức Hội nghị tập huấn nhằm phổ biến về đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam với Campuchia, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong tình hình hiện nay, đồng thời nhằm nâng cao hiểu biết về chính sách, pháp luật về công tác thông tin đối ngoại cho các cán bộ làm công tác này.

Hội nghị cũng nhằm quảng bá hình ảnh Việt Nam đổi mới và phát triển; là bạn, đối tác tin cậy của Campuchia, củng cố mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Việt Nam - Campuchia.

Ngoài ra, Hội nghị còn nhằm cung cấp thông tin chính sách pháp luật về dân tộc - lý luận và thực tiễn, đặc biệt là vấn đề dân tộc tại miền Trung - Tây Nguyên; các bài học kinh nghiệm và thực tế triển khai.

Tại Hội nghị tập huấn, ông Phan Hồng Thuỷ, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Uỷ ban Dân tộc đã trình bày về nội dung “Chính sách pháp luật vùng dân tộc thiểu số và miền núi hiện nay - thực trạng và giải pháp”.

Ông Thuỷ cho biết, theo kết quả điều tra mới được công bố, tính đến đầu tháng 4/2019, dân số của 53 dân tộc thiểu số khoảng 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Vùng dân tộc thiểu số và miền núi chiếm 3/4 diện tích toàn lãnh thổ; có 51/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. 

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh Hội nghị tập huấn.

Mặc dù vùng dân tộc thiểu số đã, đang là “lõi nghèo của cả nước”, tuy nhiên trong những năm qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm chỉ đạo, ban hành nhiều chính sách dân tộc và dành nguồn lực ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển, kinh tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bước tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế thay đổi theo hướng sản xuất hàng hoá, cơ sở hạ tầng thay đổi rõ rệt. 

Trong số những khó khăn, tồn tại thì ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi các thế lực thù địch luôn âm mưu “diễn biến hoà bình”, lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc, dân chủ, nhân quyền và những khó khăn để gây bạo loạn, kích động ly khai để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Ông Thuỷ cũng đề cập đến các giải pháp thúc đẩy thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030, trong đó về thể chế cần ban hành đạo luật về lĩnh vực dân tộc. Trong đó, thể chế hoá một cách cụ thể các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân tộc, nhằm phát triển toàn diện đời sống kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, tích hợp các chính sách dân tộc, tập trung nguồn lực thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia.

Trình bày chuyên đề về “Công tác truyền thông của các cơ quan Nhà nước”, ông Lê Văn Nghiêm, nguyên Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần có những biện pháp đổi mới công tác này, trong đó phải đổi mới về nhận thức đồng thời đổi mới tổ chức, phương pháp công tác truyền thông.

P.V