Tham dự hội nghị có các đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao: Trần Công Phàn, Bùi Mạnh Cường, Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Huy Tiến; đại diện một số bộ, ngành Trung ương; các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, công chức, viên chức các đơn vị thuộc VKSND tối cao,  VKSND cấp cao, Viện kiểm sát quân sự các cấp, VKSND cấp tỉnh, cấp huyện…

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh hội nghị
leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh cam go, phức tạp. Tuy nhiên, với sự nỗ lực, cố gắng, thời gian qua ngành Kiểm sát đã triển khai nhiều biện pháp, nâng cao trách nhiệm từ đó giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng đạt được những kết quả bước đầu đáng ghi nhận.

Đánh giá cao việc tổ chức cũng như nội dung và tài liệu được chuẩn bị tại hội nghị, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao Lê Minh Trí cho rằng, những tài liệu này cần được xem là cẩm nang để các cán bộ, công chức, viên chức trong ngành nghiên cứu, học tập, áp dụng trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

leftcenterrightdel
Đồng chí Lê Minh Trí, Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu chỉ đạo tại hội nghị 

Đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao nhấn mạnh, do đối tượng tham nhũng thường là những người có kiến thức pháp luật, có quan hệ và nhiều cách đối phó, thậm chí là mua chuộc nên những người làm công tác phòng, chống tham nhũng phải nắm vững pháp luật, có chuyên môn giỏi và luôn có ý thức cảnh giác mới có thể phòng chống tham nhũng hiệu quả. Họ phải thực sự trong sạch, công bằng và gương mẫu, đồng thời phải nhận thức được mình là người thực thi pháp luật để giữ gìn uy tín, hình ảnh của Ngành.

Cùng với đó, trong công tác phòng, chống tham nhũng cần đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng, người đứng đầu đơn vị. Người đứng đầu phải gương mẫu, trách nhiệm, có đạo đức. Kết quả công tác phòng, chống tham nhũng chính là thước đo đánh giá phẩm chất, năng lực, trách nhiệm và mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Nhấn mạnh đến vai trò quan trọng của Cơ quan điều tra VKSND tối cao và Thanh tra VKSND tối cao trong công tác phòng, chống tham nhũng, đồng chí Viện trưởng VKSND tối cao cho rằng để công tác phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp như phòng ngừa, phát hiện xử lý và chấp hành đường lối xử lý của cơ quan có thẩm quyền.

Bên cạnh đó, để đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ của công tác phòng, chống tham nhũng thì cần rà soát các quy định của pháp luật; thực hiện chế độ báo cáo thông tin kịp thời, đúng pháp luật; rút ra những kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác này để nhân rộng.

VKSND các cấp cần tăng cường công tác phối hợp với cơ quan giám sát, thanh tra, kiểm toán, cơ quan điều tra để giải quyết kịp thời, thực chất, hiệu quả các kiến nghị khởi tố, đưa ra khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các tội phạm tham nhũng, tích cực trong thu hồi tài sản tham nhũng cho Nhà nước.

“Mỗi cán bộ Kiểm sát bên cạnh việc nhận thức đúng, có kinh nghiệm hay và phương pháp công tác tốt thì cũng cần đề cao lòng tự trọng, danh dự, uy tín của người thực thi pháp luật, người cán bộ Kiểm sát để tâm huyết, trách nhiệm với công việc, luôn cảnh giác và biết giữ gìn bản thân, hình ảnh của Ngành khi thực hiện nhiệm vụ... Ta phải không tham nhũng thì mới chống được tham nhũng” - Viện trưởng VKSND tối cao chỉ rõ.

Tại hội nghị, dưới sự điều hành của đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, đại diện lãnh đạo Vụ 14, VKSND tối cao đã giới thiệu nội dung mới cơ bản của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 và những vấn đề cần lưu ý trong việc triển khai thực hiện trong ngành KSND.

Đại diện lãnh đạo Thanh tra VKSND tối cao trình bày tham luận về yêu cầu tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng và trách nhiệm của VKSND các cấp trong việc triển khai, thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng.

Lãnh đạo Cơ quan điều tra VKSND tối cao trình bày tham luận về kết quả triển khai, thực hiện Đề án “Thực trạng và giải pháp phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân” và công tác khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử tội phạm tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp.

Lãnh đạo Vụ 13, VKSND tối cao trình bày tham luận về thực trạng công tác tương trợ tư pháp hình sự trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng và đề xuất mô hình đơn vị đầu mối tương trợ tư pháp hình sự trong thu hồi tài sản tham nhũng của ngành KSND.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao phát biểu tại hội nghị

Hội nghị cũng nghe Lãnh đạo Vụ 5, VKSND tối cao thông tin thêm về tình hình phòng, chống tham nhũng thời gian qua; đồng thời nghe Lãnh đạo VKSND cấp cao tại Hà Nội, VKSND thành phố Hà Nội và VKSND thành phố Hồ Chí Minh trình bày tham luận về thực tiễn công tác phòng ngừa vi phạm, tội phạm tham nhũng và công tác giải quyết các vụ án tham nhũng thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình…

Phát biểu bế mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cảm ơn các đại biểu đã tham dự hội nghị đầy đủ, lắng nghe nghiêm túc. Đồng chí đề nghị, sau hội nghị, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục nghiên cứu, quán triệt nghiêm túc cho cán bộ, công chức, viên chức của cơ quan, đơn vị mình chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của Ngành về công tác phòng, chống tham nhũng như Nghị quyết số 04/NQ/TW ngày 21/8/2006, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015, Kết luận số 10-KL/TW ngày 26/12/2016, Nghị quyết số 04/NQ/TW ngày 30/10/2016…

Đồng thời, Viện trưởng VKSND các cấp và thủ trưởng các đơn vị cần tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao về tăng cường công tác phòng, chống tham nhũng trong ngành KSND cũng như chỉ đạo của đồng chí Viện trưởng tại hội nghị, từ đó góp phần giúp cho công tác phòng, chống tham nhũng của Ngành được thực hiện một cách hiệu quả, toàn diện, đồng bộ, thống nhất và đạt hiệu quả trong thời gian tới.

Đắc Thái