Nhiều thành tựu quan trọng trong 6 tháng đầu năm

Báo cáo của Chính phủ cho biết, trước diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chỉ thị, Công điện và chỉ đạo quyết liệt, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động hơn, quyết liệt hơn với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và "bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết"; chuyển trạng thái từ “phòng ngự” sang “tấn công” với chiến lược vắc xin và phương châm “4 tại chỗ” đi đôi với tích cực kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ trình bày Báo cáo trước Quốc hội.

Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp ngoại giao, thúc đẩy mọi biện pháp có thể để có vắc xin sớm nhất, nhiều nhất và tổ chức chiến dịch tiêm chủng kịp thời, khoa học, an toàn, hiệu quả; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.

Đặc biệt, Chính phủ đã tích cực, quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy mua, nghiên cứu, sản xuất và tiêm vắc xin; thành lập Quỹ vắc xin phòng, chống COVID-19 và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và đồng bào ta ở nước ngoài, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong xã hội.

Bên cạnh công tác phòng chống đại dịch COVID-19, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm đạt 5,64%, là mức khá cao so với các nước trên thế giới. Nhiều địa phương có dịch nhưng tăng trưởng khá. Kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát tiếp tục được kiểm soát ở mức thấp. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thị trường tiền tệ, tín dụng, tỉ giá, lãi suất ổn định. Thu ngân sách nhà nước đạt kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đạt 58,2% dự toán, tăng 16,3% so với cùng kỳ.

Chi ngân sách được quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, bảo đảm nhu cầu chi cho phòng chống dịch, an ninh, quốc phòng và các nhiệm vụ cấp bách khác. Cân đối ngân sách Trung ương được bảo đảm.

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 6 tháng tăng 32,2% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện tăng 7,2%; vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện đạt trên 9,2 tỷ USD, tăng 6,8%.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh phiên làm việc sáng ngày 22/7 của Quốc hội.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Chính phủ cũng chú trọng công tác an sinh xã hội, nỗ lực thực hiện tốt các chính sách người có công; đẩy mạnh các hoạt động “đền ơn đáp nghĩa”, “uống nước nhớ nguồn”. Công tác an sinh xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống đồng bào các dân tộc thiểu số được cải thiện; đã kịp thời xuất cấp gạo cứu trợ đồng bào vùng khó khăn và trong thời kỳ giáp hạt; hỗ trợ người lao động, người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chính sách giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm giá điện, nước, dịch vụ viễn thông cho người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã đổi mới mạnh mẽ công tác lãnh đạo, chỉ đạo trong xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật; giao Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc tổ chức thực hiện công tác xây dựng thể chế và thi hành pháp luật. Khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện những cơ chế, chính sách, quy định pháp luật còn bất cập theo hướng đồng bộ, thống nhất, phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế.

Cùng với đó, Quốc phòng, an ninh được tăng cường; chủ quyền quốc gia được giữ vững. Thực hiện tốt chủ trương bảo đảm quốc phòng, an ninh gắn kết chặt chẽ với phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội. Các lực lượng quân đội, công an phát huy tốt vai trò xung kích trên tuyến đầu phòng, chống dịch COVID-19. Bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn các mục tiêu, sự kiện quan trọng của đất nước, nhất là Đại hội lần thứ XIII của Đảng, bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong những tháng còn lại của năm 2021, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Chính phủ tiếp tục quán triệt các Nghị quyết, Kết luận của Đảng, Quốc hội; tích cực triển khai chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, theo dõi sát diễn biến tình hình, có giải pháp kịp thời, linh hoạt, sáng tạo, phù hợp và tổ chức chỉ đạo, điều hành đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả; quyết tâm thực hiện “mục tiêu kép”, nhưng ưu tiên lúc này là tập trung phòng, chống dịch COVID-19 hiệu quả để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và phấn đấu đạt cao nhất các mục tiêu đề ra.

Một số nhiệm vụ Chính phủ cần quan tâm

Trình bày Báo cáo Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm 2021, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm của Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ.

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo Thẩm tra Báo cáo của Chính phủ. 

Ủy ban Kinh tế đánh giá cao những nỗ lực và hiệu quả từ các giải pháp mà Chính phủ đã và đang thực hiện để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các đối tượng, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội.

Bên cạnh việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp theo các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế đồng thời đề nghị Chính phủ quan tâm một số nhiệm vụ, giải pháp cụ thể như: Xác định ổn định kinh tế vĩ mô là nhiệm vụ hàng đầu; kiểm soát dịch bệnh là mục tiêu ưu tiên, kiên trì thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” phù hợp với tình hình thực tiễn và địa bàn cụ thể. Thực hiện tốt chiến dịch tiêm chủng; huy động mọi nguồn lực, khuyến khích xã hội hóa, phát triển “quỹ vắc xin”; thông tin đầy đủ, liên tục, chính xác, minh bạch về tiêm chủng; công khai xây dựng, đẩy nhanh lộ trình mua, đa dạng hoá nguồn cung và tổ chức tốt việc tiêm vắc xin; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, thí nghiệm, cấp phép và sản xuất vắc xin trong nước.

Chính phủ cần triển khai hiệu quả hơn chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Duy trì và phục hồi hoạt động doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, tạo việc làm cho người lao động; thực hiện phương châm “cứu doanh nghiệp như cứu người bệnh” để hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp, sẵn sàng chuẩn bị cho giai đoạn hậu COVID-19.

Cùng với đó, cần thực hiện tốt công tác quản lý thu, điều hành chi NSNN chặt chẽ; cảnh báo về các yếu tố tăng, giảm số thu NSNN, mức trần nợ công, có biện pháp điều hành thu, chi NSNN kịp thời; triệt để tiết kiệm chi thường xuyên; khẩn trương hoàn thành việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 và kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2025; nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật về đầu tư công, phấn đấu giải ngân vốn đầu tư công đạt tỷ lệ cao, gắn trách nhiệm của người đứng đầu với kết quả giải ngân…

Vũ Cảnh