Những giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 20/7/2021 phiên họp Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19.

Nội dung của Nghị Quyết gồm các chỉ đạo định hướng hoạt động phòng chống dịch trong giai đoạn mới. Trọng tâm của Nghị quyết là ưu tiên cao nhất cho mục tiêu phòng, chống dịch, đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết.

Trao đổi với Phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, PGS.TS. Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, đại biểu Quốc hội khoá XIII đánh giá rất cao sự chỉ đạo của Chính phủ bằng các giải pháp mạnh mẽ, quyết liệt, hiệu quả hơn để ngăn chặn, kiềm chế, đẩy lùi dịch bệnh trong thời gian vừa qua.

Nghị quyết số 78 của Chính phủ về chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 ban hành rất đúng thời điểm, thích hợp trong điều kiện vừa phòng chống dịch COVID-19, vừa đảm bảo đời sống của người dân, ưu tiên số 1 vẫn là sự an toàn của nhân dân.

Những quyết sách của Chính phủ đã tạo sự đồng lòng nhất trí của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong công tác phòng, chống dịch, ngày càng củng cố niềm tin vững chắc của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.  

leftcenterrightdel
PGS.TS. Bùi Thị An. Ảnh: Thanh Bình. 

Cũng theo PGS.TS. Bùi Thị An, Nghị quyết đưa ra trong bối cảnh rất kịp thời, cần thiết, cách thức chỉ đạo rất linh hoạt đối với từng địa phương, chứ không cứng nhắc.

Điều này cho thấy tầm nhìn xa, dài hạn, chủ động của Chính phủ trước diễn biến dịch bệnh phức tạp trong nước và khu vực.

Nghị quyết đã thể hiện rõ những phải pháp để chủ động tấn công dịch, không để bị động và có các phương án để sớm ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

PGS.TS. Bùi Thị An cũng đánh giá rất cao khâu chỉ đạo rất kịp thời, linh động đối với các địa phương đang phải chống chọi với dịch bệnh.

“Để thực hiện mục tiêu thành công, Nghị quyết đi vào cuộc sống, tuyên truyền để người dân nghiêm chỉnh thực hiện, có ý thức chống dịch như chống giặc thì chắc chắn cuộc chiến chống COVID-19 của chúng ta sẽ thành công.

Bởi vậy, vai trò của chính quyền cấp cơ sở rất quan trọng trong công tác tuyên truyền để làm sao nhân dân đồng lòng, đồng thuận, đoàn kết cùng cả hệ thống chính trị sớm đẩy lùi dịch bệnh”, PGS.TS. Bùi Thị An nói.

leftcenterrightdel
 Nhà xã hội học Đậu Xuân Thoan. Ảnh: NVCC.

Đồng quan điểm, Nhà xã hội học Đậu Xuân Thoan, Phó Viện trưởng Viện Khoa học phát triển tài sản trí tuệ (IPDI) cho rằng, Nghị quyết số 78 của Chính phủ chuyên đề về phòng, chống dịch COVID-19 ban hành rất kịp thời trong thời điểm tình hình dịch bệnh diễn biến hết sức phức tạp.

Một lần nữa tinh thần “chống dịch như chống giặc”, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc, sức khỏe của nhân dân, của cộng đồng lên trên hết, trước hết được thể hiện rõ trong Nghị quyết của Chính phủ.

Nhà xã hội học Đậu Xuân Thoan cũng cho hay, trong đợt dịch lần này, Chính phủ chỉ đạo rất quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Song song với việc chống dịch, Chính phủ cũng chỉ đạo rất sát thực tế, quan tâm đến đời sống nhân dân gặp khó khăn vì đại dịch từ gói hỗ trợ tiền đến việc cung cấp nhu yếu phẩm, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân, đặc biệt tại các địa phương thực hiện giãn cách.

Đầu tháng 7 vừa rồi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68 về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Khoản trợ cấp 26.000 tỉ đồng được Chính phủ đưa ra rất kịp thời, nhân văn, thiết thực, hợp lòng dân để hỗ trợ cho người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

“Nghị quyết số 68 đã mở rộng phạm vi, đối tượng được hỗ trợ, điều này cho thấy Chính phủ bám rất sát thực tiễn để đưa ra gói hỗ trợ đồng bộ, điều này thể hiện rất rõ tính nhân văn của chính sách, với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong đại dịch.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, những quyết sách của Chính phủ góp phần tạo thêm niềm tin, động lực đối với nhân dân, người lao động và doanh nghiệp trong cuộc chiến chống đại dịch”, ông Đậu Xuân Thoan nói.

10.647 bệnh nhân  được công bố khỏi bệnh

Về tình hình dịch COVID-19, tính đến sáng ngày 23/7, Việt Nam có tổng 78.269 ca mắc, trong đó có 2.129 ca nhập cảnh và 76.140 ca mắc trong nước.

Riêng trong sáng nay có 3.898 ca mắc mới ghi nhận trong nước tại TP Hồ Chí Minh (3.302), Long An (223), Đà Nẵng (47), Bình Dương (37), Tiền Giang (37), Tây Ninh (36), Đồng Nai (33), Đồng Tháp (31), Bình Thuận (23), Bến Tre (20), Ninh Thuận (19), Phú Yên (15), Hà Nội (14), Kiên Giang (13), Vĩnh Long (12), Nghệ An (11), Cần Thơ (10), Trà Vinh (9), Đắk Lắk (4), Quảng Nam (1), Lai Châu (1) trong đó có 191 ca trong cộng đồng.

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 74.570 ca, trong đó có 10.647 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Có 9/62 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Tổng số ca được điều trị khỏi: 13.421 ca. Số bệnh nhân nặng đang điều trị ICU: 131 ca. Số bệnh nhân nguy kịch đang điều trị ECMO: 17 ca.

Số lượng xét nghiệm từ 27/4/2021 đến nay đã thực hiện 4.905.725 xét nghiệm cho 13.572.520 lượt người.

Trong ngày có 43.720 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 4.411.659 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 4.077.099 liều, tiêm mũi 2 là 334.560 liều.

Nhằm giảm thiểu tỷ lệ tử vong, đảm bảo cứu chữa người bệnh COVID-19 kịp thời, Bộ Y tế dự kiến lập gần 30 trung tâm hồi sức tích cực của vùng và 5 trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 quốc gia đặt tại các bệnh viện Bạch Mai, Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Chợ Rẫy và Trung tâm hồi sức tích cực COVID-19 TP. Hồ Chí Minh, mỗi trung tâm có 500-1000 giường bệnh.

Về gói hỗ trợ 26.000 tỉ đồng theo Nghị quyết 68 của Chính phủ, dù tình dịch COVID-19 tấn công, song nhiều tỉnh, thành phía Nam như TP HCM, Đồng Nai… là những địa phương tích cực triển khai gói hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động gặp khó khăn. Các tỉnh, thành phía Bắc cũng nỗ lực triển khai gói hỗ trợ với tiêu chí đến đúng đối tượng và nhanh nhất.

 

Vũ Phương