Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai - TP Hà Nội:

Theo ước tính, để đầu tư cho 3 đặc khu chúng ta cần xấp xỉ khoảng 1.500.000 tỷ đồng. Vai trò của ngân sách nhà nước là bắt buộc. Chính vì vậy, bài toán đặt ra, phải đưa ra một phương án tài chính hợp lý. Trong tổng số nguồn lực ấy, nhà nước sẽ phải đầu tư bao nhiêu, tính khả thi của phương án huy động nguồn lực thực hiện, thời gian thực hiện. Có một nguyên tắc, mọi khoản chi đều phải có trong dự toán. Đó là nguyên tắc Hiến định. Chính vì vậy, đại biểu Mai cho rằng, các quy định của luật phải được đặt trong mối quan hệ tổng thể với kế hoạch tài chính trung hạn, kế hoạch đầu tư công trung hạn để đảm bảo tính khả thi.

leftcenterrightdel
 

Một điểm đáng lưu ý là theo báo cáo của tổ chức Oxfam thì các chính sách ưu đãi thuế của Việt Nam trong nhiều năm qua chưa thực sự đem lại hiệu quả đích thực. Theo báo cáo của Ngân hàng thế giới, 85% nhà đầu tư ngay trên chính lãnh thổ Việt Nam khi được phỏng vấn đều cho rằng vấn đề thuế chưa phải là vấn đề quan trọng họ quan tâm. Hiện nay kinh nghiệm quốc tế của nhiều nước trong quá trình phát triển đặc khu không đặt ra vấn đề thuế như là vấn đề tiên quyết. Vì vậy đại biểu Mai đề nghị rà soát để đảm bảo tính khả thi trong khi nguồn lực thực hiện có hạn.

Cũng theo đại biểu Mai, thì dự thảo nên bỏ quy định về giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với một số dịch vụ liên quan; dịch vụ kinh doanh casino, dịch vụ kinh doanh đặt cược, dịch vụ kinh doanh trò chơi điện tử. Mặc dù có tiếp thu phương án áp dụng mức thuế suất là 15%, mức thuế hiện hành là 35% nhưng ở đây không phải là miễn giảm ít hay nhiều mà là bản chất của thuế. Thuế tiêu thụ đặc biệt gánh trên mình nhiệm vụ là điều tiết tiêu dùng, định hướng tiêu dùng, chúng ta chỉ áp dụng theo lộ trình là tăng thuế tiêu thụ đặc biệt. Nhiều nước trên thế giới khi áp dụng chính sách ưu đãi cũng không áp dụng ưu đãi đối với thuế tiêu thụ đặc biệt. Đề nghị để phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo phù hợp bản chất thuế nên bỏ quy định miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Quảng Bình:                                      

Đồng tình với việc trong đơn vị hành chính đặc biệt cần có tổ chức Hội đồng nhân dân để thực hiện nhiệm vụ giám sát. Bởi theo đại biểu Phương quyền lực càng cao càng đặc biệt, mô hình loại mới và thường xuất hiện những cái nóng thì càng cần được kiểm tra giám sát quyền lực, không để tiềm ẩn những hậu quả nghiêm trọng, làm xấu đi một định hướng phát triển kinh tế quan trọng, làm mất đi niềm tin và ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội và làm suy thoái nền kinh tế của đất nước. Với đơn vị này nếu có gì sai phạm thì rất khó điều chỉnh, vì liên quan đến các doanh nghiệp của nhiều nước trên thế giới.

leftcenterrightdel
 

Cũng theo đại biểu Phương, cần phải xem xét, rà soát lại các điều luật để điều chỉnh giảm bớt quy định cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân và giao cho Ủy ban ủy quyền trách nhiệm cho Phó Chủ tịch và một số ban, ngành chuyên môn. Theo dự thảo quá nhiều nội dung Chủ tịch Ủy ban nhân dân ký, cấp quyết định, trong đó có những nội dung cụ thể như Chủ tịch Ủy ban đặc khu cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện đặc khu cấp, đổi giấy phép kinh doanh, cấp, đổi, thu hồi giấy phép thành lập và hoạt động của các chi nhánh văn phòng đại diện v.v... Chủ tịch Ủy ban nhân dân không thể có đầu óc điện tử để kiểm soát hết mọi vấn đề, việc gì Chủ tịch cũng ký thì không có thời gian để lo việc lớn. Theo như dự thảo thì vị trí Chủ tịch rất dễ bị vi phạm khuyết điểm. 100 việc làm tốt, chỉ cần 1 việc làm sai thì đã không còn gì nữa rồi, cho nên rất nguy hiểm.

Theo đại biểu Phương, về chức năng bộ máy chính quyền, như nhiệm vụ Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân không nhất thiết phải nêu tất cả các nội dung vào luật, vì đã có quy định của luật chính quyền địa phương, nên trong luật, để ngắn gọn, chỉ nêu những vấn đề mang tính đặc biệt.

Đại biểu Võ Đình Tín - Đắk Nông:

Trong dự thảo luật này có nhiều quy định trao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu được quyết định một số vấn đề nội dung quan trọng mà thông thường thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân theo chế độ tập thể. Trong đó có những nhiệm vụ phải ban hành văn bản quy phạm pháp luật, việc quy định trên là xung đột với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015. Mặt khác, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 hiện hành không có quy định về văn bản quy phạm pháp luật của chính quyền địa phương ở đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Do đó, đại biểu Tín đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu có quy định bổ sung cho phù hợp.

leftcenterrightdel
 

Góp ý vào khoản 2 Điều 14 quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch được thực hiện theo thẩm quyền trình tự thủ tục lập quy hoạch quy định tại luật này, đại biểu Tín đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu quy định lại cho thống nhất với quy định tại khoản 1 và 2 Điều 10 của dự thảo luật nhằm đơn giản hóa quy trình thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tránh trường hợp việc điều chỉnh quy hoạch phải giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, vừa mất thời gian, vừa mất tính chủ động và vai trò của Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu.

Về thành lập tổ chức kinh tế đặc biệt tại đặc khu, khoản 5 Điều 19 quy định tổ chức kinh tế quy định tại khoản 2 điều này chỉ thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh ngoài phạm vi đặc khu sau khi có ít nhất một dự án đầu tư tại đặc khu được triển khai thực hiện. Đại biểu Tín khuyến nghị cơ quan soạn thảo cần tính đến khung pháp lý của quy định hoạt động triển khai dự án đến giai đoạn nào, những điều kiện về chất lượng, hiệu quả, tính khả thi việc triển khai dự án tại đặc khu của tổ chức kinh tế đó.

Bên cạnh đó, đại biểu Tín còn chỉ ra vấn đề bất cập về nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Tại điểm d khoản 2 Điều 83 quy định quyết định việc phân cấp, ủy quyền cho chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ngoài những nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại luật này. Theo quy định trên Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có quyền phân cấp cho chính quyền địa phương ở đặc khu thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Trong khi tại khoản 2 Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định việc phân cấp phải được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước phân cấp và trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật, do đó nội dung này không phù hợp với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy - Bắc Kạn:

Về các cơ quan tư pháp trong dự thảo luật, dự thảo đã được chỉnh lý theo hướng đối với các vụ án dân sự thì tăng cơ bản thẩm quyền cho tòa án đặc khu. Theo đó, hầu hết các vụ án đang thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án cấp tỉnh hiện nay sẽ được chuyển xuống cho tòa án đặc khu giải quyết. Đối với các vụ án hình sự thì dự thảo quy định Tòa án đặc khu có thẩm quyền xét xử các tội phạm đến 15 năm tù. Đại biểu Thủy cho rằng, quy định như trên phù hợp.

leftcenterrightdel
 

Tuy nhiên, đối với các vụ án hành chính nói nôm na các vụ án dân kiện chính quyền thì dự thảo cơ bản không tăng thẩm quyền cho tòa án đặc khu mà giữ như thẩm quyền của tòa án cấp huyện hiện nay. Theo đó mọi khiếu kiện của người dân đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đặc khu sẽ do tòa án cấp tỉnh giải quyết, tòa án đặc khu không có thẩm quyền giải quyết loại việc này. Đại biểu Thuỷ đề nghị xem xét quy định này ở nhiều khía cạnh.

Cùng với sự phát triển năng động của các đặc khu thì cũng dự báo sự gia tăng lớn các vụ án dân sự, các vụ án hành chính, nhất là các vụ án liên quan đến đất đai, giải phóng mặt bằng, bồi thường dự án v.v... Theo số liệu thống kê trong 3 năm từ 2015 tới nay số lượng các quyết định hành chính, hành vi hành chính của Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện bị khiếu kiện đến tòa tăng mạnh. Trong 3 đơn vị mà Quốc hội đang thảo luận ngày hôm nay thì đáng lưu ý của huyện Phú Quốc tăng gần gấp 2 lần.

Trong khi đó dự thảo chỉ đặt vấn đề tăng thẩm quyền cho Tòa án đặc khu đối với các vụ án dân sự, không tăng thẩm quyền đối với các vụ án hành chính và điều này sẽ dẫn đến một thực tế là với các vụ án dân sự thì tòa án đặc khu thậm chí có cả quyền giải quyết các vụ án liên quan đến bắt giữ tàu bay quốc tế là loại việc rất phức tạp. Trong khi đó, với các vụ án hành chính tòa án đặc khu lại không có cả quyền giải quyết các khiếu kiện đối với Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân đồng cấp hành chính với mình.

Bên cạnh đó, theo đại biểu Thủy nếu lấy lý do cho rằng việc giao cho Tòa án đặc khu thẩm quyền giải quyết các vụ án, các khiếu kiện đối với Ủy ban nhân dân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp có thể sẽ ảnh hưởng tới tính vô tư khách quan thì sẽ không thể giải thích được việc, pháp luật hiện hành cũng đang giao cho 63 Tòa án cấp tỉnh giải quyết các khiếu kiện đối với Ủy ban nhân và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và lập luận này cũng chưa phù hợp với chủ trương của Đảng tại Văn kiện Đại hội XII và Nghị quyết Trung ương số 11, đó là cho phép thực hiện thể chế vượt trội để tạo cực tăng trưởng và thử nghiệm đổi mới tổ chức bộ máy, trong đó có bộ máy các cơ quan tư pháp.

                                                                                                                                              Nhóm PV