    |
 |
Quang cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 5/5. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng GDP cao trên thế giới
Trình bày Báo cáo, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ, năm 2024, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức, nhờ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp và Nhân dân cả nước dưới sự lãnh đạo của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta tiếp tục phục hồi rõ nét, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực, nhất là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát, không để đời sống nhân dân bị ảnh hưởng…
    |
 |
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày báo cáo. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Theo đó, năm 2024, đã hoàn thành vượt và đạt 15/15 chỉ tiêu kinh tế xã hội, cao hơn 1 chỉ tiêu so với số đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (đã báo cáo vượt và đạt 14/15 chỉ tiêu). Kinh tế vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được đảm bảo; bội chi, nợ công được kiểm soát, kinh tế phục hồi mạnh mẽ. Tốc độ tăng GDP đạt 7,09% (đã báo cáo ước đạt 6,8-7%), cao nhất trong khu vực và thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng cao trên thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên 476,3 tỉ USD, tăng ba bậc vươn lên vị trí thứ 32 trên thế giới.
Đáng chú ý, năng suất lao động ước tăng 5,88% (đã báo cáo ước khoảng 5,56%); xuất siêu đạt 24,77 tỉ USD (đã báo cáo đạt gần 20,8 tỉ USD); GDP bình quân đầu người đạt 4.700 USD (tiếp cận ngưỡng thu nhập trung bình cao); lạm phát được kiểm soát ở mức 3,63%; thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất cho vay tiếp tục giảm; thu ngân sách nhà nước đạt kỷ lục trên 2 triệu tỉ đồng, tăng 20,1% so với dự toán…
Đồng thời, đổi mới tư duy công tác xây dựng và hoàn thiện thể chế, góp phần tháo gỡ điểm nghẽn, khơi thông nguồn lực, phát triển kinh tế đất nước. Thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, giảm chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp. Hệ thống kết cấu hạ tầng có bước đột phá, nhất là hạ tầng giao thông, viễn thông, tạo cơ hội phát triển mới. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được tăng cường, chủ quyền quốc gia được giữ vững; đối ngoại và hội nhập quốc tế được đẩy mạnh…
Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm 2025
Về tình hình thực hiện kết hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2025, Thủ tướng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình thế giới có nhiều biến động phức tạp, khó khăn… Trong bối cảnh đó, thực hiện các kết luận, nghị quyết của Trung ương và Quốc hội, với tinh thần kỷ cương, chủ động, trách nhiệm, kịp thời, tăng tốc, bứt phá, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ ngành, địa phương thực hiện triển khai đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực trọng tâm như: thực hiện việc tinh gọn, sắp xếp tổ chức bộ máy, đảm bảo hoạt động thông suốt; tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp, xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp và hàng loạt các văn bản pháp luật kèm theo.
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia…
Tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) Quý I/2025 ước đạt 6,93% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức tăng cao nhất so với Quý I các năm trong giai đoạn 2020-2025. Nhiều địa phương có mức tăng trưởng 2 con số trong 4 tháng đầu năm nay. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng tín dụng tích cực. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) Quý I/2025 tăng 3,22%, tạo dư địa cho điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách vi mô.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã thẳng thắn chỉ rõ những tồn tại, hạn chế như hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, nhất là phát triển doanh nghiệp; giải ngân vốn đầu tư công còn thấp; sức mua trong nước phục hồi nhưng còn chậm; xuất khẩu còn phụ thuộc nhiều vào FDI do chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ; thị trường bất động sản vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Công tác phân tích dự báo và phản ứng chính sách có lúc chưa kịp thời, hiệu quả. Một bộ phân cán bộ công chức năng lực chưa đạt yêu cầu, chưa quyết liệt, sâu sát, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm…
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Từ những tồn tại, hạn chế, Thủ tướng đề nghị các bộ ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra trong các lĩnh vực một cách đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, theo dõi sát tình hình quốc tế, trong nước, chủ động dự báo và có phản ứng chính sách linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, nhất là đối với chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ. Ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế.
Cùng với đó, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính ngân sách, mở rộng cơ sở thu, thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu, nhất là thông qua thu thuế điện tử khởi tạo từ máy tính tiền; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước trên 15%, điều chỉnh bội chi ngân sách lên mức 4 - 4,5% GDP; tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên để tăng chi cho đầu tư phát triển. Thực hiện tốt các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và lệ phí.
Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng, hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; điều tiết tỷ giá lãi suất phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế. Nâng cao chất lượng tín dụng, hướng vào sản xuất kinh doanh của lĩnh vực ưu tiên, nhất là hạ tầng chiến lược. Khẩn trương triển khai hiệu quả gói ứng dụng ưu đãi dài dạn cho đầu tư hạ tầng chiến lược, công nghệ số; mở rộng phạm vi đối tượng tham gia gói tín dụng ưu đãi đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, đồ gỗ, nhà ở cho người trẻ, người có thu nhập thấp…
Vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi cho biết, năm 2024, kinh tế - xã hội nước ta phục hồi tích cực, đạt toàn bộ 15/15 chỉ tiêu chủ yếu, tạo chuyển biến toàn diện trên các lĩnh vực. Những tháng đầu năm 2025, kinh tế vĩ mô ổn định; lạm phát được kiểm soát; công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch tăng trưởng tích cực; thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục khởi sắc; khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh…
    |
 |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo thẩm tra. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số khó khăn, thách thức cần tập trung khắc phục, đó là: tăng trưởng kinh tế quý I/2025 chưa đạt kịch bản đề ra, gây áp lực lên công tác điều hành nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm từ 8% trở lên; tiến độ giải ngân đầu tư công đã có chuyển biến nhưng nhìn chung vẫn chưa đạt kỳ vọng (đến hết tháng 3 đạt 9,53% kế hoạch thấp hơn so với mức 12,27% của cùng kỳ năm 2024), xuất khẩu hàng hóa có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại; khu vực FDI vẫn đóng vai trò chủ lực…
Bên cạnh đó, công tác xây dựng pháp luật còn một số mặt cần tiếp tục hoàn thiện để bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và phù hợp với thực tiễn. Cải cách thủ tục hành chính tuy đã đạt được một số kết quả bước đầu nhưng vẫn còn khoảng cách so với yêu cầu đặt ra; một số quy định hiện hành vẫn gây khó khăn nhất định cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân.
Ngoài ra, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là các vụ việc liên quan đến sữa giả, thuốc giả và giá đỗ ngâm hóa chất, gây bức xúc xã hội và đe dọa sức khỏe cộng đồng. Một số vấn đề về an sinh xã hội, trật tự an toàn xã hội cũng cần tiếp tục được quan tâm, xử lý kịp thời…
    |
 |
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: VPQH cung cấp. |
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi, để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt từ 8% trở lên, tạo nền tảng vững chắc cho giai đoạn tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo, Chính phủ cần tiếp tục bám sát, phân tích kịp thời diễn biến kinh tế thế giới, chính sách của các nền kinh tế lớn, xu thế chuyển dịch toàn cầu để chủ động điều hành, củng cố nội lực, giữ vững ổn định vĩ mô, nâng cao sức chống chịu trong bối cảnh bất định.
Bên cạnh đó, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực mới (chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số); ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát trong mục tiêu đề ra; điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, gắn với chính sách tài khóa mở rộng có trọng tâm, trọng điểm để hỗ trợ tăng trưởng…
Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai chủ động, toàn diện công tác đối ngoại, đặc biệt là đối ngoại kinh tế; nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới để phục vụ phát triển kinh tế - xã hội…