Nghị quyết tán thành nội dung Báo cáo kết quả giám sát số 08/BC-ĐGS ngày 12/10/2017 của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016.

Nghị quyết nêu rõ, việc tiếp tục cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả trong thời gian tới phải được tiến hành toàn diện, đồng bộ với đổi mới hệ thống chính trị, có lộ trình cụ thể, gắn với cải cách thủ tục hành chính, tinh giản biên chế, cải cách tiền lương. Trong đó tập trung vào các nhiệm vụ, giải pháp: Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước, bảo đảm đồng bộ, đầy đủ, kịp thời, hiệu quả. Khẩn trương rà soát để sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước và quản lý biên chế, đặc biệt là Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức.

Không lồng ghép các quy định về tổ chức bộ máy, biên chế vào các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không thuộc lĩnh vực tổ chức bộ máy Nhà nước; trường hợp cần thiết thì phải có quy trình thẩm định, thẩm tra, đánh giá tác động chặt chẽ để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, quyết định.

Về tiếp tục rà soát điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước, Nghị quyết nêu rõ: Rà soát, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ, của từng cấp chính quyền địa phương nhằm khắc phục tình trạng cắt khúc, chồng chéo hoặc bỏ trống nhiệm vụ trong quản lý Nhà nước, bảo đảm sự liên thông, đồng bộ, thống nhất, gắn kết chặt chẽ giữa các bộ phận; thực hiện có hiệu quả nguyên tắc một cơ quan thực hiện nhiều việc nhưng một việc chỉ giao cho một cơ quan chủ trì thực hiện và chịu trách nhiệm chính. Phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tập thể, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.

Đẩy mạnh phân quyền, phân cấp trong quản lý Nhà nước giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với các bộ, cơ quan ngang bộ, chính quyền địa phương và giữa chính quyền cấp trên với chính quyền cấp dưới; giao quyền chủ động cho cấp dưới, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đồng thời tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực hiệu quả.

Rà soát, chuyển một số nhiệm vụ mà các bộ, ngành, cơ quan Nhà nước không cần thiết phải thực hiện cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đảm nhận. Thực hiện lộ trình sắp xếp lại và giảm ở mức tối đa việc Nhà nước tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh tế thông qua các doanh nghiệp Nhà nước. Xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của chính quyền cấp xã. Xây dựng thôn, tổ dân phố thực sự là hình thức tự quản của cộng đồng dân cư, không làm thay nhiệm vụ của chính quyền cấp cơ sở.

Nghị quyết nhấn mạnh việc tiếp tục sắp xếp cơ cấu tổ chức các cơ quan trong bộ máy hành chính Nhà nước một cách tinh gọn với các tiêu chí cụ thể. Mô hình và quy mô tổ chức bộ máy phải phù hợp với tính chất, đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ của từng loại cơ quan, đơn vị, địa phương.

Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với biên chế giao năm 2015.

Tiếp tục thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tin học hóa quản lý hành chính Nhà nước, thực hiện Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, đổi mới phương thức làm việc, giảm hội họp, giảm giấy tờ hành chính, đáp ứng các điều kiện cần thiết khác cho công tác cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước.

Thường xuyên thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước; lấy kết quả thực hiện việc sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá sự tín nhiệm đối với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.

Nghị quyết cũng nêu rõ, Chính phủ chỉ đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND cấp tỉnh, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình khẩn trương rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và những văn bản do mình ban hành có những hạn chế, vướng mắc để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5 năm 2018), Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả rà soát. Đối với các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rõ về phạm vi, nội dung sửa đổi, bổ sung, bảo đảm yêu cầu về hồ sơ, thủ tục, thì báo cáo để Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Đối với các nội dung cần được tiếp tục tổng kết, nghiên cứu, thì phải xác định rõ lộ trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật tương ứng.

Trong năm 2018, Chính phủ hoàn thành việc ban hành các văn bản để làm cơ sở cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế. Chính phủ ban hành Chương trình hành động để thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Nguyễn Hoàng