leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp, chiều 27/11

Qua xem xét, thảo luận một cách kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 11 Luật, Bộ luật, 17 Nghị quyết với sự đồng thuận cao và cho ý kiến 10 dự án luật khác.

“Các luật, nghị quyết được thông qua là những cơ sở pháp lý quan trọng tiếp tục góp phần tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và hội nhập quốc tế; xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa, ổn định; đẩy mạnh cải cách bộ máy nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn; cải cách chế độ công chức, công vụ, nâng cao trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả phục vụ nhân dân”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Đồng thời, Quốc hội cũng đã thẳng thắn phân tích, chỉ rõ những khó khăn, thách thức, những bất cập, yếu kém của nền kinh tế và đề xuất nhiều giải pháp thiết thực để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

"Trước diễn biến trên thế giới và khu vực có nhiều biến động phức tạp, trong đó có tình hình Biển Đông, Quốc hội yêu cầu tiếp tục chủ động theo dõi sát tình hình thực tiễn để kịp thời có giải pháp ứng phó phù hợp với những vấn đề phát sinh; kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

leftcenterrightdel
 Toàn cảnh bế mạc phiên họp chiều nay 

Cũng tại kỳ họp này, lần đầu tiên, Quốc hội ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; tạo đột phá cho chính sách dân tộc nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của các vùng, miền và địa phương; phát huy tinh thần tự lực vươn lên của đồng bào, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển kinh tế - xã hội của các vùng này so với cả nước.

Theo Chủ tịch Quốc hội, với số lượng lớn các luật, nghị quyết được ban hành và nhiều nội dung quan trọng được xem xét tại kỳ họp đã tiếp tục khẳng định tính hiệu quả, nghiêm túc trong hoạt động nghị trường; sự nỗ lực, trách nhiệm của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị; sự đồng tâm, nhất trí, tâm huyết, trí tuệ của các vị đại biểu Quốc hội.

“Kết quả kỳ họp tạo niềm tin, sự phấn khởi, đoàn kết, nhưng đồng thời cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi phải nỗ lực nhiều hơn nữa để hoàn thành nhiệm vụ đã được Quốc hội giao.

Tại kỳ họp này, việc ứng dụng công nghệ thông tin tiếp tục được tăng cường, dần nâng cao tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và tiết kiệm trong hoạt động của Quốc hội”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân nói.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu làm Lễ Chào cờ, bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV

Ngay sau khi bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã chủ trì họp báo công bố kết quả Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khoá XIV.

Tại họp báo, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cùng Phó chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang đã trả lời nhiều câu hỏi của phóng viên các cơ quan thông tấn báo chí liên quan đến một số vấn đề trong các báo cáo về phát triển kinh tế- xã hội; dự toán ngân sách nhà nước; tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động (sửa đổi); an toàn, an ninh nguồn nước sạch, hoàn thiện hành lang pháp lý về quy định này; xử lý kỷ luật trong đối với công chức, viên chức, lộ trình khắc phục những khoảng trống pháp lý; việc lùi thời gian thông qua Luật Tổ chức Quốc hội( sửa đổi); công tác nhân sự đối với việc phân công phụ trách Bộ Y tế; ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học kỹ thuật trong việc hỗ trợ hoạt động của các đại biểu Quốc hội./.

Xuân Hưng