Tinh giản biên chế mới dừng ở việc giải quyết theo nguyện vọng cá nhân

Trình bày báo cáo tổng kết công tác năm 2017, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết, trong năm 2017, công tác cải cách hành chính (CCHC) được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo quyết liệt, toàn diện. Là cơ quan thường trực công tác CCHC, Bộ Nội vụ đã hướng dẫn các tỉnh, thành xây dựng và ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, xếp hạng kết quả CCHC hàng năm của các sở, ngành, quận, huyện. Hiện, nhiều địa phương đã ban hành Bộ tiêu chí đánh giá kết quả CCHC của cấp xã. Dự kiến trong quý 1/2018, Bộ Nội vụ sẽ công bố kết quả đo lường sự hài lòng của người dân và tổ chức tại 63 tỉnh, thành…

“Tính đến 31-12-2017, cả nước đã tinh giản biên chế được 33.459 người”, Theo Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cho biết. Bộ Nội vụ cũng đã kiểm tra việc quản lý, sử dụng biên chế, tuyển dụng công chức, viên chức và hợp đồng chuyên môn nghiệp vụ tại 5 tỉnh, thành. Đồng thời, năm 2017, Bộ Nội vụ đã thẩm định trình Chính phủ ban hành 21 nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ. Bên cạnh đó, thực hiện thẩm định số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập năm 2017 với 42 địa phương, trong năm 2018 với 21 địa phương. Về chính sách tiền lương, Bộ Nội vụ đang tiếp tục hoàn thiện Đề án cải cách chính sách tiền lương với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp, trình Hội nghị trung ương 7 khóa XII diễn ra vào tháng 5-2018.

Bên cạnh các kết quả nêu trên, Thứ trưởng Nguyễn Duy Thăng cũng cho biết, tiến độ xây dựng và ban hành một số văn bản, đề án còn chậm, chất lượng chưa cao; vẫn còn đề án, văn bản phải xin lùi, xin rút khỏi Chương trình công tác. Một số bộ, ngành, địa phương, thực hiện tinh giản biên chế chưa đúng mục tiêu, trình tự quy định. Việc tinh giản biên chế mới dừng ở việc giải quyết theo nguyện vọng cá nhân, chưa thể hiện trách nhiệm người đứng đầu và chưa căn cứ vào kết quả đánh giá, phân loại công chức, viên chức. “Công tác đề bạt, bổ nhiệm, quản lý, sử dụng, luân chuyển… cán bộ, công chức ở một số bộ, ngành, địa phương chưa đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Đáng quan tâm, kỷ luật, kỷ cương hành chính ở một số nơi còn lỏng lẻo”, ông Thăng nói.

Lập tổ công tác thanh tra công vụ

Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đánh giá Bộ Nội vụ triển khai tương đối toàn diện, trọng tâm các mảng công tác, đảm bảo những nhiệm vụ quan trọng. Những kết quả tích cực đóng góp cho sự phát triển, có ý nghĩa quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế quản lý Nhà nước góp phần xây dựng hệ thống hành chính tinh gọn, hiệu quả. Bộ Nội vụ đã chú trọng thể chế hóa chính sách tinh giản biên chế, bước đầu góp phần nâng cao chất lượng công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

leftcenterrightdel
 Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh, cần chủ động trong công tác kiểm tra, thanh tra công vụ theo chỉ đạo của Thủ tướng, yêu cầu Bộ Nội vụ khẩn trương thành lập tổ công tác về kiểm tra công vụ do Bộ trưởng Nội vụ làm tổ trưởng để thực hiện nhiệm vụ thanh tra công vụ. “Vừa qua có một số cán bộ đề bạt rất nhanh mà báo chí gọi là siêu tốc. Qua kiểm tra, phát hiện có nhiều vi phạm. Thế nên cần tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Bộ Nội vụ năm nay theo chỉ đạo của Thủ tướng, phải lập tổ công tác thanh tra công vụ do Bộ trưởng làm tổ trưởng”, ông Bình nói. Bộ phải chủ động trong công tác kiểm tra, thanh tra công vụ, kịp thời phát hiện phòng ngừa vi phạm trong công tác cán bộ; thành lập tổ công tác thanh tra công vụ, nhất là trong công tác đề bạt cán bộ. Ngoài ra, Phó thủ tướng chỉ đạo Bộ Nội vụ cần quyết liệt hơn nữa, rà soát chặt chẽ quy định biên chế, số lượng công chức viên chức công khai, minh bạch trong tuyển dụng, để thu hút người có đức có tài. Giảm tỷ lệ người phục vụ khối văn phòng, hành chính.

Tại Hội, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cho rằng, cần đánh giá lại hiệu quả thực tế của việc thi nâng ngạch công chức xem thực chất thế nào, có hình thức hay không và yêu cầu của việc thi nâng ngạch dựa trên tiêu chí gì. Có nhất thiết phải thi để rồi các địa phương kéo về Hà Nội thi hay không, trong khi chuyên viên ở các địa phương công việc rất nhiều? Có người kinh nghiệm thực tiễn rất giỏi nhưng khi thi lại rớt. Dư luận nói là có vấn đề tiêu cực này kia. Phó Thủ tướng nêu vấn đề, đồng thời đề nghị nghiên cứu theo hướng xây dựng hệ thống tiêu chí rõ ràng, khoa học về trình độ, đạo đức, kinh nghiệm, cống hiến để nâng ngạch. Theo Phó Thủ tướng, đã có tiêu chí rõ ràng thì áp vào, người có chức vụ thì gắn với tiêu chí nào để công nhận, người không có chức vụ nhưng có thâm niên hoàn thành nhiệm vụ theo niên hạn thì được nâng ngạch. Điều này là công khai, minh bạch, rõ ràng.

Đề cập đến nhiệm vụ xây dựng đề án cải cách chính sách tiền lương trình Hội nghị Trung ương 7 khoá XII của Đảng, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ phối hợp cùng bộ ngành liên quan nghiên cứu đánh giá kỹ để đề xuất, tham mưu. Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Tài chính, nghiên cứu đánh giá kỹ về đề xuất chế độ đặc thù: “Cần có chỉ tiêu rõ ràng, chứ không thể ngành nào cũng đặc thù, quan trọng như nhau”.

Đề cập vấn đề thi đua khen thưởng, Phó Thủ tướng lưu ý cần rút kinh nghiệm thời gian vừa qua để làm tốt hơn nữa, trong đó có nghiên cứu để sửa đổi luật nhằm thi đua khen thưởng đúng người, đúng thành tích, không cào bằng và không hình thức. “Thủ tục rườm rà cuối cùng ai đăng ký thì được, không đăng ký thì thôi, đăng ký rồi thì ai cũng đạt hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hết, còn chiến sĩ thi đua thì như nhau... Rồi năm nay anh nhường tôi năm sau tôi nhường anh. Đó không phải là thực chất. Anh hùng là phải có sử tích anh hùng, phải rõ ràng thành tích chứ tổng kết bao nhiêu việc làm của anh em khác, rồi của đơn vị người ta làm cuối cùng dồn cho một người thì không phải” – Phó Thủ tướng cho hay.

PV