Thảo luận về việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Bình Thuận) phát biểu, đa số khiếu kiện liên quan đến đất đai, thất thoát từ đất đai cũng là không nhỏ. Với chính sách giá đền bù mà các tỉnh ban hành hàng năm thì nhiều trường hợp sau khi bị thu hồi đất, người dân không thể mua nổi một căn nhà để ở, nhiều người dân không có đất phải đến các đô thị làm thuê, đi khai thác khoáng sản, phá rừng. Nhiều trường hợp doanh nghiệp nhận đất rồi phân lô bán nền với giá cao gấp hàng chục lần thì người dân bức xúc cũng là dễ hiểu.

leftcenterrightdel
Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương (Bình Thuận)

Đại biểu Nguyễn Sĩ Cương cũng cho rằng, việc thu hồi đất để giao cho doanh nghiệp cần thay đổi cả cơ chế quy định pháp luật, theo hướng doanh nghiệp thoả thuận với người dân, chính quyền không thu hồi thay cho doanh nghiệp và trước khi thu hồi cần lấy ý kiến người dân vì có trường hợp đất bị thu hồi mà người dân cũng không biết.

Đề cập tình trạng đất công và công sản bị bán rẻ, biến đất công thành đất tư, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng công tác quản lý tài sản công có nhiều thất thoát lãng phí lớn, thậm chí “làm phép” hưởng lợi khổng lồ trên tài sản công. Hình thức đổi đất lấy hạ tầng, theo đại biểu đã khiến một diện tích đất không nhỏ, trong đó có đất công ở những vị trí đắc địa rơi vào tay doanh nghiệp.

Những vụ việc nhập nhèm biến đất công thành đất tư, mua bán đất công với giá rẻ bị phanh phui ở một số địa phương trong thời gian gần đây đã chứng minh cho nhận định đó. Cũng theo đại biểu này, có những doanh nghiệp bên vực phá sản nhưng được một cơ chế nhờ quan hệ thân hữu với chính quyền và người có chức, có quyền nên được cung cấp một mảnh đất mà không thông qua đấu giá hay phương thức quy trình theo quy định, nhờ vậy mà lại phất lên. Hậu quả là ngân sách bị thất thoát rất lớn.

“Đất vàng”, “đất kim cương” được đổi nhiều khi chỉ để lấy trụ sở, thậm chí chỉ là cổng chào. Điều này là đáng lo ngại và báo chí nêu lên khá gay gắt” – đại biểu Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh và đề nghị Chính phủ quan tâm tăng cường quản lý để ngăn chặn những nguy cơ, hậu quả.

Còn theo đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An) thì tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, chưa bị đẩy lùi, những kết quả tích cực trong thời gian qua vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Theo đó, cử tri bức xúc cho rằng việc xử lý các đối tượng tham nhũng vẫn chưa đủ sức răn đe. Một số vụ việc kéo dài chưa nghiêm, đặc biệt là việc thu hồi tài sản đạt rất thấp, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Nhà nước và cho nhân dân.

leftcenterrightdel
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An)

Cũng theo đại biểu này, những vụ án tham nhũng, những vụ án sai phạm trong quản lý điều hành của cán bộ nhà nước và số tiền thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Cử tri đã so sánh, đa phần người nông dân, người lao động nông thôn một nắng hai sương, trồng rau hái quả, góp nhặt từng vài nghìn, vài chục nghìn đến vài trăm nghìn, có khi mất trắng do thiên tai dịch bệnh, v.v... Do đó, khi nghe đến những vụ án tham nhũng nghìn tỷ, những dự án đầu tư chục nghìn tỷ đồng để rồi đắp chiếu, hỏi làm sao người dân không chua sót, bức xúc cho được. Vậy nguyên nhân từ đâu, khi Đảng, Nhà nước ta đều quyết liệt như vậy trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Trong nhiều nguyên nhân, trong đó vấn đề về thể chế, Chính phủ đã đánh giá hiện nay thể chế chính sách về quản lý kinh tế - xã hội trên nhiều lĩnh vực vẫn còn không ít vướng mắc, bất cập. Công khai minh bạch đã có tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, là điều kiện dung dưỡng và làm nảy sinh tham nhũng, nhất là trên các lĩnh vực quản lý đất đai, đầu tư xây dựng, quản lý ngân sách, vốn nhà nước, công tác cán bộ, v.v... Khi phát sinh tham nhũng thì phần lớn tài sản đã bị tẩu tán, không kiểm soát và thu hồi được.

Do đó, đạ biểu Phan Thị Mỹ Dung đồng tình với những giải pháp phòng, chống tham nhũng trong thời gian tới mà Chính phủ đề ra. Trong đó, đặt lên hàng đầu là hoàn thiện thể chế mà cụ thể là Chính phủ đã trình Quốc hội sửa đổi toàn diện Luật Phòng, chống tham nhũng. Với những đề xuất mạnh mẽ, đột phá, các cơ sở pháp lý về thu hồi tài sản tham nhũng. Việc kê khai, công khai kiểm soát về tài sản thu nhập, đặc biệt là phải xử lý đối với người kê khai tài sản kê khai không trung thực, không giải trình được nguồn gốc của tài sản tăng thêm.

Cũng theo đại biểu này, việc sửa đổi Luật Phòng, chống tham nhũng đã kéo dài quá lâu, gần 3 năm. Kỳ họp thứ 5 lần này Quốc hội thống nhất chưa thông qua Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) để kéo dài thời gian lấy ý kiến và để có thời gian nghiên cứu tiếp thu, nhân dân đang kỳ vọng, đặt niềm tin, chúng ta cũng đang mong mỏi vào dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi). Do đó, đại biểu đề nghị đến kỳ họp thứ 6 không còn lý do nào nữa để chúng ta điều chỉnh thời gian thông qua luật sửa đổi và đưa luật vào thực thi ở thời gian sớm nhất có thể.

Cùng đề cập tới vấn đề ngăn chặn tiêu cực, tham nhũng, đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) cho rằng, trong nhiều giải pháp tạo động lực phát triển, đai biểu đánh giá cao công tác phòng, chống tham nhũng thời gian qua đạt kết quả quan trọng không chỉ tạo niềm tin cho người dân đảm bảo chấp hành quy định pháp luật nghiêm túc hơn. Việc đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng đã và đang xóa bỏ lực cản của sự phát triển.

leftcenterrightdel
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hoá) 

Ngoài ra công tác phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh góp phần vào đoàn kết dân tộc, đoàn kết nội bộ tạo sức mạnh cho sự phát triển, không lo việc "diệt chuột sợ làm vỡ bình". Tuy nhiên, đại biểu cũng băn khoăn về việc triển khai công tác thực hành chống lãng phí thời gian qua đã không thực hiện được một cách đồng bộ, nghiêm túc, kịp thời ở một số ngành, một số địa phương, cơ quan, đơn vị như mong đợi. Làm ảnh hưởng đến hiệu lực và hiệu quả thực thi pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đơn cử như có 6/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 6/63 tỉnh, thành phố và 9/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không xây dựng chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Đến tháng 4 năm 2018 có 16/34 bộ, cơ quan ngang bộ, 17/63 tỉnh, thành phố, 16/23 tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước không báo cáo chương trình thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí năm 2018 của đơn vị mình để tổng hợp báo cáo với Quốc hội. Điều đó cho thấy việc tuân thủ các quy định của Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng như chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Chính phủ đã không được thực hiện nghiêm túc.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường giải trình trước Quốc hội

Cũng theo đại biểu Mai Sỹ Diến, tình trạng vi phạm chính sách pháp luật về đất đai, khai thác khoáng sản, khai thác cát, đá gây thất thoát nguồn tài nguyên khoáng sản quốc gia và gây nhiều khiếu kiện trong nhân dân. Pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng bị vi phạm, ở một số nơi có biểu hiện thách thức pháp luật và có sự tiếp tay của người có trách nhiệm bảo vệ rừng, gây thất thoát tài nguyên và lãng phí nhiều nguồn lực để khắc phục.

Từ những tồn tại trên, đại biểu Quốc hội đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xem xét kết luận việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí nhằm chấn chỉnh và xử lý cơ quan, đơn vị chưa quyết liệt trong công tác chỉ đạo và triển khai thực hiện. Đại biểu Mai Sỹ Diến cho rằng cần siết chặt quản lý tài sản công, định giá doanh nghiệp trong cổ phần hoá, ngăn chặn có hiệu quả việc cố tình làm trái quy định hoặc lợi dụng sơ hở của pháp luật để trục lợi trong quản lý đất đai, ngân sách của một số lãnh đạo cán bộ công chức và doanh nghiệp.

“Đây là vấn đề cấp bách. Thất thoát kinh phí nguồn lực của Nhà nước chảy vào túi của một số cá nhân là đây. Tiêu cực, tham nhũng, mất đoàn kết, mất cán bộ cũng là đây” – ông Mai Sỹ Diến nói và nhấn mạnh điều quan trọng là tính toán được tỷ lệ thất thoát so với GDP hàng năm để cảnh báo và đưa ra giải pháp đầy đủ về thực hiện thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các cơ quan chức năng.

Xuân Hưng