Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, một số ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương cùng đông đảo những người làm công tác nhiếp ảnh cả nước.

Cách đây tròn 70 năm, ngày 15/3/1953, tại Khu Đồi Cọ thuộc xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, trở thành mốc son hết sức quan trọng đánh dấu sự phát triển, định rõ hướng đi cho nhiếp ảnh, đồng thời tạo nền móng cho sự phát triển rực rỡ sau này của hai ngành nhiếp ảnh và điện ảnh của Việt Nam, và ngày 15/3 hàng năm đã trở thành Ngày Truyền thống Nhiếp ảnh Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại buổi Lễ.

Trong suốt chặng đường phát triển và trưởng thành, nhiếp ảnh Việt Nam đã có nhiều đóng góp to lớn với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Ống kính của các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã để lại một pho sử bằng ảnh quý giá, đầy tự hào về chặng đường đấu tranh giành độc lập và đổi mới, đi lên của đất nước.

Hàng ngàn nghệ sĩ và các nhà hoạt động nhiếp ảnh trên khắp mọi miền đất nước, từ thế hệ các nhà nhiếp ảnh lão thành, các nghệ sĩ - phóng viên chiến trường, các nhà nhiếp ảnh trong thời kỳ đổi mới đã dành trọn tâm huyết, tài năng, trí tuệ xây dựng nền nhiếp ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Hàng triệu bức ảnh đã được công bố trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài nước từ năm 1953 đến nay, những bức ảnh tư liệu, nghệ thuật, báo chí đang lưu giữ trong các bảo tàng Trung ương và địa phương; các ngành văn hóa, kinh tế, xã hội; trong các triển lãm, sách ảnh, báo chí là công sức lao động, sáng tạo của nhiều thế hệ các nhà nhiếp ảnh Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu dự buổi Lễ.

Nhờ những đóng góp to lớn đó, Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam và nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng các danh hiệu, phần thưởng cao quý; hàng ngàn tác phẩm được trao các giải thưởng lớn tại các cuộc thi ảnh uy tín trong nước cũng như quốc tế.

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chúc mừng và biểu dương những thành tích mà những người làm công tác nhiếp ảnh Việt Nam đạt được trong suốt 70 năm qua, khẳng định nhiếp ảnh Việt Nam đã ghi những bước phát triển ấn tượng, có nhiều đóng góp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Trần Thị Thu Đông, Chủ tịch Hội nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam phát biểu tại buổi lễ.

“Nhiếp ảnh Cách mạng Việt Nam đã tạo nên một pho sử bằng vàng thông qua những hình ảnh vô cùng quý giá về đất nước, con người Việt Nam trong chiến đấu và trong lao động sản xuất, góp phần lan tỏa những giá trị tốt đẹp của con người, của dân tộc Việt Nam không chỉ trong nước mà còn với bạn bè quốc tế”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa phát biểu.

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, mỗi thời khắc quan trọng của đất nước, của dân tộc đều có sự song hành của các nghệ sĩ, các nhà nhiếp ảnh, đặc biệt là các thế hệ nghệ sĩ nhiếp ảnh kháng chiến, bởi họ là những nhân chứng lịch sử, trực tiếp cầm máy ảnh ra mặt trận như những chiến sĩ cầm súng chiến đấu, để ghi lại những hình ảnh hùng tráng của quân và dân ta. Nhiều nghệ sĩ nhiếp ảnh đã anh dũng hi sinh trên các chiến trường, tô thắm thêm màu đỏ của lá cờ Tổ quốc, để lại những bức ảnh có giá trị vĩnh cửu, sống mãi với thời gian.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm cùng các thế hệ nghệ sĩ Nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.

Tiếp nối truyền thống tốt đẹp đó, thời gian tới, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị những người làm công tác nhiếp ảnh cả nước, với nòng cốt là Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam, tiếp tục đổi mới để tiếp cận gần hơn với công chúng; đồng thời tích cực mở rộng tầm ảnh hưởng, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam tới đông đảo bạn bè quốc tế.

Theo đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, nhiếp ảnh chính là ngôn ngữ không biên giới; nhiều bức ảnh đẹp là bằng chứng sinh động, dễ tiếp cận và có thể lay động hàng triệu trái tim. Bởi vậy, nhiếp ảnh cần mang hơi thở của cuộc sống xã hội, chứa đựng giá trị nhân văn sâu sắc, có trách nhiệm với công chúng và những người yêu nghệ thuật nhiếp ảnh.

“Mỗi bức ảnh phải là một thông điệp có giá trị “chân – thiện – mỹ”, góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân; tiếp tục phản ánh chân thực quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ.

Thiện Nhân