Sáng nay, nghe tin ông mất, tôi buồn lắm, gọi điện cho mấy ông bạn lính để cùng chia sẻ, rồi ngồi nghĩ miên man về ông…

Tôi trực tiếp gặp ông vào một buổi tối cuối năm 1974, tại căn cứ Ba Lòng – Thủ phủ của Quân đoàn 2 ngày đầu thành lập. Ông mới được điều chuyển từ thủ trưởng một đơn vị trực tiếp chiến đấu lên Quân khu, rồi chuyển sang làm Chủ nhiệm chính trị Quân đoàn. Tuy gặp lần đầu, nhưng những cái tên “Siêu chiến trận” trên chiến trường B4 thì không chỉ có tôi, mà bất cứ người lính Trị - Thiên nào cũng biết. Đó là: Lê Khả Phiêu, Chu Phương Đới, Hoàng Đan, Ma Vĩnh Lan, Tăng Văn Miêu, Khánh Lửa, Thân Trọng Một…

Kết thúc buổi giao ban của Cục sáng đó, ông vỗ vai tôi, bảo: “ Tối nay các cậu sang tớ chơi ”. Tối đến, tôi và anh bạn Phùng Huy Thịnh ( cùng là phóng viên báo Chiến Sĩ Giải Phóng ) soi “ đèn pin hạt đỗ” theo đường rừng đến nhà ông. Gọi là nhà cho oai, chứ thực chất là một căn hầm thùng rộng khoảng 8m2, kết nối phía sau là căn hầm trú ẩn chữ A chìm vào sườn đồi. Cách đó không xa là “ Bến đò Tư Lệnh”, có mấy chiến sĩ vệ binh vừa bảo vệ, vừa chở đò cho bộ đội đi làm nhiêm vụ qua sông Ba Lòng.

leftcenterrightdel
 Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu (lúc đó là Thiếu tướng, Chủ nhiệm Chính trị Mặt trận Quân tình nguyện Việt Nam tại Campuchia) trong một chuyến công tác tại vùng núi phía Bắc Campuchia năm 1986. Ảnh tư liệu QĐND.

Lập lòe trong ánh lửa rừng từ bếp củi cụm trong hầm thùng rừng đông lạnh, tôi cảm nhận rõ nhất là đôi mắt long lanh như hai đốm lửa bừng lên trên gương mặt gầy xạm của người lính đã giãi dầu, xông pha trận mạc. Ông cười tươi bảo: “Chúng mình vào đây!”. Chẳng để ông mời mọc cầu kỳ, chúng tôi tràn quanh bếp lửa. Cũng chẳng nhớ ông lôi ra từ đâu mấy củ sắn tầu to bằng ống điếu cầy, vừa chia cho tôi và Huy Thịnh mỗi người một củ, ông vừa nói: “ Sâm đấy, mời khách quí”. Thế là ba thầy trò ngồi xoay quanh bếp lửa bập bùng, lôi dao găm ra bóc vỏ sắn nướng lùi.

Tôi chợt nhớ buổi sáng sau cuộc họp giao ban, đồng chí Trưởng ban Cán bộ đã phát theo tiêu chuẩn bồi dưỡng cho cán bộ cao cấp một hộp sâm, ông nhận xong, gửi xuống cho các chiến sĩ bị thương đang điều trị tại Viện 24. Vừa trao gửi hộp sâm, ông vừa cười đùa: “Cuốc xẻng, súng đạn cấp phát từ dưới lên, sâm nhung, đường sữa cấp phát từ trên xuống”. Mọi người cười vang, rồi số cán bộ cao cấp đều làm theo ông, vui vẻ tập trung số sâm vừa được phát để gửi xuống bệnh viện tặng thương binh. Ngồi đối diện trực tiếp với ông, nghĩ về chuyện hộp sâm buổi sáng, lòng tôi day dứt, băn khoăn. Ông gầy hạc phờ thế kia mà…

Cuộc nướng sắn thật thú vị. Tôi và Huy Thịnh đều háu ăn, thời chiến trường đói kém nên chỉ cạo vỏ sơ sơ rồi tống luôn vào sắn vào đống lửa than rừng rực. Chỉ tí xíu thời gian là vỏ sắn đã nứt toác, cháy đen sì. Chúng tôi khều sắn ra, vừa thổi phù phù, vừa ăn ngon lành, miệng nhem nhuốc than tro. Còn ông, ông chậm rãi tách vỏ, cạo sạch nhớt bên ngoài, rồi lấy giấy báo cũ cuốn tròn nhiều lớp. Ông dựng củ sắn nghiêng nghiêng bên bếp, rồi thỉnh thoảng xoay chiều cho chín đều. Chúng tôi ăn xong, đi rửa miệng, rồi tu nước ừng ực, quay vào thấy ông vẫn ngồi xoay sắn nướng.

leftcenterrightdel
 Nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu gặp lại đồng đội cũ. Ảnh TTXVN

Chuyện trò hồi lâu, ông mới lấy sắn, bóc các lớp giấy báo ra. Chu cha! Củ sắn vẫn trắng tinh, thơm nức. Ông bửa ra thành mấy khúc, bảo: “Chúng mình ăn đi!”.  Chúng tôi thèm lắm, nhưng nhìn nhau, rồi cả hai khăng khăng từ chối:“Chúng em no lắm rồi, Thủ trưởng ơi…!”. Rồi ông hỏi Huy Thịnh về tình hình bộ đội ở Sư đoàn 325, hỏi tôi về trận đánh Thượng Đức – “Mắt Rồng” mà Trung đoàn 3 của chúng tôi vừa đánh thắng. Thú thật, hồi đó tôi là lính trận lên làm báo, chả biết nhiều về tầm chiến lược, chiến thuật của các trận đánh, nên cứ vô tư, toang toác say sưa kể về gian khổ, sự ác liệt, hy sinh, dũng cảm chiến đấu của đồng đội với lính dù địch. Ông ngồi yên lặng lắng nghe, đến khi tôi nhận ra gương mặt ông chùng xuống, đôi mắt rơm rớm, mới chột dạ chững lại…!

Đêm ấy, tôi trằn trọc, thao thức một hồi lâu nghĩ về ông, nghĩ về chuyện hộp sâm ông nhường cho lính bị thương, nghĩ về đức tính kiên trì, chan hòa, gần gũi khi ngồi nướng sắn, nghĩ về đôi mắt rơm rớm lệ của ông…!

Chiến dịch giải phóng Miền Nam đầu năm 1975 thôi thúc, người lính nào cũng háo hức hướng theo tiếng súng. Cánh phóng viên chúng tôi lòng sôi sùng sục. Tôi xin Cục được đi theo Sư đoàn 324 (Đơn vị cũ của tôi), mũi tiến công cắt đường một tại phía Núi Bông, Núi Nghệ, Động Truồi, La Sơn, Nam Huế. Chuẩn bị chia tay đi chiến dịch, tôi được Ban quân giới phát cho khẩu súng ngắn K59.

leftcenterrightdel
 Đoàn cán bộ cấp cao đi kiểm tra chiến trường Tây Nam trên máy bay của Trung đoàn 918 trong đó có Tướng Lê Khả Phiêu (áo đen, phía bên phải ảnh, lúc đó đang mang hàm Thượng tá). Ảnh Kienthuc.net

Ông sang thăm anh em trước ngày đi, nhìn tôi đang lách cách cài dây lưng đeo khẩu súng ngắn trễ mông, ông cười, bảo: “Cái tỏi gà này nhằm nhò gì, bắn đuổi ruồi thôi, khi về đến đơn vị, cậu nhớ đề nghị xin nhận khẩu AK…”. Chừng ấy thôi, tôi đã cảm nhận được thông điệp từ ông: Những trận chiến đấu sắp tới sẽ vô cùng gay go, quyết liệt, sứ mệnh phóng viên không chỉ là cầm bút, mà phải cầm súng nữa. Cũng từ buổi chia tay, Cục chính tri Quân đoàn tỏa đi theo nhiều mũi tiến công địch, cho đến ngày giải phóng Sài Gòn, do tính chất công việc nên tôi không có điều kiện để được gặp lại ông.

Cho đến một sáng chủ nhật thời bao cấp, cuối những năm tám mươi của thế kỷ trước, tại nhà tập thể VKSND Tối cao 108, Trần Hưng Đạo, tôi đang ngồi chơi với con trai, thì có ai đó gọi với từ dưới sân lên thông báo tôi có khách tìm. Từ gác ba ngó xuống, tôi thấy một người đàn ông lớn tuổi, mặc thường phục, đầu đội chiếc mũ cối lính còn mới, tôi chạy xuống. Chợt nhìn, tôi ngỡ ngàng chưa nhận ra ông.

Ông cười hiền hậu, đôi mắt long lanh, tôi mới buột miệng: “Ôi, Thủ trưởng Phiêu…!”. Qua các phương tiện thông tin, tôi biết ông đã là cấp tướng, chinh chiến khắp mọi miền, làm nhiệm vụ quốc tế tại Campuchia, Lào, nay về giữ chức Phó chủ nhiêm tổng cục chính trị Quân đội. Thế mà, ông vẫn nhớ tới người lính quèn như tôi, hôm nay lại đến thăm tôi nữa, nên tôi bối ra bối rối, ứng xử vụng về lắm.

Tôi hỏi: “Sao Thủ trưởng biết nhà em, Thủ trưởng đến đây bằng phương tiện gì?”. Ông bảo: “Cùng là lính tráng Trị - Thiên cả, sao lại không biết cậu ở đâu. Tớ đi bộ, từ Lý Nam Đế đến đây chừng hơn cây số, chứ mấy!”. Ông bước phăng lên cầu thang. Nhìn căn phòng tập thể đơn sơ, tuềnh toàng của tôi, ông động viên: “Cố gắng, cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cán bộ kiểm sát nghèo, tức là trong sạch, không tham ô. Người lính trận xưa, nay trên mặt trận mới phải phát huy bản chất anh bộ đội cụ hồ, học tập, rèn luyện, xây dựng tập thể Chi bộ, cơ quan vững mạnh là xã hội sẽ tốt lên, cuộc sống sẽ tốt lên”.

Sau một hồi hàn huyên bao nhiêu là chuyện, ông bảo: “Mình đèo tớ đi lòng vòng quanh phố tí nhá?”. Tất nhiên là tôi không từ chối rồi, nhưng tôi phân vân, cứ lo lo vì ông là người rất quan trọng, đi không có bảo vệ, lỡ xảy ra chuyện gì thì gay. Thứ nữa là tôi chỉ có chiếc xe “năm mươi” cà tàng, thỉnh thoảng lại tự nhiên chết máý vô tư….

leftcenterrightdel
 Ảnh: Nguyên Tổng bí thư - Thượng tướng Lê Khả Phiêu và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ảnh TL

Như đọc được nỗi phân vân của tôi, ông bảo: “Ngại gì! Chiến tranh trong lòng địch còn chả sợ. Ta cứ đi đi, xe hỏng đâu sửa đấy!”. Được giải tỏa nỗi lo, tôi xuống hầm nhà, dắt xe ra, đạp nổ máy phành phạch ầm ĩ, khói mù mịt khu tập thể. Thầy trò lòng vòng phố phường Hà Nội, Hàng Ngang, Hàng Thiếc, Bát Sứ, Hàng Đâò…. Đến gần trưa, ông bảo tôi dừng xe vào chợ “Âm Phủ”. Chợ này nằm trên nền cũ khu mộ tập thể các liệt sĩ Cách mạng, những nhân sĩ, trí thức yêu nước. Bọn thực dân đã sát hại, thủ tiêu rồi vùi xuống hố sâu hàng trăm thi thể. Khi thành phố cất bốc, di chuyển các Liệt sĩ đến Nghia trang xong, đã dùng vùng đất này làm chợ. Chợ thông từ phố Lý Thường Kiệt sang phố Hai Bà Trưng. Tên chợ được đặt là 19-12 để ghi dấu ngày địch tàn sát những người yêu nước. Nhưng bà con ta đã tự đặt là chợ Âm Phủ để răn nguyện sự thiêng liêng cao cả khi kinh doanh trên mảnh đất này.

Tại chợ, ông thân tình thăm hỏi bà con, hỏi thăm giá cả hàng hóa, sản xuât, vận chuyển, lời lãi rất cặn kẽ, chi ly. Bà con buôn bán ở chợ cũng chẳng ai biết rõ về ông, nhưng thấy một ông già gần gũi, chân tình, nên ai cũng xởi lởi vui vẻ bộc bệch. Đầu chợ phía phố Hai Bà Trưng có một cửa hàng Mậu dịch quốc doanh bán thịt lơn, người mua xếp hàng dài rồng rắn cùng những hàng gạch, gỗ bày ra thay số thứ tự. Tới đây, ông dừng lại đứng nhìn đăm đắm. Kế đó, xen lẫn với những gánh hàng rau quả bày trên nền đât, có mấy chị xách bị phủ lá chuối.

Họ mời chào ông và tôi: “Bố ăn cho con hai lạng thịt đi”, “Hai bố con ghé đây, con cắt cho bố hai lạng dọi tươi…”. Ngày ấy, cán bộ, công nhân, viên chức đều được Nhà nước phân phối thịt bằng tem phiếu, có ký hiệu B, C, D, E tùy thuôc vào cấp chức, với tiêu chuẩn vài lạng mỗi tháng. Trường hợp nhà có người ốm đau hoặc có việc gì đó, cán bộ mới dám ra chợ mua thịt lậu giá cao, gọi là “thịt chợ đen“. Ai xông xênh lắm thì cũng chỉ có tiền mua chừng hai lạng. Cho nên cán bộ ta còn bị gán cho cái tên “Cán bộ hai lạng”.

leftcenterrightdel
 Đại tướng Ngô Xuân Lịch đến thăm Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Đối với các thế hệ sau của Quân đội Nhân dân Việt Nam, Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu căn dặn: "Phải kiên định mục tiêu Cách mạng. Không được chủ quan, mất cảnh giác với những quan điểm tư tưởng sai trái của chính bản thân mình...". Ảnh QĐND

Ở chợ Âm Phủ hôm ấy, các chị bán “thịt chợ đen” cũng chào mời thầy trò tôi theo “cái danh hai lạng” như vậy. Tôi cũng có ý định mua hai lạng, đang cúi xuống ngó nghiêng bị thịt của một chị, thì bỗng nhiên chị này vơ dao, cân, xách bị vụt chạy. Khu chợ khoảng dăm bẩy hàng thịt ngồi lẫn trong đám hàng rau cũng vội vã vuột chạy tán loạn. Thì ra, có một tốp cán bộ Quản lý thị trường đi kiểm tra, họ giằng kéo, bắt giữ, tịch thu. Lời van xin, tiếng quát nạt ầm ĩ. Ông đứng đó như trời trồng, lặng người chứng kiến cảnh tượng nhốn nháo rã lòng. Tôi đến kéo tay ông, nói  “mình về chưa, Thủ trưởng?” mới nhận ra ông nước mắt lưng tròng. Không! Hơn thế nữa, nước mắt thành dòng bò bò trên gò má đồi mồi, xạm chai của ông. Không rõ có phải do tính lan truyền phản xạ, hay thực cảnh  tác động tâm lý mà tôi cũng nhòe nước mắt.

Trên đường về, ông truyện trò với tâm thế day dứt: “Chẳng lẽ ngay trên khu đất nấm mồ những người yêu nước đã đổ máu, đã hy sinh không tiếc thân mình cho đất nước, cho dân giầu, nước mạnh mà lại diễn ra như vậy sao? Cảnh dân nghèo, ngăn sông cấm chợ, cảnh “cán bộ hai lạng”, phải được giải quyết triệt để chứ, nhưng bằng cách nào đây? Tại sao! Tại sao lại như  vậy?. Ông cứ nhắc đi, nhắc lại câu hỏi tại sao! Tại sao?.

Sau này, khi đất nước ta phát triển mạnh mẽ, đời sống nhân dân khá giả, không còn cảnh tem phiếu xếp hàng, thị trường tràn ngập hàng hóa, nhớ về chuyện này, tôi tin chắc chắn rằng: Những chuyện ông đã gặp ở chợ Âm Phủ hôm đó đã thấm vào tiềm thức, thấm vào trong các ý kiến của ông khi đóng góp cho Đảng ta trên con đường đổi mới, mở cửa thông thoáng cho người dân, đất nước phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Năm 1998, tôi được giao nhiệm vụ chuyển đến một cơ quan mới để tham gia giải quyết một vụ việc tiêu cực hết sức phức tạp, khó khăn. Tôi lại có dịp gặp ông. Lúc đó ông đã giữ chức Tổng Bí thư của Đảng ta. Ở cương vị cao và quan trọng bậc nhất, với bao công việc bộn bề như vậy, nhưng gặp ông thật đơn dản, đễ dàng. Ông cử đồng chí thư ký sang tận phòng anh Vũ Quốc Hùng, Phó chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Đảng, nơi tôi đến họp bàn công việc tại phố Nguyễn Cảnh Chân để đón tôi.

Ông rót nước cho tôi uống. Câu đầu tiên ông thăm hỏi không phải là những gì về công việc lớn lao, quan trọng theo các nghĩ của tôi, mà là: “Cậu có hay gặp anh em trong đơn vi không? Này! Mấy tay ở đơn vị ta, ra với cơ chế thị trường, giữ vững bản lĩnh, phẩm chất người lính, phát huy vai trò đảng viên nên đều làm được đấy!...”. Tôi chợt nhận ra, ông đã khơi dậy trong tôi những đức tính cao cả thiêng liêng của người lính, giữ vững phẩm chất của Bộ đội Cụ Hồ, trước mọi thử thách là sẽ vượt qua.

leftcenterrightdel
Nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu. Ảnh TTXVN 

Chắc lúc đó diện mạo tôi có chiều băn khoăn, lo lắng khi phải đương đầu trước sự việc tiêu cực, phức tạp của cơ quan, ông vỗ vai tôi thật thân thiện, nhẹ nhàng: “Phải làm rõ, thật chính xác sự việc, công khai trước tập thể Đảng bộ, như vậy kẻ xấu hết đường lấp ló. Nhưng mà phải nhớ vừa chống, vừa xây nhá. Không phải tìm ra kẻ xấu để mà vùi dập họ, sai đến đâu xử đến đó, làm sao để cái anh suy thoái, hư hỏng ấy nhận ra mà cải tà quy chính, họ có đi tù cũng biết cái sai của mình mà sửa, mà tiến bộ; phê bình kiểm điểm bằng lý, nhưng xử lý bằng tình. Phải xây dựng tập thể, trước hết là chi bộ, Đảng bộ cơ quan thật sự trong sạch,vững mạnh, sau là xây dựng tập thể cơ quan. Như ta đánh giặc ngày xưa ấy, tập thể đơn vị không đoàn kết, không mạnh thì sao thắng được. Làm việc như thế mới trọn vẹn, cậu thấy như thế có ổn không…?” Tôi tiếp thu ý kiến của ông, rồi vững bước hoàn thành nhiệm vụ.

Cho đến hôm nay, ngồi ghi lại những gì mà tôi nhớ như in về ông, về lối sống bình dân, gần gũi, đồng cảm, về tài đọc ý nghĩ của người khác, tài đoán định sự việc… trong những khoảnh khắc ngắn ngủi được gần ông, tôi bàng hoàng tâm trí. Rồi bỗng nhiên nước mắt tôi cứ tuôn trào. Đồng chí Lê Khả Phiêu – Ông là anh bộ đội cụ Hồ, là người lính. Với tôi ông mãi mãi là người lính dù trên bất cứ một cương vị nào. Ông không mất, ông còn mãi trong tâm trí người lính chúng tôi, còn mãi trong lòng người dân đất Việt.  

Luật sư, Tiến sĩ Phạm Huỳnh Công