Phát biểu mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị các ĐBQH, các vị Bộ trưởng, trưởng ngành nêu cao tinh thần trách nhiệm, bám sát hiện tượng khách quan, lắng nghe hơi thở của cuộc sống để có một phiên chất vấn, trả lời chất vấn sôi nổi, thực chất, mang tính xây dựng và hiệu quả cao nhất; tiết kiệm và sử dụng tối đa thời gian kỳ họp dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

"Nhân dân và cử tri cả nước đang chờ đợi câu trả lời thẳng thắn và trách nhiệm của các vị Bộ trưởng" - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Điệp khúc "được mùa mất giá"

Khẳng định sản xuất nông nghiệp là cứu cánh cho nền kinh tế trong điều kiện, tình huống khó khăn, ở ta nông nghiệp phát triển nhưng thu nhập và đời sống người dân chưa cao, điệp khúc "được mùa mất giá", ùn ứ nông sản chưa có hồi kết..., ĐBQH Dương Khắc Mai (Đắk Nông) chất vấn Bộ trưởng có giải pháp căn cơ nào, đặc biệt để thu hút doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Thị Hoa Ry cho rằng, tình trạng vật tư nông nghiệp tăng vào mùa vụ sản xuất, điệp khúc "được mùa mất giá", người dân còn loay hoay trong việc tìm kiếm cây trồng, vật nuôi đáp ứng thị trường... không phải là vấn đề mới và đã được chất vấn rất nhiều lần. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, đâu là điểm nghẽn và bao giờ mới khắc phục được triệt để vấn đề này?

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Minh Hoan bày tỏ chia sẻ với bà con nông dân và các doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh COVID-19 và vấn đề ùn ứ nông sản, giá vật tư, phân bón, thức ăn chăn nuôi... đầu vào của nông nghiệp tăng cao trong bối cảnh thị trường bị đứt gãy. Ông gửi lời cảm ơn 14 triệu nông dân Việt Nam đã rất năng động, linh hoạt góp phần vào kết quả xuất khẩu nông, lâm, thủy sản nước ta đạt 48,6 tỉ USD trong năm 2021.

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan trả lời chất vấn.

Về giải pháp đối với câu chuyện nguyên liệu, theo ông, ngay khi có tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, ùn ứ xuất khẩu nông sản, Bộ NN&PTNT đã làm việc với Bộ Công thương, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ vào cuộc, làm sao hạn chế thấp nhất thiệt hại cho nông dân.

"Việt Nam là quốc gia nông nghiệp nhưng phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu nhập khẩu như phân bón, thuốc. Đây là vấn đề Thủ tướng Chính phủ giao cho Bộ NN&PTNT, làm sao phải nâng cao tính tự chủ của ngành nông nghiệp", ông nói và cho biết, Bộ đã đã tổ chức nhiều cuộc họp với hiệp hội, ngành hàng.

Liên quan đến thị trường, ùn ứ nông sản, theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, ngoài yếu tố dịch bệnh COVID-19, thị trường Trung Quốc ngày càng khó tính hơn, trong khi chúng ta nhiều năm đã quen rằng đây là thị trường dễ tính.

"Khi họ yêu cầu cao hơn, chúng ta lại chậm thay đổi, chậm thông tin cho người dân biết. Trong này có trách nhiệm của các bộ, ngành, trong đó có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp", Bộ trưởng Lê Minh Hoan thẳng thắn thừa nhận.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT chia sẻ, với 14 triệu hộ nông dân luôn phải đối mặt với những rủi ro, đồng thời khẳng định chúng ta tổ chức lại sản xuất, tổ chức lại thị trường, tổ chức lại các hiệp hội, ngành hàng để chuyển dần sang xuất khẩu chính ngạch.

Chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa

Chất vấn Bộ trưởng Lê Minh Hoan về việc, đến khi nào người dân hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp, đến bao giờ Việt Nam có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới, ĐBQH Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng, dù có nhiều bộ, ngành khác nhau nhưng Chính phủ là nhất thể, bộ máy điều hành là thống nhất.

"Nên chúng tôi mong rằng, những câu hỏi liên quan "khi nào, bao giờ?" sẽ có câu trả lời, vì đó không đơn giản là câu trả lời mà còn là hy vọng. Và chúng ta không nên để hy vọng của người dân trở thành vô vọng", nữ đại biểu đề nghị.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội chiều ngày 7/6.

Giải đáp vấn đề này, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, nền nông nghiệp của chúng ta đang đứng trước "3 cái biến": biến đổi khí hậu, biến đổi thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới, đòi hỏi quy trình sản xuất phải đảm bảo tiêu dùng xanh, không bị tác động bởi biến đổi khí hậu...

Bộ trưởng đánh giá những yếu tố đó đòi hỏi khoảng thời gian, nâng cao trách nhiệm quản lý của bộ chuyên ngành, một bộ chỉ chuyên về sản xuất.

"Hoàn toàn đồng ý và chia sẻ cảm xúc của đại biểu. Cá nhân tôi thấy rằng chưa làm hết trách nhiệm của mình nhưng thông qua cảm xúc của đại biểu sẽ nghiên cứu, trả lời sau", Bộ trưởng Bộ NN&PTNT thừa nhận.

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên cũng đã có phần trả lời chất vấn, "chia lửa" với Bộ trưởng Bộ NN&PTNT. Theo ông, từ một nền nông nghiệp truyền thống chuyển sang tư duy nông nghiệp hàng hóa, tức là sản xuất thị trường cần chứ không phải làm những thứ mà mình vẫn làm theo truyền thống, theo thói quen là cả một câu chuyện rất lớn, phải nỗ lực rất cao.

"Nền nông nghiệp của chúng ta tuy đã chuyển động theo hướng kinh tế thị trường nhưng vẫn mang đậm tính tự túc, tự cấp, sản xuất quy mô manh mún, nhỏ lẻ. Sản phẩm của chúng ta chất lượng chưa đạt được tiêu chuẩn của thị trường", Bộ trưởng Bộ Công thương khẳng định.

"Với các địa phương, chúng tôi đề nghị phải làm tốt việc quy hoạch vùng trồng, vùng nuôi, tổ chức sản xuất đạt chuẩn và theo tín hiệu thị trường, phải xây dựng thương hiệu sản phẩm. Cùng với đó có sự liên kết trong quá trình sản xuất, tránh việc sản xuất manh mún, nhỏ lẻ", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho hay.

Điều hành phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, nhiều vấn đề đại biểu chất vấn hôm nay đã cũ, cần tổng kết, rút kinh nghiệm, nhất là về quản lý nhà nước để làm tốt hơn.

"Có thị trường thì cũng có nhiều cái biến, nhưng cái bất biến là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước, phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, hợp tác quốc tế...", Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm.

 Ông Nguyễn Thanh Long can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á

Trưa 7/6, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh và Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn đã có mặt tại Trung tâm báo chí kỳ họp để thông báo nhanh kết quả phiên họp riêng về công tác nhân sự của Quốc hội.

Theo đó, vào lúc 7h sáng cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tiến hành phiên họp bất thường dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nghe Tờ trình của Chính phủ, ý kiến của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam, các cơ quan liên quan, thành viên UBTVQH, để thống nhất trình Quốc hội xem xét, bãi nhiệm ĐBQH khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Long do "ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị Quốc hội hoặc cử tri bãi nhiệm" (theo khoản 2, Điều 7 Hiến pháp 2013; khoản 2, Điều 40 Luật Tổ chức Quốc hội 2014).

Quốc hội đã thảo luận tại Đoàn ĐBQH và tiến hành bỏ phiếu kín. Kết quả, có 473 ĐBQH tán thành (94,79%) bãi nhiệm ĐBQH khóa XV đối với ông Nguyễn Thanh Long.

Cùng với đó, có 471 ĐBQH tán thành (94,39%) cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long. Tiếp đó, Quốc hội cũng biểu quyết thông qua các dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc bãi nhiệm, cách chức ông Nguyễn Thanh Long với đa số ĐBQH tán thành.

"Theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát; can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức; hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá, các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19 trái quy định", bà Thanh nhấn mạnh.


Vũ Cảnh