|
|
Đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Viện trưởng VKSND TP HCM phát biểu tại Hội thảo |
Tham dự Hội thảo gồm có đại diện Vụ 2, Vụ 13, Vụ 14 VKSND tối cao; Tổ chức JICA (Nhật Bản); đại diện Lãnh đạo Khoa Kiểm sát hình sự Trường BDNVKS tại TP Hồ Chí Minh; đại diện Lãnh đạo Ban Nội chính Thành ủy; đại diện Lãnh đạo Ban Pháp chế HĐND Thành phố; Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra; đại diện Lãnh đạo TAND Thành phố; Lãnh đạo và Thẩm phán Tòa Gia đình và Người chưa thành niên cùng các Sở, ngành thành phố.
Về phía VKSND TP HCM có đồng chí Đỗ Mạnh Bổng - Viện trưởng VKSND TP HCM chủ trì Hội nghị cùng tập thể cán bộ, công chức VKS thành phố và 24 điểm cầu quận, huyện trên địa bàn.
Hội thảo báo cáo tình hình tội xâm phạm tình dục, trong đó có nhóm tội xâm phạm tình dục trẻ em ở nước ta nói chung và tại TP HCM diễn biến rất phức tạp, khó phát hiện, xử lý.
Theo thống kê, trong hơn 3 năm (từ năm 2016 đến hết 6 tháng đầu năm 2019) Cơ quan điều tra 2 cấp của thành phố đã khởi tố 340 vụ - 241 bị can về các tội xâm hại tình dục thì có tới 310 vụ - 220 bị can là các tội về xâm hại tình dục trẻ em, chiếm 310/340 chiếm 91,17% về số vụ, 220/241 chiếm 91,28% về số bị can.
Thủ đoạn của loại tội phạm xâm hại tình dục trẻ em vẫn là lợi dụng sự non nớt, thiếu kỹ năng tự vệ của nạn nhân để dụ dỗ, cho quà, hứa hẹn hoặc cho sử dụng chất kích thích, xem ấn phẩm khiêu dâm, rủ đi chơi rồi dụ dỗ, đe dọa, cưỡng bức để xâm hại tình dục.
Hậu quả lớn nhất khi trẻ bị xâm hại tình dục là trẻ tổn thương về tinh thần và ảnh hưởng đến tương lai, dễ bị mặc cảm, phát triển không bình thường, khó hòa nhập với xã hội và đặc biệt là tổn thương về sức khoẻ thể chất, bệnh lý (luôn có cảm giác bất an, giật mình, tưởng tượng ra hình ảnh kẻ xâm hại hay tiếng nói của kẻ xâm hại,...).
Có khả năng gây ra những lệch lạc giới tính cho các em. Khi các em bị xâm hại tình dục thì các em sẽ không phát triển tự nhiên về mặt sinh lý mà có nguy cơ bị lệch lạc về tình dục.
Nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm này là do sự bùng nổ của công nghệ thông tin, mạng internet, đã làm cho việc tiếp cận các trang mạng có nội dung xấu, nội dung khiêu dâm, bạo lực một cách dễ dàng. Công tác tuyên truyền giáo dục về giới tính, về phòng chống xâm phạm tình dục trẻ em chưa thường xuyên, kém hiệu quả.
Chương trình giáo dục giới tính trong trường phổ thông còn chưa hiệu quả thiết thực. Về phía gia đình phần lớn chưa thật sự quan tâm giáo dục con cái về giới tính hoặc do cha mẹ ly hôn, thiếu sự chăm sóc, quản lý…Bên cạnh đó là do tác động của rượu, bia dẫn đến người phạm tội thiếu kìm chế bản thân.
Hội thảo cũng chỉ ra một số khó khăn, vướng mắc trong quy định của Luật hiện hành. Cụ thể, BLHS 2015 chưa quy định rõ như thế nào là hành vi xâm hại tình dục, thế nào là “giao cấu”, “hành vi quan hệ tình dục khác”, thế nào là hành vi “dâm ô”; thế nào là hành vi “khiêu dâm”, “trình diễn khiêu dâm”, như thế nào là người đang “lệ thuộc mình” trong tình trạng quẫn bách… như tại các Điều 145, Điều 146, Điều 147 BLHS 2015. Vừa qua, Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao đã có ban hành Nghị quyết hướng dẫn về lĩnh vực này nhưng chưa được triển khai thực hiện.
Bên cạnh đó, cũng gặp nhiều khó khăn vướng mắc trong khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử của cơ quan tố tụng. Phần lớn Công an các xã, phường chưa có kinh nghiệm, chưa được tập huấn và chưa có kỹ năng xử lý ban đầu về loại tội phạm này hoặc chưa nhận thức đầy đủ việc tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo tội phạm nên làm chậm trễ hoặc không có biện pháp bảo vệ an toàn cho nạn nhân, gọi hỏi nhiều lần tạo tâm lý mệt mỏi cho nạn nhân, người thân của họ dẫn đến họ không muốn hợp tác điều tra.
Dự báo trong thời gian tới, số lượng thông tin, tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố về vụ việc cũng như các tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em sẽ có xu hướng tăng cả về số lượng cũng như tính chất, mức độ táo bạo của hành vi phạm tội ngày càng nguy hiểm, gây bức xúc trong dư luận, do nhiều nguyên nhân chủ quan, khách quan từ nhiều mặt, nhiều phía.
Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp phòng ngừa có hiệu quả đối với loại tội phạm trên. Đối với nhà trường cần cải tiến phương pháp giảng dạy, nội dung các tiết học giáo dục giới tính, lồng ghép với các chuyên gia tuyên tuyền kiến thức pháp luật của Sở, Ban, Ngành thành phố để hoàn thiện chương trình giáo dục thiết thực nhất.
Đối với gia đình cần nâng cao trách nhiệm của gia đình trong việc quan tâm, quản lý, giáo dục, bảo vệ con cái; ngăn chặn kịp thời các hành vi có dấu hiệu xâm phạm tình dục trong gia đình và cộng đồng; kịp thời trình báo cho cơ quan chức năng khi khi phát hiện trẻ em bị xâm phạm tình dục. Chính quyền các cấp cần thực hiện tốt quy trình can thiệp, hỗ trợ trẻ em bị bạo lực, bị xâm hại và bị xâm hại tình dục trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Đối với các cơ quan bảo vệ pháp luật thực hiện công tác đấu tranh phòng chống có hiệu quả như: Lực lượng Cảnh sát khu vực, Công an xã, phường tích cực cùng lực lượng dân phòng phối hợp tuần tra, canh gác, nắm bắt thông tin, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng có nguy cơ phạm tội kịp thời. Cơ quan tố tụng các cấp phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức, đoàn thể ở địa phương thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm nhanh chóng, kịp thời.
Đối với VKS 2 cấp, gắn thực hành quyền công tố với với hoạt động điều tra, thực hiện quy định mới của BLTTHS 2015 đảm bảo sự có mặt của KSV trong các hoạt động điều tra như: khám xét, khám nghiệm hiện trường, nhận dạng, đối chất, nhận biết giọng nói, thực nghiệm điều tra, việc lập các biên bản xác định địa điểm thực hiện hành vi phạm tội, địa điểm cất giấu vật chứng, phương tiện phạm tội... cần thiết phải ghi âm ghi hình lời khai của 2 phía, phòng khi có sự thay đổi lời khai thì sử dụng các biên bản thu thập nêu trên để chứng minh tại Tòa. Đối với TAND 2 cấp, tổ chức đưa các vụ án xâm hại tình dục trẻ em ra xét xử nhanh chóng, kịp thời, có bản án phù hợp đáp ứng sự đồng thuận của toàn xã hội.