leftcenterrightdel
 Phó viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn chủ trì và phát biểu tại hội thảo

Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó viện trưởng VKSNDTC Trần Công Phàn cho biết vai trò quan trọng của hội thảo. Theo đó, các ý kiến đóng góp sẽ được VKSNDTC tổng hợp lập đề nghị xây dựng Luật tương trợ tư pháp về hình sự trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2019 để xem xét đưa vào Chương trình xây dựng pháp luật, pháp lệnh năm 2021 của Quốc hội.

Trong 10 năm (1/7/2008 – 31/5/2018), VKSNDTC đã tiếp nhận, giải quyết 827 yêu cầu tương trợ của các cơ quan tiến hành tố tụng trong nước gửi cho các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài đề nghị thực hiện, đồng thời tiếp nhận và giải quyết 723 yêu cầu tương trợ của các cơ quan có thẩm quyền nước ngoài. Thực tiễn những năm gần đây cho thấy, xu hướng gia tăng số lượng yêu cầu tương trợ, đặc biệt là tương trợ đi. Nếu như năm 2008 chỉ có 01 yêu cầu đi và 38 yêu cầu đến thì năm 2017 có số lượng yêu cầu đi là 219 và yêu cầu đến là 101.

leftcenterrightdel
  Ông Lê Tiến - Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự phát biểu tại hội thảo

Tại hội thảo, đại diện Vụ Hợp tác Quốc tế và tương trợ tư pháp về hình sự (Vụ 13) VKSNDTC đã chỉ ra 05 vấn đề còn tồn tại trong quá trình thực tiễn hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự đó là mất nhiều thời gian để chờ kết quả trả lời, chất lượng hồ sơ uỷ thác do cơ quan tiến hành tố tụng trong nước lập, gửi nước ngoài còn hạn chế, các cơ quan trong nước còn lúng túng trong quá trình triển khai thực hiện yêu cầu tương trợ, cách thức gửi yêu cầu tương trợ, còn mâu thuẫn trong áp dụng hình phạt tử hình.

Nguyên nhân của những hạn chế này, theo đại diện Vụ 13 là xuất phát từ hạn chế của Luật tương trợ tư pháp năm 2007.

leftcenterrightdel
 Phó trưởng phòng CQCSĐT Bộ công an - ông Vũ Triệu Xuân cho rằng công tác tương trợ tư pháp còn gặp nhiều khó khăn

Đồng quan điểm với Vụ 13 VKSNDTC, Phó trưởng phòng Cơ quan Cảnh sát Điều tra Bộ công an, ông Vũ Triệu Xuân cũng cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm trong đó tội phạm xuyên quốc gia tăng lên đáng kể về số vụ và mở rộng phạm vi hoạt động, tính chất cũng như mức độ nghiêm trọng. Yêu cầu tương trợ tư pháp giữa Việt Nam và các nước cũng như giữa các nước với Việt Nam tăng cao. Tuy nhiên, trong quá trình thực tiễn tương trợ tư pháp phát sinh nhiều bất cập hạn chế đến hiệu quả phòng chống tội phạm. Ví như Luật tương trợ tư pháp 2007 điều chỉnh cả 04 lĩnh vực nên không cụ thể, chi tiết; chưa quy định giá trị pháp lý của kết quả thực hiện tương trợ tư pháp; pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam quy định thời gian cụ thể giải quyết vụ án hình sự nhưng khi yêu cầu tương trợ tư pháp với nước ngoài thường mất rất nhiều thời gian, tài liệu trong hồ sơ yêu cầu có những bản dịch chưa đúng từ ngữ pháp luật, khó khăn trong việc trưng cầu phiên dịch...

Đại diện Cục pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp- Bộ Công an cũng cho rằng, Luật tương trợ tư pháp 2007 đã bộc lộ nhiều bất cập, không còn phù hợp với điều kiện và tình hình thực tiễn, không khả thi và có rất nhiều quy định “vênh” với các điều ước quốc tế đa phương, song phương về tương trợ tư pháp hình sự mà Việt Nam đã ký kết hoặc “vênh” so với các quy định trong các đạo luật gốc chuyên ngành hình sự, tố tụng hình sự.

Trong phần tham luận “Hoàn thiện các quy định tương trợ tư pháp về hình sự trong Luật tương trợ tư pháp”, bà Lại Thị Thu Hương - Phó Trưởng phòng, Vụ pháp chế và Quản lý khoa học, VKSNDTC cho rằng, BLTTHS năm 2015 đã tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, thuận lợi cho thực tiễn hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự. Song các nội dung bổ sung, sửa đổi như quy định về sự có mặt của người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng của Việt Nam ở nước ngoài và ngược lại, trường hợp từ chối dẫn độ công dân Việt Nam, bổ sung quy định về các biện pháp ngăn chặn và thẩm quyền áp dụng biện pháp ngăn chặn trong trường hợp xem xét yêu cầu dẫn độ hoặc thi hành quyết định dẫn độ… chỉ quy định những vấn đề mang tính nguyên tắc chung. Do đó, các nội dung về vi phạm các hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, trình tự, thủ tục tương trợ tư pháp về hình sự phải tiếp tục được quy định trong pháp luật tương trợ tư pháp về hình sự.

Hoa Việt