Đầu năm 2000, nhân chuyến vào miền Trung công tác, tôi cùng một số đồng nghiệp ở Đà Nẵng có đến thăm bác Huỳnh Lắm, nguyên Phó Viện trưởng VKSND tối cao. Khi chúng tôi ngỏ lời muốn được nghe ông kể lại những công việc mà ông đã làm và những kỷ niệm sâu sắc của ông về những ngày đầu thành lập Ngành, ông suy nghĩ một lúc rồi nói cho chúng tôi nghe chuyện về cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt, mà không hề nói về mình.

Ông kể: "Ngành Kiểm sát nhân dân rất vinh dự là khi thành lập Ngành đã được Trung ương cử anh Hoàng Quốc Việt sang làm Viện trưởng. Anh Hoàng Quốc Việt là nhà hoạt động cách mạng nổi tiếng, một con người của trí tuệ và công việc; có sự phản ứng một cách linh hoạt và nhạy cảm đối với những vấn đề đặt ra cho công tác của VKSND. Anh rất quan tâm đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng Nhà nước và bảo vệ quyền dân chủ của nhân dân”.Ông nhớ lại tất cả những gì mà ông đã chứng kiến trong khi đi công tác cùng Viện trưởng Hoàng Quốc Việt. Ông nhắc lại cho chúng tôi nghe lời nói của Viện trưởng Hoàng Quốc Việt thường nói với cán bộ lúc ấy: “Cán bộ Kiểm sát trước hết phải mẫu mực trong việc chấp hành pháp luật, là người cán bộ Kiểm sát phải có đạo đức trong sáng như pha lê, bất kể việc gì từ việc nhỏ đến việc lớn cũng đều phải giải quyết đến nơi đến chốn, không để nhân dân kêu ca, thán phiền".

leftcenterrightdel
Đồng chí Hoàng Quốc Việt - Viện trưởng VKSND tối cao chụp ảnh với các đồng chí Viện trưởng VKSND các tỉnh miền núi. Ảnh: Tư liệu           

Ông đã kể cho chúng tôi nghe về việc Bác Hồ có lời chỉ bảo ân cần đối với cán bộ Kiểm sát, mười chữ vàng mà trong suốt mấy chục năm qua, các thế hệ cán  bộ Kiểm sát luôn nâng niu, trân trọng và quyết tâm làm theo lời Bác. Ông kể: Mười chữ vàng mà Bác Hồ đã dạy ngành Kiểm sát nhân dân phải được coi như phương châm rèn luyện đối với từng cán bộ Kiểm sát. Ông cho biết, khi được Viện trưởng Hoàng Quốc Việt giao nhiệm vụ cùng đồng chí Bùi Lâm, đồng chí Nguyễn Văn Ngọc xây dựng dự thảo Luật Tổ chức VKSND năm 1960; sau khi xây dựng xong, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt có giao cho đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc lên báo cáo với Bác Hồ để xin Bác cho ý kiến.

Theo đồng chí Bùi Lâm kể lại, khi nghe trình bày về dự thảo Luật Tổ chức đầu tiên của ngành Kiểm sát, Bác Hồ đã đồng ý trên nguyên tắc, Bác nói đại ý là: Với chức năng, nhiệm vụ như vậy, các chú phải có biện pháp cụ thể để thực hiện cho được chức năng, nhiệm vụ đó; Đó cũng là trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho VKSND. Là cơ quan Kiểm sát đi kiểm sát việc chấp hành pháp luật của người khác, ngành Kiểm sát hơn ai hết phải là những người gương mẫu chấp hành pháp luật. Chính vì vậy, trong khi dặn dò đồng chí Bùi Lâm và đồng chí Nguyễn Văn Ngọc, Bác Hồ đã dặn: Cán bộ Kiểm sát phải "Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn". 

leftcenterrightdel
Cán bộ, công chức VKSND tỉnh Lào Cai tham gia làm đường giao thông nông thôn tại xã Thanh Bình, huyện Mường Khương. 

Sau buổi làm việc với Bác Hồ ra về, đồng chí Bùi Lâm đã báo cáo lại với đồng chí Hoàng Quốc Việt về nội dung làm việc với Bác, mọi người rất phấn khởi. Đồng chí Hoàng Quốc Việt đã chỉ thị là phải đưa việc quán triệt thực hiện lời dạy của Bác Hồ vào nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cho Ngành và sau này Trường Kiểm sát của ta đã lấy đó làm nội dung giảng dạy về đạo đức cán bộ Kiểm sát cho học viên, sinh viên.

Trước yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cải cách tư pháp, có nhiều việc phải làm, song trước hết, cùng với việc nâng cao năng lực, trình độ của Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát, phải thường xuyên quán triệt và thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát là phải "Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”. Lời dạy của Bác phải được cụ thể hóa bằng hành động trong từng công việc cụ thể hàng ngày.

Việc thường xuyên kiện toàn tổ chức bộ máy, xây dựng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên trong sạch, vững mạnh là một trong những bài học kinh nghiệm quý giá được rút ra để ngành KSND tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được giao, nhất là trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, góp phần thực hiện mục tiêu quan trọng của cải cách tư pháp "Xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa...".

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Công minh, nghĩa là trong công việc, người cán bộ Kiểm sát phải luôn công bằng và sáng suốt, phải luôn rõ ràng và minh bạch. Tâm của người cán bộ Kiểm sát có trong sáng thì xem xét và quyết định mọi việc mới công bằng. Là người được giao “cầm cân nảy mực” giữ gìn cán cân công lý, quyết không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà “bẻ cong” cán cân công lý.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Chính trực, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, người cán bộ Kiểm sát phải có dũng khí đấu tranh bảo vệ công lý, bảo vệ pháp luật, phải luôn ngay thẳng trong mọi công việc. Người cán bộ Kiểm sát được giao một trọng trách rất lớn khi thực hiện công vụ, có liên quan đến nhiều người và nhiều mặt của đời sống xã hội; do đó thấy đúng phải kiên quyết bảo vệ, thấy sai, thấy vi phạm pháp luật và tội phạm phải kiên quyết đấu tranh, không vì bất cứ lý do nào mà làm sai pháp luật.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khách quan, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp, phải xuất phát từ thực tế khách quan để xem xét, đánh giá sự việc. Đối tượng tác động của hành vi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của người cán bộ Kiểm sát là những vấn đề rất cơ bản và quan trọng đối với con người, ảnh hưởng trực tiếp đến các quyền cơ bản nhất của con người được Hiến pháp và pháp luật quy định, do vậy, người cán bộ Kiểm sát phải luôn khách quan, không được vì ý định chủ quan và không thể vì tiền tài, vật chất, vì lợi ích riêng tư mà thiên lệch trong công việc.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Thận trọng, nghĩa là trong khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ, người cán bộ Kiểm sát phải đắn đo, suy nghĩ, cẩn thận, không để sai sót trong mọi việc. Bởi vì sai sót trong thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp của người cán bộ Kiểm sát cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến oan, sai. Tuy tỉ lệ oan, sai do cán bộ Kiểm sát gây nên rất nhỏ so với tổng số các vụ việc oan, sai nhưng cần phải được coi là nghiêm trọng, vì không những đã xâm phạm đến quyền và lợi ích của người bị oan, sai mà một số trường hợp còn gây hậu quả xấu, làm giảm niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan pháp luật.

Bác Hồ dạy cán bộ Kiểm sát phải Khiêm tốn, nghĩa là trong công việc và trong cuộc sống đời thường, người cán bộ Kiểm sát phải tự đánh giá đúng mức bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không cho mình là hơn người; như vậy mới có điều kiện để cùng mọi người làm tròn nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. VKSND là của nhân dân và vì nhân dân; do vậy, Kiểm sát viên và cán bộ Kiểm sát phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân, gần dân và điều quan trọng là phải đặc biệt quan tâm đến việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân; phải luôn khiêm tốn, xứng đáng là công bộc tận tụy của dân.

Kỷ niệm 60 năm ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân và tưởng nhớ đến bác Huỳnh Lắm, một trong những người cộng sự đắc lực của cố Viện trưởng Hoàng Quốc Việt; tôi có đôi dòng tâm huyết về những lời dạy của Bác Hồ kính yêu đối với cán bộ Kiểm sát.

 Dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự ủng hộ của nhân dân, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”, ngành KSND đã không ngừng trưởng thành và thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao phó, trở thành công cụ đấu tranh sắc bén của Đảng trong bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ quyền tự do, dân chủ và những lợi ích chính đáng của nhân dân; góp phần xây dựng Nhà nước của dân, do dân và vì dân. 

Với những cống hiến của ngành KSND đối với sự nghiệp cách mạng trong suốt 60 năm qua, từ năm 1960 đến năm 2020, ngành KSND đã vinh dự hai lần được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh (vào năm 1985 và năm 1990); được tặng thưởng Huân chương Sao vàng (năm 2010); được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất (năm 2015). Nhiều đơn vị, tập thể, cá nhân trong Ngành đã được Đảng, Nhà nước và ngành KSND tặng thưởng những danh hiệu, phần thưởng cao quý.


Lại Hợp Việt