Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường chủ trì và điều hành buổi họp báo.

Tại buổi họp báo, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã thông tin những kết quả  đạt được tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nhấn mạnh, sau 12 ngày làm việc, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội XIV đã hoàn thành chương trình nghị sự đề ra với nhiều nội dung quan trọng về tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021, xây dựng pháp luật và công tác nhân sự.

Cũng theo ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Quốc hội đã dành nhiều thời gian để thảo luận, xem xét các Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước.

Quốc hội thống nhất đánh giá nhiệm kỳ qua có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng dưới sự lãnh đạo sát sao của Đảng, các cơ quan trong bộ máy nhà nước đã luôn nỗ lực, đồng hành, phối hợp chặt chẽ, cùng hoàn thành tốt các nhiệm vụ, tạo ra những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, nâng cao uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, đóng góp lớn vào những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước, củng cố và nâng cao niềm tin của cử tri, Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước.

Quốc hội khóa XIV đã luôn nỗ lực, quyết tâm hoàn thành tốt vai trò là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ngày càng thể hiện sâu sắc là hiện thân của khối đại đoàn kết dân tộc; không ngừng đổi mới mạnh mẽ, luôn hành động vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước; đạt được những kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và hoạt động đối ngoại.

leftcenterrightdel
 Sau 12 làm việc, Kỳ họp thứ 11, Quốc hội XIV đã thành công rất tốt đẹp. Ảnh: quochoi.vn

Quốc hội đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật để kịp thời thể chế hoá các chủ trương, đường lối của Đảng và tiếp tục cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013, đáp ứng kịp thời yêu cầu quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, góp phần quan trọng trong việc xây dựng, hoàn thiện thể chế của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; đồng thời, chú trọng việc nâng cao chất lượng của các đạo luật được thông qua, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật.

Quốc hội cũng đã tăng cường hoạt động giám sát, tập trung vào những vấn đề bức xúc của cuộc sống và không ngừng cải tiến, đổi mới cách thức thực hiện nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của hoạt động giám sát. Quốc hội đã xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng có tác động lớn đến đời sống kinh tế - xã hội của đất nước, đặc biệt là các kế hoạch về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách, đầu tư công 5 năm và  hàng năm, cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, chủ trương đầu tư các dự án quan trọng quốc gia, các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Hoạt động đối ngoại của Quốc hội được triển khai hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu và dấu ấn nổi bật, đóng góp quan trọng vào thành công chung trong công tác đối ngoại của Đảng, Nhà nước. Quốc hội luôn quán triệt tư tưởng lấy dân làm gốc, gần dân, hiểu dân, trọng dân; lắng nghe Nhân dân, phục vụ Nhân dân; luôn coi trọng, đẩy mạnh, đổi mới cách thức để tăng cường mối liên hệ giữa cử tri và đại biểu Quốc hội; chú trọng việc nghiên cứu tiếp thu những ý kiến đóng góp quý báu của cử tri và Nhân dân nhằm tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của mình và hoàn thành trọng trách mà Nhân dân ủy thác.

Các cơ quan của Quốc hội đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức hữu quan để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Với vai trò là cơ quan thường trực của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV đã nỗ lực, quyết tâm cao, không ngừng đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành để triển khai khối lượng công việc lớn với nhiều nội dung quan trọng, phức tạp, bảo đảm chất lượng, kịp thời giải quyết những vấn đề mới do thực tiễn đặt ra và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, góp phần quan trọng vào thành tựu chung trong hoạt động của Quốc hội.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đã hoàn thành tốt vai trò là cơ quan chuyên môn của Quốc hội, luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, chủ động, phát huy trí tuệ tập thể, chú trọng đổi mới phương thức làm việc để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động thẩm tra, giám sát, kiến nghị, thực sự trở thành chỗ dựa vững chắc, tin cậy để Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các nội dung theo quy định.

Các Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiều đóng góp quan trọng vào các kết quả hoạt động của Quốc hội, phát huy vai trò cầu nối giữa Quốc hội với địa phương. Các vị đại biểu Quốc hội đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng, phát huy tốt trách nhiệm của người đại biểu nhân dân, tích cực tham gia và thực sự trở thành trung tâm hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội.

Chủ tịch nước tiếp tục khẳng định vai trò, vị thế của người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân. Chủ tịch nước đặc biệt quan tâm đến việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Với sự kiên quyết, kiên trì, quyết tâm của Chủ tịch nước, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nhiệm kỳ qua đã được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, xử lý các hành vi tham nhũng theo phương châm không có vùng cấm, không có ngoại lệ, được Nhân dân đồng tình ủng hộ và đánh giá cao. Chủ tịch nước đã trình Quốc hội phê chuẩn nhiều điều ước quốc tế quan trọng, góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, tăng cường quan hệ đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, thể hiện sự năng động, quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành, kiên định thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Đảng, của Quốc hội; thực hiện đầy đủ, hiệu quả chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Chính phủ đã ưu tiên triển khai các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước gắn với xây dựng Chính phủ điện tử; phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, tăng cường quốc phòng - an ninh, chủ động, tích cực trong công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế nhằm nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát, tác động nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, từ đầu năm 2020 đến nay, Chính phủ đã điều hành thực hiện thắng lợi mục tiêu kép vừa chống dịch hiệu quả, vừa phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, được Nhân dân và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, tính chuyên nghiệp được nâng lên, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, giải quyết kịp thời các tranh chấp, khiếu kiện, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vụ án, nhất là án kinh tế, tham nhũng… góp phần quan trọng giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hoạt động tố tụng ngày càng công khai, minh bạch. Việc xét xử được thực hiện nghiêm minh, đúng pháp luật, bảo đảm các nguyên tắc tư pháp dân chủ, tiến bộ, như: nguyên tắc độc lập, nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, quyền bào chữa của bị can, bị cáo, quyền bảo vệ lợi ích của đương sự. Công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự đạt kết quả tốt, tỷ lệ án oan trong giai đoạn điều tra, truy tố giảm mạnh, tỷ lệ truy tố đúng thời hạn, truy tố đúng tội danh qua các năm đều đạt và vượt các chỉ tiêu Quốc hội giao.

Kiểm toán nhà nước từng bước khẳng định vị thế là cơ quan kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, là công cụ hữu hiệu của Nhà nước trong kiểm tra, giám sát việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Đồng thời, có nhiều đổi mới, chú trọng thực hiện công tác cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hoạt động kiểm toán; cơ bản hoàn thành các cuộc kiểm toán theo kế hoạch, phát hiện và kiến nghị xử lý nhiều sai phạm và kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ nhiều văn bản chưa phù hợp; cung cấp nhiều thông tin quan trọng, tin cậy cho Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan điều tra... góp phần tích cực vào công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

leftcenterrightdel
Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó. Ảnh: quochoi.vn 

Tại buổi họp báo, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cũng thông tin, để đáp ứng kịp thời công tác lãnh đạo của Đảng, chỉ đạo, điều hành của Nhà nước, Quốc hội đã tiến hành xem xét miễn nhiệm, bầu, phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm một số chức danh trong bộ máy nhà nước, bảo đảm dân chủ, đúng chủ trương của Đảng, quy định của pháp luật và đạt được sự đồng thuận cao.

Quốc hội đã bầu Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, 3 Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước, 5 Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm 3 Ủy ban của Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Tổng kiểm toán Nhà nước; phê chuẩn việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 thành viên khác của Chính phủ; phê chuẩn danh sách 3 Phó Chủ tịch, 7 Ủy viên Hội đồng bầu cử quốc gia và danh sách Phó Chủ tịch và 3 Ủy viên Hội đồng quốc phòng và an ninh.

Sau khi được bầu, Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đã tiến hành tuyên thệ trước Quốc hội, trước đồng bào, cử tri cả nước theo quy định của Hiến pháp. Quốc hội tin tưởng các vị lãnh đạo mới được bầu, phê chuẩn sẽ không ngừng rèn luyện, phấn đấu, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Về công tác xây dựng pháp luật và một số nội dung khác, ông Vũ Minh Tuấn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, sau khi xem xét kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) với tỷ lệ tán thành cao (94,58%). Luật được sửa đổi nhằm tăng cường quản lý người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy; kiểm soát chặt chẽ các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy và tiền chất; phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác phòng, chống ma túy; củng cố lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm về ma túy và mở rộng tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm ma túy.

Quốc hội cũng đã thông qua Nghị quyết thí điểm bố trí chức danh đại biểu hoạt động chuyên trách của Hội đồng nhân dân (HĐND) thành phố Hà Nội nhằm đáp ứng yêu cầu đảm đương khối lượng công việc ngày càng lớn của chính quyền thành phố Hà Nội, bảo đảm hài hòa với việc bố trí số lượng và chức danh đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, quy định từ nhiệm kỳ 2021-2026 và trong suốt thời gian thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 97/2019/QH14 của Quốc hội, HĐND thành phố Hà Nội được bố trí tối đa là 19 đại biểu hoạt động chuyên trách. So với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương, số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND thành phố Hà Nội sẽ tăng thêm tối đa là 9 đại biểu nhưng so với nhiệm kỳ 2016-2021 thì chỉ tăng thêm 1 đại biểu.

leftcenterrightdel
 Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị việc bổ nhiệm 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 12 Bộ trưởng, trưởng ngành của Chính phủ. Ảnh: Quochoi.vn

Trước đó, vào buổi sáng cùng ngày, Quốc hội đã bầu đồng chí Lê Minh Khái và đồng chí Lê Văn Thành giữ chức Phó Thủ tướng Chính phủ; 12 đồng chí được bầu làm Bộ trưởng, thành viên Chính phủ.

Cụ thể:  12 tân Bộ trưởng, trưởng ngành của Chính phủ gồm:

1. Thượng tướng Phan Văn Giang làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Ông Bùi Thanh Sơn làm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

3. Bà Phạm Thị Thanh Trà làm Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

4. Ông Lê Minh Hoan làm Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.

5. Ông Nguyễn Thanh Nghị làm Bộ trưởng Bộ Xây dựng.

6. Ông Nguyễn Văn Hùng làm Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch.

7. Ông Hầu A Lềnh làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

8. Ông Trần Văn Sơn làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

9. Ông Hồ Đức Phớc làm Bộ trưởng Bộ Tài chính.

10. Ông Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

11. Ông Nguyễn Hồng Diên làm Bộ trưởng Bộ Công thương.

12. Ông Đoàn Hồng Phong làm Tổng Thanh tra Chính phủ.

Vũ Phương