Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc tham dự cuộc họp trực tuyến tại điểm cầu trụ sở VKSND tối cao.

Báo cáo tại buổi làm việc, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, tính đến 30/11/2021, tổng số vốn của của các bộ, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra được phân bổ năm trong năm 2021 khoảng 3.000 tỉ đồng, đến nay số vốn đã giải ngân là trên 1.500 tỉ đồng, đạt khoảng 50,39%. Trong số này, Đài tiếng nói Việt Nam là cơ quan giải ngân đạt tỉ lệ cao nhất (70,51%); 2 cơ quan giải ngân trên 50%; 3 cơ quan trên 40%; 1 cơ quan đạt 36,46% và thấp nhất đạt 23,53%.

Về nguyên nhân giải ngân chậm, nguyên nhân khách quan là do tác động của dịch bệnh COVID-19; giá cả các vật liệu xây dựng trên thị trường tăng mạnh, nhất là sắt, thép xây dựng, xi măng, cát, sỏi,… tác động trực tiếp đến chi phí doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng, ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thi công dự án; vướng mắc trong giải phóng mặt bằng,... 

Cùng với đó, các cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra phần lớn gặp khó khăn thiếu cán bộ chuyên môn về xây dựng, bộ máy giúp việc cho thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư là kiêm nhiệm; một số ban quản lý dự án, chủ đầu tư, nhà thầu yếu kém về năng lực.

Tại cuộc họp, đại diện các cơ quan đã bày tỏ thống nhất với các nội dung báo cáo đã chỉ ra, đồng thời phân tích rõ hơn nguyên nhân của những khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm trễ trong việc giải ngân vốn đầu tư công, đồng thời nêu các đề xuất, kiến nghị trong thời gian tới.

Báo cáo tình hình thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2021 và dự kiến kế hoạch đầu tư vốn ngân sách năm 2022 của ngành Kiểm sát nhân dân, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cho biết, đối với Kế hoạch vốn được kéo dài thời hạn thanh toán từ năm 2020 sang năm 2021, ước giải ngân đến ngày 31/12/2021 đạt tỉ lệ 56,3%.

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao báo cáo tại buổi làm việc tại điểm cầu VKSND tối cao.

Đối với việc triển khai các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, ngay từ đầu năm VKSND tối cao đã có nhiều văn bản quán triệt và triển khai thực hiện đến các chủ đầu tư trong toàn Ngành. Theo đó, yêu cầu Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công, hoàn thiện hồ sơ thanh toán ngay sau khi có khối lượng thi công. 

Đặc biệt, triển khai thực hiện Nghị quyết số 63/NQ-CP ngày 29/6/2021 của Chính phủ, Viện trưởng VKSND tối cao đã chỉ đạo quyết liệt trong toàn Ngành chỉ đạo Chủ đầu tư dự án, Thủ trưởng đơn vị có dự án đầu tư xác định việc đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm của năm 2021, là ý thức thực hiện nhiệm vụ chính trị trong tình hình hiện nay nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thực hiện cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 trong bối cảnh đại dịch COVID-19. 

Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, vai trò, trách nhiệm người đứng đầu; đẩy mạnh giải ngân đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công. 

Viện trưởng VKSND tối cao quyết định Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trong ngành Kiểm sát nhân dân do một đồng chí Phó Viện trưởng làm Tổ trưởng với các thành viên tham gia là lãnh đạo một số đơn vị thuộc VKSND tối cao. Gắn trách nhiệm của các đơn vị chức năng để theo dõi, đánh giá và xem xét kết quả giải ngân của các đơn vị là một trong những tiêu chí về thực hiện nhiệm vụ và xem xét thi đua cuối năm. 

Đồng thời, tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc đến VKSND cấp cao, VKSND cấp tỉnh và các đơn vị trực thuộc VKSND tối cao để triển khai chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về thúc đẩy giải ngân kế hoạch vốn đầu tư; đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư, khó khăn, vướng mắc trong công tác giải ngân để bàn giải pháp tháo gỡ; tập huấn về phân cấp đầu tư trong Ngành (cầm tay, chỉ việc) để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công được giao…

Cùng với đó, đồng chí Nguyễn Quang Dũng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao cũng nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án đầu tư công; đồng thời, nêu một số đề xuất, kiến nghị để giúp ngành Kiểm sát nhân dân hoàn thành nhiệm vụ đầu tư được giao.

leftcenterrightdel
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: TTXVN)  

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, trong bối cảnh kinh tế - xã hội của đất nước gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh COVID-19, chúng ta phải chắt chiu, giải ngân, sử dụng hiệu quả từng đồng vốn đầu tư công để góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo.

Qua các ý kiến phát biểu, Phó Thủ tướng cho rằng, việc giải ngân chậm có nhiều nguyên nhân, lý do, trong đó có việc ảnh hưởng, tác động của dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa thực sự hợp lý, dẫn đến vướng mắc trong giải ngân…

Về các kiến nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp thu đưa vào báo cáo và tổng hợp chung với báo cáo của các Tổ kiểm tra khác. 

Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, cơ quan thuộc đối tượng kiểm tra tiếp tục rà soát lại nội dung báo cáo, cập nhật chuẩn xác số liệu giải ngân hết tháng 11/2021, ước đến hết tháng 12/2021 và ước đến thời hạn cuối cùng 31/1/2022, qua đó đề xuất các giải pháp xử lý cụ thể.

Trước đó, ngày 22/11/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1962/QĐ-TTg về việc thành lập các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 tại một số bộ, cơ quan Trung ương và địa phương. Theo quyết định, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm Tổ trưởng Tổ công tác số 2, kiểm tra các Bộ, cơ quan gồm: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đài Truyền hình Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, VKSND tối cao, Văn phòng Trung ương Đảng, Kiểm toán Nhà nước, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Đắc Thái