leftcenterrightdel
 Quang cảnh hội nghị.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan tâm và thường xuyên định kỳ tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, điều này phù hợp với quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, qua 4 hội nghị từ đầu nhiệm kỳ đến nay, các đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách đã đóng góp hơn 323 lượt ý kiến đối với 25 dự án luật và 1 dự thảo nghị quyết của Quốc hội. Nhờ đó, đã tiếp thu, chắt lọc được rất nhiều ý kiến có giá trị và xác đáng. Một số dự án luật rất khó như dự án Luật Đất đai (sửa đổi), dự án Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi)…, qua lấy ý kiến tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, chất lượng được nâng lên, đạt được sự thống nhất với sự biểu quyết cao của đại biểu khi xem xét, thông qua.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì hội nghị.

Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 dự kiến diễn ra trong 2,5 ngày, xem xét, cho ý kiến đối với 8 dự án Luật, gồm: dự án Luật Thủ đô (sửa đổi); dự án Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân (sửa đổi); dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); dự án Luật Đường bộ; dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; dự án Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; dự án Luật Lưu trữ (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

leftcenterrightdel
 Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, 8 dự án Luật này đã được Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ Sáu và tất cả các ý kiến đều được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo tổng hợp đầy đủ, tiếp thu tối đa, chỉnh lý và giải trình để hoàn thiện các dự thảo Luật. Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ đạo các Ủy ban của Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo các dự án Luật. Theo Chủ tịch Quốc hội, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, công tác phối hợp giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra dự án Luật rất chặt chẽ, từ sớm, từ xa và đồng hành với nhau từ khi bắt đầu trình dự án Luật cho đến khi Quốc hội thông qua. 

Để hội nghị đạt hiệu quả cao, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội xem xét các dự thảo Luật đến nay đã quán triệt đầy đủ và thể chế hóa một cách nghiêm túc, sát với các chủ trương của Đảng đối với từng vấn đề hay chưa? Đã bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, tính đồng bộ của hệ thống pháp luật và phù hợp với các công ước, hiệp định, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hay chưa?

leftcenterrightdel
 Đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí Thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng các đại biểu dự hội nghị.

Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh yêu cầu rà soát nội dung các dự án Luật cho đến nay đã bám sát các chính sách lớn đặt ra khi xây dựng luật hay chưa? Nội dung nào là mới, những vấn đề bổ sung đã tuân thủ đầy đủ các quy định về xây dựng pháp luật, nhất là quy định về đánh giá tác động hay chưa? 

Cùng với đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu cho ý kiến đối với những vấn đề lớn và những vấn đề cho đến nay vẫn còn ý kiến khác nhau hoặc phương án khác nhau; rà soát những vấn đề liên quan đến áp dụng pháp luật và điều khoản chuyển tiếp.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, quá trình xây dựng các dự án Luật trên cũng như xây dựng luật pháp từ đầu nhiệm kỳ đến nay cần tiếp tục quán triệt nguyên tắc Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 9/11/2022 Hội nghị lần thứ Sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu tham dự hội nghị.

Theo đó, "đối với những vấn đề đã chín, đã đủ rõ, có sự đồng thuận, thống nhất cao thì quy định ở trong luật; những vấn đề chưa chín, chưa đủ rõ, còn có ý kiến khác nhau thì cần tiếp tục nghiên cứu; những vấn đề thực sự cấp bách nhưng cũng chưa có sự thống nhất cao, nếu có sự chấp thuận của cơ quan chức năng có thẩm quyền thì nghiên cứu để có bước đi phù hợp", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. 

Dự kiến chương trình xây dựng pháp luật tại Kỳ họp thứ Bảy tới của Quốc hội rất nhiều, Chủ tịch Quốc hội khẳng định, hội nghị lần này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc hoàn thành nhiệm vụ lập pháp của Kỳ họp. Do đó, Chủ tịch Quốc hội mong muốn các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, có giá trị để Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện các dự thảo luật đạt chất lượng tốt nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ Bảy tới. 

Ngay sau phần khai mạc, hội nghị tiến hành xem xét, cho ý kiến một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi).

Diên Hồng