Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ Nhất Quốc hội khóa XV, sáng nay (ngày 24/7), dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiệm kỳ 2016-2021 Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Ngay sau đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo thẩm tra về vấn đề nêu trên.

leftcenterrightdel
Toàn cảnh phiên làm việc của Quốc hội sáng 24/7. 

Cơ bản tán thành với Báo cáo của Chính phủ

Trình bày ý kiến thẩm tra trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, Ủy ban cơ bản tán thành với một số nhận định về kết quả đạt được tại Báo cáo của Chính phủ; cho rằng, trong thời gian qua (giai đoạn 2016-2020), kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện, là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn 5 năm và dự toán hàng năm.

Cùng với đó, nhiều tồn tại, hạn chế của giai đoạn 2011-2015 được từng bước khắc phục; thể chế pháp luật về đầu tư công từng bước được hoàn thiện; việc phân bổ vốn cơ bản tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức; cơ cấu lại vốn đầu tư công đạt kết quả bước đầu tích cực, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công được cải thiện; công tác chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công được quan tâm, nhất là trong điều kiện đại dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp, góp phần quan trọng trong thực hiện mục tiêu kép vừa phòng chống dịch vừa thúc đẩy phát triển kinh tế…

leftcenterrightdel
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường. 

Bên cạnh kết quả đạt được, Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhận thấy, kế hoạch đầu tư công trung hạn vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Việc hoàn thành các mục tiêu theo Nghị quyết 26 chưa đạt, có 2 mục tiêu không đạt so với kế hoạch; việc thực hiện một số nhiệm vụ, mục tiêu đề ra tại Nghị quyết 26 chưa thành công; nhiều dự án quan trọng quốc gia, dự án trọng điểm chậm tiến độ, một số công trình phải điều chỉnh tổng mức đầu tư quá lớn; nhiều trường hợp bố trí vốn không đúng tiến độ, nhiều dự án chưa đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công; việc giải ngân còn chậm, nhất là các dự án sử dụng vốn ODA.... Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị Chính phủ có giải pháp quyết liệt để khắc phục trong thời gian tới.

Đảm bảo vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương

Về tổng mức đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính- Ngân sách cho rằng, về tổng thể, vốn đầu tư công dự kiến tăng so với số kế hoạch giai đoạn 2016-2020 là tích cực. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát thận trọng nguồn thu để bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, giữ vững an toàn nợ công; bảo đảm hài hòa giữa tăng trưởng với các nhiệm vụ an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững…

Về cơ cấu nguồn vốn, đa số ý kiến trong Ủy ban Tài chính-Ngân sách nhất trí với đề xuất của Chính phủ về cơ cấu vốn ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách địa phương (NSĐP) để đảm bảo vai trò chủ đạo của NSTW.

leftcenterrightdel
Các đại biểu Quốc hội tại phiên làm việc sáng 24/7. 

Ủy ban Tài chính-Ngân sách cũng cơ bản nhất trí về danh mục và tổng vốn đầu tư dành cho các Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG), tuy nhiên, việc hoàn thành thủ tục triển khai các CTMTQG cho đến nay là quá chậm. Đề nghị Chính phủ rà soát lại nhiệm vụ, mục tiêu, đối tượng, địa bàn để bảo đảm không trùng lắp, gây lãng phí ngân sách. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư theo quy định trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư dự án quan trọng quốc gia, tránh việc chia nhỏ dự án không đúng quy định.

Đối với các kiến nghị của Chính phủ, Ủy ban Tài chính-Ngân sách cơ bản thống nhất với đề xuất của Chính phủ về quan điểm, mục tiêu, nguyên tắc, tiêu chí, định hướng, thứ tự ưu tiên trong phân bổ kế hoạch đầu tư công trung hạn; thống nhất dự kiến tổng mức vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; mức dự phòng NSTW 10%, dự phòng NSĐP do Hội đồng nhân dân quyết định theo quy định của Luật Đầu tư công.

Đối với số vốn đã có danh mục dự án, có đầy đủ chủ trương đầu tư, Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị, sau khi Quốc hội quyết định kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, Thủ tướng Chính phủ Chính phủ khẩn trương giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bảo đảm theo đúng quy định tại khoản 2 Điều 52 Luật Đầu tư công.

Đối với số vốn chưa có danh mục dự án hoặc dự án chưa có đầy đủ chủ trương đầu tư, Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị trình Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư, Quốc hội ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi giao kế hoạch đầu tư công trung hạn như đã thực hiện trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV nhằm bảo đảm linh hoạt, kịp thời nhưng vẫn bảo đảm trách nhiệm của cơ quan dân cử trong phân bổ NSNN.

Vũ Cảnh