|
|
Đồng chí Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại Hội nghị. |
Đó là phát biểu của đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương tại Hội nghị triển khai thực hiện Chỉ thị số 14/CT-TW ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị và sơ kết giữa nhiệm kỳ 2019-2024 khóa XIII của Hội Luật gia Việt Nam ngày hôm nay (12/10).
Tham dự Hội nghị còn có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Đảng đoàn Hội Luật gia Việt Nam khóa X; Trần Quốc Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Nội chính Trung ương; Ngô Trung Thành, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Quốc hội và lãnh đạo một số bộ, ngành…
Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Văn Quyền, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam cho biết, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Hội Luật gia Việt Nam được tổ chức vào tháng 9/2019, đến nay đã đi qua hơn một nửa thời gian nhiệm kỳ khóa XIII, để phấn đấu đạt mục tiêu và các chỉ số cụ thể, hoàn thành các nhiệm vụ mà Đại hội đã đề ra, các cấp hội và toàn thể hội viên đã không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách, nhất là trong 2 năm 2020 và 2021 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19. Các cơ quan lãnh đạo của Trung ương Hội và các cấp hội đã kịp thời có hướng dẫn, định hướng để các cấp hội, đơn vị trực thuộc chuyển đổi hình thức và phương thức hoạt động phù hợp, thích ứng với tình hình.
Lãnh đạo của Trung ương Hội cũng tích cực chủ động đề xuất với lãnh đạo Đảng và Nhà nước, tăng cường công tác phối hợp với các bộ, ngành để mở ra các phương thức đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả các mặt công tác của Hội. Các cấp hội địa phương, đơn vị trực thuộc cũng phát huy tinh thần chủ động công tác để hạn chế tính hình thức, cứng nhắc để các mặt công tác đi vào thực chất, gắn với nhu cầu thực tiễn…
Đặc biệt, Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 1/7/2022 của Bộ Chính trị đã tạo điều kiện cho Hội phát huy thế mạnh, khắc phục những hạn chế, tồn tại hiện nay, đẩy mạnh các mặt công tác, và cũng đặt ra những nhiệm vụ mới đối với Hội trước kỳ vọng của Đảng về vai trò của Hội trong việc đóng góp vào công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc…
Ông Nguyễn Văn Quyền cũng cho biết, Hội nghị có hai nhiệm vụ quan trọng, đó là thảo luận về những kết quả đã đạt được trong thời gian nửa đầu nhiệm kỳ, những hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và thống nhất về phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian còn lại của Khóa XIII; đồng thời, quán triệt Chỉ thị số 14-CT/TW và Kế hoạch của Đảng đoàn về thực hiện Chỉ thị số 14.
Theo báo cáo sơ kết thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2019 – 2024; Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 14-CT/TW, ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới do TS. Trần Công Phàn, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội Luật gia Việt Nam trình bày, trong gần 3 năm qua, ngay sau khi tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII nhiệm kỳ 2019-2024, bám sát đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật và sự điều hành, quản lý Nhà nước, Hội đã tổ chưc nhiều hoạt động và đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể như: công tác tham gia xây dựng chính sách pháp luật của các cấp Hội Luật gia Việt Nam đã được đẩy mạnh với những hình thức đa dạng, chất lượng. Công tác tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý ngày càng có hiệu quả, thực chất.
Ngoài ra, công tác phổ biến, giáo dục pháp luật có nhiều đổi mới, sáng tạo, góp phần thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nươc về công tác này…
Để tiếp tục phát huy vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, trong thời gian tới, Hội Luật gia đã đề ra 8 phương hướng, nhiệm vụ cụ thể như: Triền khai thực hiện Chỉ thị 14/CT-TW của Bộ Chính trị về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới. Xây dựng chương trình, kế hoạch với từng cấp Hội để quán triệt và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ theo Chỉ thị 14.
Đổi mới nội dung, phương thức tổ chức, hoạt động của các cấp Hội…Phát huy vai trò của Hội với tư cách là thành viên MTTQ Việt Nam, mở rộng và tăng cường quan hệ với các tổ chức chính trị- xã hội nghề nghiệp, tăng cường mối quan hệ phối hợp trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, giám sát và phản biện xã hội, thực hiện chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực pháp luật…
Tham dự và chỉ đạo Hội nghị, đồng chí Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Nội chính Trung ương cho biết: Hội nghị có ý nghĩa rất quan trọng, không những kiểm điểm, đánh giá việc thực hiện Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc Hội Luật gia Việt Nam lần thứ XIII mà còn quán triệt triển khai Chỉ thị 14 rất quan trọng của Bộ Chính trị, tạo được thống nhất cao về nhận thức và hành động, quyết tâm xây dựng Hội Luật gia Việt Nam vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức và nghề nghiệp, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 6 khóa XIII về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong giai đoạn mới.
Đồng chí cũng đánh giá cao và biểu dương những kết quả, thành tích Hội Luật gia Việt Nam đã đạt được trong thời gian qua, cũng như những phát biểu, tham luận tâm huyết, trách nhiệm của các đại biểu.
Cũng theo đồng chí Phan Đình Trạc, để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị, Hội Luật gia Việt Nam cần chú trọng thực hiện một số nhiệm vụ cốt lõi sau:
Cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Hội Luật gia Việt Nam theo tinh thần của Chỉ thị 14 của Bộ Chính trị. Theo đó, Hội Luật gia Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp; hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, là thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam…
Đồng thời, thường xuyên chăm lo xây dựng, bồi dưỡng, giáo dục, đào tạo đội ngũ cán bộ, hội viên về tư tưởng chính trị, phẩm chất đạo đức, năng lực công tác chuyên môn, nghiệp vụ. Hội viên luật gia phải có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, gương mẫu.
Hội cũng cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý, tăng cường tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nghiên cứu xây dựng đề án phát huy vai trò của Hội luật gia các cấp trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật giai đoạn 2022-2027. Đồng thời, chủ động tham gia công tác cải cách tư pháp, cải cách hành chính, phòng chống tham nhũng, tiêu cực…
Trưởng Ban Nội chính Trung ương cũng nhấn mạnh: Hội Luật gia Việt Nam luôn phải là đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý và trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền, là chỗ dựa tin cậy của Đảng, Nhà nước và nhân dân, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao.