Hà Nội: Long trọng kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng
Cập nhật lúc 19:47, Thứ sáu, 27/01/2023 (GMT+7)
Sáng 27/1 (mùng 6 tháng Giêng), tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội), Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân dự lễ kỷ niệm 1983 năm cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng và khai mạc lễ hội Đền Hai Bà Trưng Xuân Quý Mão 2023.
Sau hai năm không tổ chức do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, năm nay, lễ hội đền thờ Hai Bà Trưng (huyện Mê Linh, Hà Nội) tiếp tục được tổ chức theo nghi thức truyền thống địa phương, gồm phần lễ và phần hội, diễn ra vào các ngày 27, 28, 29/1/2023 (tức các ngày mùng 6, mùng 7, mùng 8 tháng Giêng năm Quý Mão).
Theo Ban tổ chức, Lễ kỷ niệm 1983 năm Khởi nghĩa Hai Bà Trưng bao gồm lễ dâng hương, mít tinh kỷ niệm ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa và tế lễ theo nghi thức truyền thống cổ truyền. Vào ngày chính hội mùng 6 tháng Giêng, người dân Mê Linh tổ chức rước kiệu Hai Bà, kiệu Thành hoàng làng Hạ Lôi và kiệu Thánh Cốt Tung (danh tướng của Hùng Duệ Vương được thờ tại làng Hạ Lôi).
|
|
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dự lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng. |
|
|
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân và các đại biểu dâng hương tại Đền Hai Bà Trưng. |
|
|
Chương trình văn nghệ tại lễ khai mạc. |
|
|
Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại buổi lễ. |
Tại lễ kỷ niệm, Quyền Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhấn mạnh: Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí hiên ngang và khí phách quật cường của dân tộc ta, thể hiện truyền thống yêu nước nồng nàn của phụ nữ Việt Nam.
Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là cuộc khởi nghĩa đầu tiên trong lịch sử dân tộc Việt Nam do phụ nữ lãnh đạo. Từ trong ngọn lửa của cuộc khởi nghĩa ấy tỏa ra chân lý lịch sử: Một dân tộc dù nhỏ bé nhưng đã quyết tâm đứng lên, đoàn kết một lòng làm chủ đất nước và số phận của mình thì không một sức mạnh cường bạo nào có thể tiêu diệt được.
|
|
Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn phát biểu tại buổi lễ. |
Đọc diễn văn kỷ niệm, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mê Linh Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh, khởi nghĩa Hai Bà Trưng đã ghi mốc son chói lọi đầu tiên trong lịch sử giữ nước của dân tộc Việt Nam. Ngay sau khi khởi nghĩa thắng lợi, Hai Bà Trưng xưng vương, lập Kinh đô, tiến hành củng cố, xây dựng lại đất nước.
|
|
Bí thư Huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm đánh trống khai hội. |
|
|
Để tưởng nhớ công lao to lớn của Hai vị nữ anh hùng dân tộc, nhân dân Mê Linh đã lập Đền thờ; hàng năm vào ngày mùng 6 tháng Giêng, ngày Hai Bà Trưng tế cờ khởi nghĩa; Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Mê Linh tổ chức tế lễ để tỏ lòng tri ân, tôn kính đối với Hai Bà Trưng, cầu mong Hai Bà phù hộ độ trì cho Quốc thái dân an. |
|
|
Ông Trần Mạnh Thắng - Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Văn hóa - Thông tin và thể thao huyện Mê Linh cho biết, lễ rước kiệu ở lễ hội Đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh có nét đặc trưng riêng. Theo đó, sáng mồng 4 tháng Giêng âm lịch, sau khi làm lễ "Tế trình", đoàn rước hai cỗ kiệu của Hai Bà Trưng đi từ đền về đình Hạ Lôi. |
|
|
Năm 2013, Đền Hai Bà Trưng được Nhà nước xếp hạng là Di tích Lịch sử Quốc gia đặc biệt. Năm 2018, lễ hội Đền Hai Bà Trưng được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia. Năm 2021 được Thành phố công nhận là điểm đến du lịch. |
|
|
Những năm qua, được sự quan tâm, đầu tư của các cấp, các ngành và nhân dân cả nước, khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hai Bà Trưng được trùng tu, tôn tạo, xây dựng nhiều hạng mục công trình ngày càng khang trang, tố hảo, trường tồn với thời gian, với lịch sử. |
|
|
Đền Hai Bà Trưng thực sự là một công trình Văn hóa tâm linh, Di tích Lịch sử - Văn hóa - Cách mạng quý giá, điểm đến du lịch của Thủ đô Hà Nội và cả nước. |
|
|
Sự kiện được tổ chức đảm bảo an ninh trật tự, an toàn. |
Theo TTXVN