Vẫn còn tình trạng đùn đẩy, vòng vo
 
Nguyên nhân của những vấn đề này, theo Đại biểu Âu Thị Mai (Tuyên Quang) là do các cơ quan có thẩm quyền mới chỉ chú trọng tới việc trả lời các kiến nghị đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân để tránh tồn đọng mà chưa quan tâm thỏa đáng tới việc giải quyết hoặc xây dựng lộ trình giải quyết dứt điểm kiến nghị đơn thư khiếu nại, tố cáo dẫn đến tình trạng số lượng kiến nghị, đơn thư khiếu nại, tố cáo được trả lời rất lớn nhưng chất lượng của việc giải quyết kiến nghị còn chưa cao. Bên cạnh đó, một số vụ việc có tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm hoặc trả lời vòng vo, không rõ ràng của các cơ quan chức năng và các cán bộ có thẩm quyền giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo. Chính vì không được trả lời rõ ràng, giải quyết thấu đáo nên người dân vẫn đeo bám để đề nghị, kiến nghị, yêu cầu giải quyết từ năm này qua năm khác gây lãng phí thời gian, tổn hại kinh tế của Nhà nước và nhân dân.
 
Đại biểu Âu Thị Mai - tỉnh Tuyên Quang
Đại biểu Âu Thị Mai - tỉnh Tuyên Quang
 
Còn theo Đại biểu Dương Xuân Hòa (Lạng Sơn), việc phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết và rà soát khiếu nại, tố cáo của cơ quan hành chính, cơ quan tư pháp có lúc, có nơi chưa chặt chẽ, nhịp nhàng. Việc tiếp công dân tại một số cơ quan, đơn vị, nhất là cấp cơ sở chưa ghi chép được đầy đủ thông tin, nội dung công dân trình bày. Công tác phân loại, xử lý, tổng hợp số liệu tại một số cơ quan, đơn vị chưa đồng bộ, thống nhất…
 
Đại biểu Dương Xuân Hòa - tỉnh Lạng Sơn
Đại biểu Dương Xuân Hòa - tỉnh Lạng Sơn
 
Ngoài ra, Đại biểu cho rằng, quy định của các luật liên quan đến khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp còn có sự thiếu thống nhất, đơn cử như quy định về thẩm quyền giải quyết tố cáo trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính và Bộ luật Tố tụng hình sự có sự khác nhau. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân trong kiểm sát việc giải quyết khiếu nại được quy định trong Luật Tố tụng hình sự, Luật Thi hành án hình sự khác với quy định trong Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Thi hành án dân sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, từ đó dẫn đến nhận thức, hướng dẫn và áp dụng pháp luật của các cơ quan tư pháp chưa thống nhất. Việc xác định trách nhiệm tuân theo pháp luật trong xử lý khiếu nại, tố cáo còn gặp khó khăn. Đây là những ảnh hưởng nhất định đến công tác xử lý khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp. Vấn đề này đã được đề cập trong Báo cáo số 110 ngày 14/10/2016 của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
 
Nâng cao năng lực giải quyết của cán bộ
 
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp dân, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan có thẩm quyền trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, Đại biểu Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) kiến nghị, cần tập trung củng cố tổ chức, nâng cao năng lực, trình độ giải quyết của cán bộ, công chức. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong việc thực hiện về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và tiếp công dân. Xử lý nghiêm đối với những người thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết khiếu nại, tố cáo. Nhiều đại biểu cho rằng, cần phải nhanh chóng để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nhưng tôi cho rằng điểm này cũng không phải là điểm quan trọng, bởi vì hệ thống pháp luật về khiếu nại, tố cáo, tiếp công dân của chúng ta Quốc hội vừa ban hành, Luật tố cáo Quốc hội đang thảo luận, Luật Đất đai cũng mới sửa đổi năm 2013 và Quốc hội cũng đã chú ý rất nhiều đến nội dung này. Giải pháp quan trọng nhất vẫn là nâng cao năng lực giải quyết của cán bộ từ cơ sở đến Trung ương để giải quyết khiếu nại, tố cáo.
 
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình
Đại biểu Bùi Văn Xuyền - tỉnh Thái Bình
 
Hai là, rà soát, phân loại, thống kê, lập danh sách các vụ việc tồn đọng, phức tạp lâu ngày. Vấn đề này đã có một nghị quyết để giải quyết, trước đây giải quyết rất tốt nhưng gần đây việc theo dõi, giám sát để giải quyết những vụ việc phức tạp cũng chưa được tốt. Đặc biệt phải xây dựng phương án, thời gian, lộ trình, trách nhiệm của các cơ quan giải quyết. Những vụ việc chấm dứt giải quyết cũng phải được công khai, minh bạch trên phương tiện thông tin để mọi người cũng như đại biểu Quốc hội biết, theo dõi, giám sát. Hàng năm, Chính phủ báo cáo nội dung này trước Quốc hội. “Tôi cho rằng phương án lập danh sách cụ thể các vụ việc có lộ trình giải quyết, có cơ quan giải quyết để công khai, minh bạch thời gian giải quyết, đó là việc giám sát rất rõ và trách nhiệm các cơ quan vào cuộc rất mạnh thì giải quyết những vụ việc tồn đọng lâu ngày sẽ rất hiệu quả”- Đại biểu Xuyền cho rằng, cũng cần có sự tăng cường sự phối hợp với các cơ quan dân cử, Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị xã hội để tạo sự đồng thuận trong nhân dân và dư luận xã hội đồng tình với kết quả giải quyết của các vụ việc phức tạp, tránh việc có cách hiểu cũng như các luồng dư luận khác nhau, tăng sự thuyết phục đối với kết quả giải quyết, như vậy sẽ đem lại hiệu quả tốt hơn trong dư luận xã hội và tránh được việc yếu tố kéo dài.
 
Đại biểu Trần Văn Lâm - tỉnh Bắc Giang
Đại biểu Trần Văn Lâm - tỉnh Bắc Giang
 
Đại biểu Trần Văn Lâm thì cho rằng, khiếu nại, tố cáo, bức xúc của người dân đều bắt nguồn từ những lý do chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, lịch sử nhất định. Việc giải quyết căn bản tận gốc phải đòi hỏi cả hệ thống chính trị vào cuộc, việc này nhiều nơi đã làm nhưng không phải ngành, địa phương nào cũng tích cực…Đồng thời, cần coi trọng và phát huy hơn nữa vai trò của hòa giải cộng đồng. Trên thực tế, nhiều trường hợp mâu thuẫn, vướng mắc ban đầu không lớn nhưng hoặc do chưa được tuyên truyền giải thích cặn kẽ hoặc do cá nhân khiếu kiện bị xa lánh, đẩy họ đến chiều hướng cực đoan. “Thật đau xót khi phải chứng kiến nhiều vụ phức tạp, giải quyết mãi không dứt lại là những việc mà con kiện cha, anh em trong nhà kiện nhau, hàng xóm láng giềng tranh chấp lối đi, hàng rào, thậm chí giọt gianh”- đại biểu nói và bày tỏ trong nhiều trường hợp nếu cứ lấy lý lẽ mà bắt bẻ với nhau thì chưa chắc đã rạch ròi, việc xử lý cứ mãi như chuyện “con kiến mà leo cành đa”. Việc hòa giải trong cộng đồng khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, đùm bọc lẫn nhau, chín bỏ làm mười có khi lại nhanh chóng, hiệu quả hơn nhiều các quyết định hành chính, thực tế ở địa phương như Bắc Giang trong năm 2016, sau thực hiện hòa giải có tới 30% số người tự nguyện rút đơn khiếu nại, tố cáo.
 
Cùng với đó, theo đại biểu Lâm, phải quan tâm hơn nữa đến cơ sở, làm nhiều hơn nữa để nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết của cấp có thẩm quyền đầu tiên, vì mọi đám cháy bao giờ cũng bắt đầu từ đốm lửa. Nếu các vụ việc được giải quyết thấu đáo ngay khi vừa nảy sinh sẽ không có phức tạp kéo dài, vượt cấp.
 
Đại biểu Lâm cũng nhấn mạnh việc phải nghiêm minh, cứng rắn hơn với những hành vi quá khích, gây rối, chửi bới, xâm hại nhân phẩm, danh dự của người giải quyết, thực trạng này hiện nay khá phổ biến và đó là tự do quá trớn, vô pháp. Không ít cán bộ của chúng ta hiện nay vẫn phải nhẫn nhục, chịu đựng để thực hiện nhiệm vụ phân công, họ hoàn toàn trong sáng và không đáng bị đối xử như vậy.
 
Minh Nhật