Không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự

Theo đó, trường hợp người có nghĩa vụ kê khai đã kê khai không trung thực hoặc có tài sản, thu nhập tăng thêm mà không giải trình được một cách hợp lý về nguồn gốc, Chính phủ đề xuất hai phương án xử lý là đánh thuế thu nhập cá nhân, mức thuế suất 45%; hoặc xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền bằng 45% giá trị của phần tài sản, thu nhập chênh lệch hoặc tăng thêm.

Cả hai phương án trên đều không loại trừ việc xử lý trách nhiệm hình sự và tịch thu tài sản, nếu cơ quan chức năng chứng minh tài sản kê khai không trung thực, tài sản tăng thêm không giải trình một cách hợp lý đó có nguồn gốc từ hành vi phạm tội

leftcenterrightdel
Đại biểu Bế Minh Đức – Cao Bằng  

Đại biểu Bế Minh Đức (Cao Bằng) nhất trí phương án truy thu thuế thu nhập cá nhân và không loại trừ xử lý trách nhiệm hình sự. Theo đại biểu phương án này phù hợp với tình hình cụ thể và điều kiện nước ta hiện nay. Hiện việc quản lý thu nhập đầu vào với công chức hết sức khó khăn.

Ngoài tiền lương, cán bộ, công chức còn nhiều khoản thu nhập khác từ tham gia giảng dạy, rồi kinh doanh bất động sản, chứng khoán… có những khoản thu nhập gấp nhiều tiền lương, họ che giấu nhưng đây không phải tài sản bất hợp pháp. Theo đại biểu, chừng nào chưa chứng minh được tài sản của họ bất hợp pháp thì vẫn phải suy đoán đó là tài sản hợp pháp, không thể suy đoán theo hướng có tội.

Trường hợp cơ quan chức năng xác định được tài sản của cán bộ, công chức là bất hợp pháp, được hình thành do vi phạm pháp luật thì căn cứ vào Luật Hình sự, Luật Dân sự để xử lý, tịch thu.

Tuy nhiên, trong điều kiện thực tế của Việt Nam, cơ quan chức năng chưa kiểm soát được hết tài sản, thu nhập của toàn xã hội, có những trường hợp tài sản của cán bộ hình thành nhờ cho, biếu, tặng, làm thêm hợp pháp… Như vậy loại tài sản, thu nhập này có thể không được giải trình hợp lý về nguồn gốc, nhưng không khẳng định đó là tài sản bất hợp pháp, thì việc cơ quan chức năng áp dụng biện pháp thu thuế là hợp lý.

Mở rộng ra khu vực tư

Một nội dung mới của dự thảo Luật phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là quy định mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước; áp dụng đối với công ty đại chúng, tổ chức tín dụng.

Dự Luật cũng sẽ điều chỉnh cả các tổ chức xã hội do Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ hoặc Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập hoặc phê duyệt điều lệ, thường xuyên huy động các khoản đóng góp của nhân dân để hoạt động từ thiện (bỏ quy định áp dụng đối với quỹ đầu tư như dự thảo cuối năm 2017).

Một số đại biểu nêu ý kiến nhất trí với việc mở rộng phạm vi như trên, vì cho rằng điều này phù hợp với xu thế quốc tế, với Bộ Luật Hình sự 2015 và trong thực tế nhiều khi hành vi hối lộ, nhận hối lộ xuất phát từ chính các doanh nghiệp khu vực ngoài nhà nước.

Một số ý kiến không tán thành với việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước. Có ý kiến cho rằng việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật cần phải có lộ trình, thời gian để đảm bảo tính khả thi, đồng bộ, phù hợp với các đạo luật khác. Đồng thời, nên cân nhắc việc mở rộng ra ngoài khu vực nhà nước có thể ảnh hưởng đến quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp hoặc chỉ mở rộng đối với công ty đại chúng là những doanh nghiệp lớn, có niêm yết để bảo đảm quyền lợi cho cổ đông.

Thực tế nhiều vụ việc sai phạm xảy ra thời gian qua cho thấy, sự thiếu minh bạch và thiếu cơ chế kiểm soát hữu hiệu đối với các tổ chức, doanh nghiệp này là một trong những nguyên nhân để xảy ra những thiệt hại cho nền kinh tế, cho Nhà nước, xã hội và người dân.

Kết quả rà soát pháp luật hiện hành có liên quan cho thấy, công tác phòng chống tham nhũng trong các tổ chức, doanh nghiệp này chưa được quy định rõ ràng về phương thức và biện pháp cụ thể. Riêng đối với các doanh nghiệp, mặc dù pháp luật về các tổ chức tín dụng, công ty đại chúng và doanh nghiệp nói chung đã quy định một số biện pháp quản lý, điều hành có liên quan, như ngăn ngừa xung đột lợi ích, báo cáo và công bố thông tin… Tuy nhiên, vẫn còn thiếu những biện pháp cần thiết như minh bạch, kiểm soát tài sản, thu nhập của người giữ chức vụ quản lý, điều hành; việc xử lý vi phạm phạm.

Nếu lựa chọn phương án mở rộng việc áp dụng bắt buộc một số biện pháp phòng chống tham nhũng đối với tất cả các tổ chức, doanh nghiệp trong khu vực ngoài nhà nước thì sẽ không mang tính khả thi trong tổ chức thực hiện, do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa đủ khả năng đáp ứng nguồn lực cho việc tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát quá trình triển khai công tác phòng, chống tham nhũng ở khu vực này.

Xuân Hưng