Đồng thời, có kế hoạch điều tiết nguồn vaccine, tuyệt đối tránh tình trạng trước mắt chưa có vaccine, nhưng đến cuối năm 2021, hoặc đầu năm 2022 vaccine lại về cấp tập.
|
|
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý, TP. HCM phải tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ. Ảnh: VGP |
Các chuyên gia đã nêu vấn đề này tại cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 với UBND TPHCM, hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang về công tác phòng, chống dịch chiều nay (2/6). Cuộc họp do Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì.
Giám đốc Sở Y tế TP. HCM Nguyễn Tấn Bỉnh cho biết, chuỗi lây nhiễm từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng phát hiện từ ngày 26/5, từ đây phát hiện ra một chuỗi lây nhiễm. Hiện 40/55 người trong nhóm đã dương tính. Từ nhóm này, dịch bệnh đã lan ra 16/22 quận, huyện của TP. HCM, đã qua 3-4 chu kỳ lây nhiễm, liên quan đến khách sạn, doanh nghiệp,… Từ thành phố, dịch bệnh cũng đã lây lan ra một số tỉnh, thành khác. Tính đến trưa 2/6, thành phố đã ghi nhận thêm 23 ca mắc COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm lên 240 trường hợp.
Hiện nay, TP. HCM đã phối hợp với các địa phương truy vết, phát hiện rất nhanh, đều xác định được nguồn gốc lây liên quan đến chùm lây nhiễm của nhóm truyền giáo. Tuy nhiên, Bộ Y tế đánh giá rủi ro dịch bệnh của TP. HCM vẫn còn rất cao do là đô thị lớn, hoạt động tôn giáo phức tạp, có những người liên quan đến khu công nghiệp.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Là đô thị lớn nên TP. HCM phải tăng cường tầm soát, xét nghiệm sàng lọc những khu vực có nguy cơ, có trọng tâm, trọng điểm. Một mặt truy vết các ca trong chuỗi lây nhiễm, kêu gọi người dân có triệu chứng nghi nhiễm cần chủ động đến các cơ sở y tế hoặc thông báo cho chính quyền địa phương, lực lượng phòng, chống dịch. Các cơ sở y tế tăng cường các hoạt động tầm soát, tập trung vào các đối tượng nguy cơ.
Ngoài ra, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý công nhân trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, tránh tình trạng “khi có tình huống lại trở tay không kịp”; hướng dẫn thí điểm để công nhân trong khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm, đề phòng tình huống xấu, lực lượng lấy mẫu quá tải khi dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp.
|
|
Theo Bộ Y tế, dự kiến đến cuối năm nay, nhiều khả năng chúng ta đủ vaccine tiêm cho 70% dân số. Ảnh: VGP |
Phó Thủ tướng cũng lưu ý lãnh đạo TP. HCM, khi xuất hiện tình huống dịch bệnh bùng phát trong khu công nghiệp, việc tổ chức khoanh vùng, cách ly y tế phải thực hiện chặt chẽ, khoa học, tránh lây nhiễm chéo,…
Đối với tình hình tại Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo yêu cầu tỉnh Bắc Ninh tập trung ngăn chặn, không để dịch lan từ cụm công nghiệp, sang khu công nghiệp. Tỉnh Bắc Ninh phải xem xét rất kỹ lưỡng, làm rõ nguyên nhân tại sao ổ dịch ở một số xã của huyện Thuận Thành kéo cả tháng, chứng tỏ đó đây trong khu cách ly, phong tỏa không thực hiện nghiêm các quy định giãn cách xã hội. Tỉnh Bắc Ninh phải tuyệt đối không để tình trạng trong khu cách ly, phong tỏa, quản lý không nghiêm ngặt.
Còn từ điểm cầu Bắc Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Lê Ánh Dương cho biết, tình hình dịch xu thế rất rõ, tâm dịch đã co lại ở huyện Việt Yên. Trong huyện Việt Yên co lại chủ yếu ở thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu) và các khu cách ly tập trung với 90% ca nhiễm mới được phát hiện. Các huyện khác cơ bản đã an toàn, tỉnh tiếp tục xét nghiệm tầm soát rất tích cực nhưng chưa phát hiện ca nhiễm mới.
Bắc Giang đã tiêm vaccine cho trên 65.000 công nhân và dự kiến sẽ kết thúc việc tiêm 120.000 liều vaccine trong vài ngày tới. Tỉnh cũng đã cho 13 doanh nghiệp quay lại hoạt động theo mô hình chuỗi an toàn với khoảng 5000 công nhân…
Ban Chỉ đạo đánh giá, tỉnh Bắc Giang đang đi đúng hướng trong công tác phòng, chống dịch. Tỉnh cần tiếp tục tầm soát ngoài cộng đồng; đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động an toàn. Đặc biệt, những “điểm nóng” là khu cách ly, phong tỏa tập trung nhiều công nhân, có nhiều ca nhiễm như thôn Núi Hiểu (xã Quang Châu, huyện Việt Yên) cần tiếp tục thực hiện biện pháp mạnh, tiếp tục đưa toàn bộ công nhân ra khỏi những nơi này; làm sạch địa bàn.
Đối với vấn đề vaccine, các chuyên gia phân tích, Chính phủ, Ban Chỉ đạo ngay từ đầu dịch đã chỉ đạo nghiên cứu, phát triển vaccine phòng COVID-19 trong nước; tiếp cận, đàm phán mua vaccine từ tháng 5/2020. Còn lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, dự kiến đến cuối năm 2021, nhiều khả năng chúng ta đủ vaccine tiêm cho 70% dân số, tương đương 150 triệu liều.
Tính đến ngày 1/6, cả nước đã hoàn thành tiêm chủng đợt 1, đợt 2 tổng số 1.041.948 liều/ 917.600 liều vaccine phân bổ, tỷ lệ sử dụng đạt 114%. Toàn bộ 63/63 tỉnh, thành phố có tỷ lệ sử dụng vaccine đạt trên 100%. Đến 16/5 vừa qua, Bộ Y tế tiếp nhận 1.682.400 liều vaccine phòng chống COVID-19 do COVAX Facility hỗ trợ và triển khai tiêm chủng từ ngày 27/5.