Chiều 4/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở Hội trường về các vấn đề Kinh tế - Xã hội. Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về vấn đề thủy điện, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng – Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre đã có phần tranh luận về những vấn đề, quan điểm giải trình Bộ trưởng nêu.

leftcenterrightdel
 Phiên làm việc của Quốc hội chiều ngày 4/11.

Cả nước hiện có 429 thủy điện các loại

Mở đầu phần giải trình, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh cho biết, hiện cả nước có 429 thủy điện với các quy mô khác nhau, diện tích trữ nước khoảng 56 tỉ m3, công suất khoảng 20.000 MGW, đóng góp khoảng 37% nguồn năng lượng. Bộ trưởng đánh giá đây là nguồn năng lượng quan trọng cho nhu cầu của đất nước trong phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, thủy điện có mặt tích cực và tiêu cực tùy thuộc vào sự quản lý và chính sách liên quan. Mặt tích cực là thủy điện là nguồn có độ ô nhiễm ít, độ phác thải gần như bằng không. Bộ trưởng Bộ Công thương cho rằng, trên thực tế ngoài chức năng phát điện thì các hồ chứa nước của các đập thủy điện còn tích nước, tùy thuộc công suất có thể góp phần cắt giảm, điều tiết lũ.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định không thể phủ nhận những tác động tiêu cực do các thủy điện, đặc biệt trong đó có tác động đến môi trường, nước và khí hậu cũng như đời sống dân sinh. Nhiều dự án thủy điện cũng có câu chuyện chiếm dụng diện tích rừng tự nhiên và cũng gây ra ảnh hưởng đến rừng đầu nguồn, chức năng của rừng trong phòng chống lũ bão cũng như giảm thiểu tác động môi trường…

leftcenterrightdel
 Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh dẫn chứng, thực hiện chỉ đạo của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ kiểm soát chặt chẽ phát triển thủy điện không cho phép xâm dụng vào rừng tự nhiên, từ năm 2016, Bộ Công thương không bổ sung bất kỳ dự án thủy điện, thủy điện nhỏ nào nếu sử dụng đến đất rừng tự nhiên. Diện tích chiếm dụng đất rừng trồng, đất rừng nghèo của các dự án được bổ sung quy hoạch chỉ có 1,9 ha/1mgw điện. Đánh giá hiệu quả các dự án điện, nhất là thủy điện đã đưa ra khỏi quy hoạch 472 dự án và đưa ra khỏi quy hoạch 8 dự án thủy điện bậc 2.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, qua nắm bắt cho thấy việc sạt lở đất gây thiệt hại về người và của ở Quảng Trị cũng như ở Huế, Quảng Nam vừa qua đều gắn chặt với yếu tố thời tiết mà cụ thể là lượng mưa rất lớn, kéo dài nhiều ngày tác động quan trọng đến cấu tạo địa chất, điều kiện đất đai… là nguyên nhân rất quan trọng gây ra việc sạt lở.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, bên cạnh đó, những tác động của vấn đề khác như mất rừng đầu nguồn, bãi thảm thực vật do tác động của con người qua các dự án thủy điện và các dự án, công trình khác là một trong những yếu tố không thể phủ nhận nhưng đối với đợt mưa lũ, sạt lở ở miền Trung vừa qua, những yếu tố này chỉ đóng một vai trò trong chừng mực nhất định.

Nên tiếp tục đóng cửa rừng?

Sau khi nghe Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh báo cáo, giải trình trước Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đặt vấn đề: “Tôi rất chia sẻ và đồng tình với Bộ trưởng Bộ Công thương là thủy điện đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, và tôi cũng đồng tình rằng, thủy điện đúng là có tính 2 mặt. Tuy nhiên đến thời điểm này chúng ta lấy thước đo nào để khẳng định mặt tốt là ưu việt và mặt xấu chỉ là tạm thời?”.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng phân tích, chúng ta thấy rằng trải qua các vấn đề vừa qua (mưa lũ, sạt lở ở miền Trung – PV) thì người dân không biết đâu mà lần nhưng cứ nhìn thiệt hại vô cùng to lớn, xót xa thì không thể tính toán hết được.

leftcenterrightdel
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. 

Tiếp theo, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn: “Đồng chí cũng nói đến việc không phá rừng tự nhiên… và đã có chỉ đạo, tuy nhiên chúng ta biết rồi. Đôi khi trung ương, thậm chí kể cả địa phương chỉ đạo nhưng mà các đơn vị cũng không thực hiện. Chúng ta không kiểm tra, không xử lý. Thì cái chỗ này cũng chưa rõ”.

“Chúng ta đã bỏ nhiều dự án, gần 500 dự án (dự án thủy điện – PV). Tuy nhiên, đây là những dự án chúng ta đã nhìn thấy rõ nguy cơ và phải nói là tất cả các dự án điện và dự án thủy điện đều có tiềm ẩn về nguy cơ. Đặc biệt đất nước ta có rất nhiều tiềm năng về năng lượng xanh, năng lượng sạch như điện gió, điện mặt trời và chúng ta có thể thay thế được” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng gợi mở.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng khẳng định: “Tôi tán thành với ý kiến của rất nhiều đại biểu là rừng tự nhiên, rừng nguyên sinh rất giá trị. Quảng Nam vừa qua chịu thiệt hại nặng nề về lở đất. Nhưng phải nói rằng, tôi là người đi giám sát Quảng Nam thì thấy rằng rừng ở Quảng Nam còn giữ được nhiều. Và nếu không giữ được như thế thì còn lở nữa”.

“Đồng chí Thủ tướng, đồng chí Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Quốc hội đều thống nhất về một quan điểm là không đánh đổi môi trường lấy sự phát triển. Và chúng ta đã từng có kế hoạch đóng cửa rừng vậy thì chúng ta hãy thực hiện đúng phương châm này… Tôi không chống lại vấn đề làm thủy điện nhưng làm thế nào đây để đất nước không thấy đau đớn, không thấy xót xa, không thấy thiệt thòi” – Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chia sẻ.

Cảnh Vũ