Sáng nay (1/10), tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với phương châm “Dân chủ - Đổi mới - Đoàn kết - Sáng tạo”.

Dự Đại hội có 300 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 85.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Quang cảnh Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Ảnh: TTXVN

Đại hội có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Đại hội vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; lẵng hoa của đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lẵng hoa của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lẵng hoa của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ.

Đoàn đại biểu VKSND tối cao do đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Công đoàn VKSND tối cao làm trưởng đoàn, tham dự Đại hội.

Theo Báo cáo của Đại hội, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, song với sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam, phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hoạt động công đoàn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết đa số các chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ đều đạt và vượt kế hoạch. Nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được quan tâm, đầu tư nguồn lực, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo, thu hút đông đảo đoàn viên và người lao động tham gia. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều cách làm mới, sáng tạo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai có hiệu quả. Công tác nữ công, kiểm tra, giám sát, tài chính công đoàn được đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng quy trình, quy định chung, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

leftcenterrightdel
 Đại hội đã bầu Ban Chấp hành nhiệm kỳ 2023 - 2028 gồm 35 đồng chí.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đại hội hướng đến mục tiêu tập trung đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn theo hướng hiện đại, thiết thực, hấp dẫn; tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tích cực tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên; xây dựng các cấp công đoàn viên chức vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tham gia cùng cấp ủy, chuyên môn xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội đề ra 3 khâu đột phá là: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

leftcenterrightdel
 Ông Ngọ Duy Hiểu được tín nhiệm bầu tái đắc cử chức danh Chủ tịch Công đoàn Viên chức Việt Nam nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Cùng với đó, Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể như: Tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; Làm tốt công tác vận động, khích lệ, tạo động lực để đoàn viên, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng;

leftcenterrightdel
 Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao, Chủ tịch Công đoàn VKSND tối cao làm trưởng đoàn cùng các đại biểu Đoàn VKSND tối cao tham dự Đại hội.                                Ảnh: PV

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu quả phong trào nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động và công tác nữ công công đoàn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; Tập trung xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Đổi mới phương thức hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phát biểu tại Đại hội, ông Nguyễn Xuân Thắng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, đánh giá cao những kết quả Công đoàn Viên chức Việt Nam đạt được trong thời gian qua, đồng thời khẳng định vai trò của lực lượng cán bộ công đoàn viên chức trong việc tham mưu chính sách cho các cơ quan Đảng, Nhà nước. Công đoàn Viên chức Việt Nam đã động viên cán bộ vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phát huy tinh thần trách nhiệm sáng tạo trong công việc, phòng chống dịch COVID-19. Công đoàn Viên chức trong cả nước tham gia cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

“Trong thời gian tới, bên cạnh việc tham gia xây dựng chính sách pháp luật, cán bộ công đoàn cần “hoá thân” vào hoạt động của người lao động, chăm lo đời sống người lao động. Bên cạnh đó, bồi dưỡng xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp hơn; đồng thời cũng nâng cao đội ngũ lãnh đạo công đoàn”, ông Nguyễn Xuân Thắng cho biết.

Ông Nguyễn Đình Khang, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng khẳng định: Công đoàn Viên chức Việt Nam phải luôn đi đầu trong chuyển đổi số; tổ chức nhiều hội thi tạo sự chuyển biến trong hoạt động Công đoàn Viên chức Việt Nam.

leftcenterrightdel
 Các đại biểu bỏ phiếu bầu Ban Chấp hành mới.

Tham luận gửi Đại hội, Công đoàn VKSND tối cao đã nêu ra một số bài học kinh nghiệm, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát huy vai trò của Công đoàn với việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Cụ thể:

Tăng cường hơn nữa mối quan hệ phối hợp giữa Công đoàn với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trong việc tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt tổ chức triển khai thực hiện các nội dung của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2023); phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị.

Công đoàn tiếp tục thực hiện tốt chức năng theo quy định để chăm lo cho đời sống, bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng của cán bộ, công chức, người lao động; thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát; chủ động tham mưu cho cấp uỷ, phối hợp với chính quyền giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo (nếu có) của công chức, người lao động theo đúng quy định của pháp luật.

 Quan tâm giáo dục công chức, người lao động không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kiến thức quản lý Nhà nước, năng lực công tác; nâng cao tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao.

 Phát huy vai trò của Ủy ban kiểm tra Công đoàn, Ban Thanh tra nhân dân trong việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tập trung vào việc giám sát thực hiện quy định về quản lý tài chính, mua sắm và sử dụng tài sản công, việc thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (CBCCVCNLĐ); kiểm tra việc chấp hành chế độ thời gian làm việc, kỷ luật nghiệp vụ, thực hiện văn hóa công sở và quy tắc ứng xử của CBCCVCNLĐ trong cơ quan.

 

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 30/9/2023 đến ngày 01/10/2023.

Tại phiên làm việc thứ nhất, chiều ngày 30/9/2023, Đại hội sẽ thực hiện các nội dung chính là: Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình, quy chế làm việc; thông qua báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá V; Thông qua Đề án nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028; thảo luận tại Tổ.

Tại phiên làm việc thứ hai (phiên trọng thể) sáng ngày 01/10/2023, Đại hội sẽ thực hiện các nội dung chính là: Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018 - 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động đối với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tham luận của các đại biểu; phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trao Giải thưởng cống hiến; bầu Ban Chấp Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023 -2028.

Tại phiên làm việc thứ ba, chiều ngày 01/10/2023 sẽ thực hiện các nội dung chính: Bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đại hội VI Công đoàn Viên chức Việt Nam.



PV